[Sổ tay kinh tế] Thu thuế doanh nghiệp số xuyên biên giới có quá khó?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù có doanh thu khủng nhưng nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử có công ty mẹ ở nước ngoài đóng góp cho ngân sách vẫn rất khiêm tốn.

Điều này không chỉ gây bất bình đẳng trong cạnh tranh với DN nội mà còn “bỏ lọt” các nguồn thu, gây thất thu ngân sách trong khi Chính phủ lại phải chịu sức ép lớn trong công tác thu.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo báo cáo E-Economy SEA 2018 của Tamesek (Singapore), đến năm 2025, quy mô kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 33 tỷ USD, gấp 3,7 lần so với năm 2018, con số rất lớn so với quy mô nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, sự bao quát và kiểm soát nguồn thu phát sinh từ hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới chưa có các quy định cụ thể, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này. Đại diện Vụ Chính sách thuế - Tổng cục Thuế thừa nhận, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới là vấn đề nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.
Hiện nay, việc quản lý thuế từ các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn nhiều kẽ hở để các DN nước ngoài trốn thuế. Để quản lý thuế chặt chẽ hơn các nguồn thu từ nền kinh tế số, đặc biệt là các DN số xuyên biên giới, Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định, từ 1/7/2020, các hoạt động kinh doanh của DN xuyên biên giới trên lãnh thổ Việt Nam sẽ phải thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.
Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng vẫn phải có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Để thực hiện quy định này, một trong những nội dung đang được ngành thuế triển khai là đưa việc đăng ký lên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Khi nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đăng ký, kê khai nộp thuế tại Việt Nam, cơ quan chức năng sẽ dùng biện pháp khấu trừ tại nguồn.
Muốn làm được điều này, điều kiện trước hết là phải có cơ sở pháp lý để các ngân hàng thương mại thực hiện khấu trừ. Vì thế, Luật Quản lý thuế hiện đã có điều 27 quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của các ngân hàng thương mại là: Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.
Hiện, cơ quan thuế đang cùng Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xác định tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn các đơn vị thực hiện khấu trừ đúng quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần