Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng gần 20%

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 146.000 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong quý 1/2023, đã cho thấy “sức khỏe” của các DN đang có vấn đề, rất cần những giải pháp, chính sách kịp thời để ổn định thị trường lao động.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm – Bộ LĐTB&XH, quý 1/2023, đã có 146.000 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiêp, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, riêng trong tháng 3, số người lao động nộp hồ sơ tăng 60 – 70% so với tháng 2.

146.000 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong quý 1/2023. Ảnh: Trần Oanh.
146.000 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong quý 1/2023. Ảnh: Trần Oanh.

Ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm cho rằng, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tăng là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến DN thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến giãn việc, cắt giảm lao động; công ty giải thể. Ngoài ra, người lao động cảm thấy công việc không còn phù hợp; khi người lao động hết hạn hợp đồng không được DN ký lại.

Báo cáo nhanh của các địa phương gửi về Tổng cục Thống kê cho thấy, quý 1/2023, các địa phương có hiện tượng giãn việc, nghỉ việc nhiều là Thanh Hóa 62.400 người, Bình Dương khoảng 36.400 người, TP Hồ Chí Minh khoảng 19.800 người, Bắc Giang 16.000 người…

Quý 1/2023, có gần 149.000 người lao động bị mất việc, trong đó 55,2% lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử. Những lao động bị mất việc tập trung ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, như Đồng Nai khoảng 32.600 người, Bình Dương 21.700 người, Bắc Ninh khoảng 14.000 người, Bắc Giang khoảng 7.700 người.  

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, chuyên đề, lưu động, trực tuyến để kết nối DN và người lao động. 
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, chuyên đề, lưu động, trực tuyến để kết nối DN và người lao động. 

Trước tình hình số người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng, ông Ngô Xuân Liễu cho rằng “sức khỏe” của các DN đang có vấn đề, cần có những giải pháp, chính sách kịp thời để ổn định thị trường lao động như: Nắm bắt thông tin biến động của thị trường lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức các hiên giao dịch việc làm để kết nối người lao động tới những DN có nhu cầu tuyển dụng…

 

 

3 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận 14.284 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 23,52% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả đã có 13.369 người lao động nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Những người đủ điều hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp được trợ cấp tiền theo quy định của Nhà nước, tư vấn việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề, hưởng thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.