Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị về giảm thời gian chờ khám chữa bệnh và cải thiện chất lượng NVS trong BV do Bộ Y tế tổ chức ngày 18/5.
Không thể chấp nhậnTheo công bố của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về kết quả khảo sát thí điểm sự hài lòng của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện tại 29 BV tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước, chỉ số hài lòng của người bệnh trung bình đạt 3,98 điểm; tương ứng với mức độ hài lòng đạt gần 80%. Trong đó, người bệnh hài lòng nhất với phục vụ cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc; kém hài lòng nhất với NVS BV.
|
Nhà vệ sinh bệnh viện E có hệ thống bồn rửa tay, vòi nước cảm ứng, máy làm khô tay. Ảnh: Thanh Tâm |
Trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV, NVS không đạt yêu cầu nếu có nước đọng, rác bẩn, mùi khó chịu; Khoa lâm sàng, cận lâm sàng không có khu vệ sinh riêng. Mức đạt trung bình được xét đối với mỗi khoa lâm sàng và cận lâm sàng có ít nhất 1 khu vệ sinh; 1 buồng vệ sinh cho 30 giường bệnh (tính theo từng khoa); đạt yêu cầu cao nếu mỗi buồng bệnh có buồng vệ sinh riêng khép kín đủ giấy, xà phòng, nước sạch và bảo đảm tỉ lệ 6 giường bệnh có 1 buồng vệ sinh. Khảo sát của Bộ Y tế trên 1.193 BV từ cấp T.Ư đến quận/huyện cho thấy, NVS ở mức “5 sao” chỉ đạt 2,1%; mức 4 là 32,98%; mức 3 là 46%; còn chưa đạt là mức 1 và 2 là 2% và 17%. Theo điều tra này, NVS ở quận/huyện có tỷ lệ “bẩn” cao nhất với mức 1 là 2,85%, mức 2 là 21,17%.
Theo ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, hiện nay cơ cấu giá thành khám chữa bệnh, tiền giường bệnh đều đã tính tiền điện, nước, giấy vệ sinh, nhân công lau dọn, xử lý rác thải… Quy định cũng yêu cầu các BV phải đầu tư 3 - 5% tiền khám chữa bệnh vào việc nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo BV xanh sạch đẹp. Nhưng thực tế, BV phải tự chủ tài chính nên nhiều đơn vị tiết kiệm chi phí, chưa đầu tư vào công tác vệ sinh theo đúng yêu cầu.
Trong thời gian qua, dù các BV đã nỗ lực cải tiến quy trình khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian chờ khám bệnh vẫn quá lâu. Đơn cử, một người khám lâm sàng trung bình tổng thời gian khám là 66,5 phút, nhưng thời gian chờ khám lên tới 45,4 phút. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các BV nhanh chóng thực hiện đặt hẹn khám qua điện thoại, qua mạng, có giải pháp để người bệnh không phải chờ lâu. |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hầu như lần nào đến các BV, trạm y tế xã, phường cũng kiểm tra NVS. “Nhiều BV, NVS dành cho nhân viên y tế không có xà phòng rửa tay, nền nhà ướt nước, bốc mùi. Vậy NVS cho người bệnh sẽ bẩn ở mức nào” - bà Tiến nói. Trao đổi bên lề với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều giám đốc BV thừa nhận NVS BV chưa đạt yêu cầu. Nhưng rất khó cải thiện nếu ý thức bệnh nhân và người nhà không thay đổi.
Không hô khẩu hiệuSau nhiều ý kiến phát biểu xung quanh vấn đề NVS BV, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn: “Các BV cần chỉ rõ khâu nào chưa đạt, giải pháp cụ thể khắc phục ra sao và phải quyết tâm thực hiện; không nêu chung chung, kiểu khẩu hiệu như “cải thiện”, “đẩy mạnh”, "tăng cường" mãi được”.
Trước vấn đề này, Phó Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, sẽ quyết tâm làm sạch NVS BV, trước tiên đáp ứng các tiêu chí như: nền nhà khô, khu bồn cầu có giấy, thùng rác, xà phòng. Tuy nhiên, hiện mỗi ngày BV Bạch Mai đón 3.000 - 4.300 bệnh nhân đến khám, số người nhà đi kèm gấp đôi, gấp ba, rất nhiều người thiếu ý thức khi sử dụng NVS… Ông Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K cũng cho hay, sẽ bắt đầu sửa sang và cam kết tháng 6 tới sẽ đạt chuẩn NVS như yêu cầu của Bộ Y tế.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của NVS BV, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết: "Tới đây, trong quá trình kiểm tra, chấm điểm chất lượng BV, Bộ Y tế sẽ coi tiêu chí NVS là tiêu chí đặc biệt quan trọng, nếu NVS xếp loại 1 và 2 thì chất lượng BV cũng loại kém".