Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số người mắc Covid-19 tại Mỹ vượt 6 triệu, Ấn Độ lập kỷ lục thế giới về ca nhiễm mới trong ngày

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ ghi nhận hơn 6 triệu người nhiễm Covid-19, trong khi đó Ấn Độ lập kỷ lục thế giới với hơn 78.000 ca mắc virus SARS-CoV-2 trong một ngày.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.172.050 ca nhiễm Covid-19.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 31/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là 25.374.149 ca, trong đó có 850.047 người thiệt mạng. Các nước cũng ghi nhận 17.696.093 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 61.373 và 6.827.891 ca đang điều trị tích cực.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.172.050 ca nhiễm và 187.212 người chết, tăng lần lượt 32.680 và 357 ca so với một ngày trước đó. Nhiều trường đại học tại đây bắt đầu ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới tăng cao, chỉ vài ngày sau khi kỳ học mùa thu khai giảng.
Nhiều bang ở miền Trung Tây báo cáo tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng đột biến trong những những gầy đây, theo số liệu của Reuters.
Các bang Iowa, North Dakota, South Dakota và Minnesota đã báo cáo số ca mắc mới tăng kỷ lục trong một ngày, trong khi Montana và Idaho đang chứng kiến số lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện cũng tăng mạnh.
Số người được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã giảm trong những tuần gần đây.
Tuy nhiên, ít nhất 33 bang ở Mỹ từ chối thi hành hướng dẫn mới về xét nghiệm Covid-19 do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra, trong đó khuyến cáo không cần xét nghiệm với người không có triệu chứng.
Các quan chức y tế công cộng cho rằng rằng Mỹ cần xét nghiệm thường xuyên hơn, quan trọng là phải tìm ra người nhiễm virus SARS-CoV-2 không triệu chứng để làm chậm sự lây lan và những hướng dẫn của CDC có thể tăng nguy cơ bỏ qua xét nghiệm cần thiết.
Ngày 30/8, Ấn Độ - vùng dịch lớn thứ ba thế giới và lớn nhất châu Á, lập kỷ lục thế giới với hơn 78.700 ca mắc mới Covid-19 trong một ngày.
Giới chức Ấn Độ báo cáo nước này ghi nhận 78.761 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 30/8. Mức tăng đột biến về số ca mắc mới, con số cao nhất được báo cáo bởi bất kỳ quốc gia nào trên thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu, đã vượt con số 77.299 ca tại Mỹ ngày 16/7 theo số liệu thống kê của Reuters.
Ấn Độ lập kỷ lục thế giới về ca nhiễm mới trong ngày với hơn 78.000 trường hợp.
Trong bài phát biểu định kỳ hàng tháng trên đài phát thanh vào ngày 30/8, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không bình luận gì về số ca tăng đột biến này, nhưng ông kêu gọi người dân Ấn Độ hãy tuân thủ các biện pháp an toàn sức khỏe.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, trong khi các cuộc xét nghiệm được tăng cường trong nhiều tháng gần đây, vẫn cần thêm nhiều cuộc xét nghiệm nữa được thực hiện để có thể kiểm soát được quy mô của đại dịch Covid-19 tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.
Dịch Covid-19 đang lây lân mạnh tại các đại đô thị như trung tâm tài chính Mumbai và thủ đô New Delhi, tuy nhiên hiện nay nó bắt đầu tăng đột biến ở các thành phố nhỏ hơn và các khu vực nông thôn.
Bất chấp số ca mắc Covid-19 mới tăng kỷ lục, Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực tái mở cửa hoạt động kinh tế để giảm bớt thiệt hại từ đại dịch Covid-19 do phải áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với 1,3 tỷ dân của quốc gia Nam Á này.
Ngày 29/8, nhà chức trách Ấn Độ đã nới lỏng hơn nữa các biện pháp phong tỏa ngăn Covid-19, cho dù số ca nhiễm và số người chết vẫn tăng trên khắp đất nước.
Chính quyền Ấn Độ đang phải đối mặt với những áp lực giải phóng nền kinh tế khi hàng triệu  người đã bị mất việc làm kể từ khi áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc  lần đầu tiên từ hồi tháng 3.
Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết, việc tụ tập lên tới 100 người có thể sẽ được cho phép với điều kiện mọi người phải đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại các sự kiện chính trị, thể thao,văn hóa và giải trí trong háng tới.
Các dịch vụ tàu xe sẽ được cho phép ở các thành phố lớn. Bộ Nội vụ Ấn Độ đã cho phép hệ thống  tàu điện ngầm hoạt động trở lại với một số hạn chế ở New Delhi, thủ đô có khoảng 20 triệu dân. Tàu điện ngầm sẽ bắt đầu được phép chạy từ ngày 7/9, lần đầu tiên kể từ tháng 3, khi Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.