[Sổ tay kinh tế] Sửa Luật để nâng “chất”

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra lấy ý kiến mới đây với các nội dung sửa đổi quan trọng liên quan đến chào bán chứng khoán, công ty đại chúng, công bố thông tin…

Giới chuyên gia và nhà đầu tư, DN kỳ vọng những sửa đổi này nếu được thực thi sẽ giúp TTCK Việt Nam ngày càng phát huy vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Việc nâng cao điều kiện phát hành, nâng cao giá trị cổ phiếu sẽ tạo điều kiện góp phần giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia góp vốn cho DN.

Về chào bán chứng khoán, Dự án này nâng yêu cầu vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tại thời điểm đăng ký chào bán là từ 30 tỷ đồng trở lên (quy định tại Luật hiện hành là 10 tỷ đồng), hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi (quy định tại Luật hiện hành là 1 năm liền trước)... Về công ty đại chúng, dự thảo Luật nâng điều kiện công ty đại chúng về vốn điều lệ. Công ty đại chúng phải có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trong khi Luật hiện hành là từ 10 tỷ đồng trở lên. Cơ cấu cổ đông cũng được sửa đổi với quy định phải có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ. Quy định này theo UBCKNN là phù hợp với thông lệ quốc tế. Công ty đại chúng ở các nước thường có quy mô và số lượng cổ đông lớn. Tại Mỹ, công ty có tổng tài sản hơn 10 triệu USD (tương đương 220 tỷ đồng), tối thiểu 500 cổ đông được xem là công ty đại chúng. Tại Nhật Bản, công ty đại chúng phải có vốn điều lệ 500 triệu Yên (tương đương với 100 tỷ đồng).

Theo đánh giá của các chuyên gia, DN và nhà đầu tư, việc sửa đổi Luật Chứng khoán đã ban hành 10 năm và đang được lưu hành hiện nay là cần thiết. Luật hiện hành đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cho TTCK còn non trẻ của Việt Nam, tuy nhiên cũng phát sinh nhiều quy định lỗi thời, đỏi hỏi phải sửa đổi nhằm thúc đẩy thị trường phát triển. Ví dụ năm 2006, vốn hóa của TTCK chỉ chiếm khoảng 22% GDP thì hiện tại, quy mô của thị trường cổ phiếu chiếm từ 77 – 80% GDP. Năm 2006, thị trường chỉ có khoảng 200 DN niêm yết, đăng ký giao dịch thì đến nay, thị trường có gần 1.500 DN. Ngoài ra, theo luật hiện hành, vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tại thời điểm đăng ký chào bán là 10 tỷ đồng. Mức này được cho là quá thấp và không phù hợp với thị trường hiện tại. Bởi vậy, việc dự thảo Luật Chứng khoán quy định mức vốn điều lệ phải tối thiểu 30 tỷ đồng của công ty đại chúng sẽ đảm bảo quyền lợi và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.

Có thể thấy, việc sửa đổi Luật theo hướng nâng chất lượng TTCK Việt Nam là phù hợp. Các DN cũng như nhà đầu tư đang chờ đợi nhiều ở sự thay đổi này để thị trường ngày càng công khai, minh bạch và thực sự là một kênh đầu tư đáng tin cậy của nhà đầu tư, từ đó góp phần huy động vốn cho nền kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần