Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sơ thẩm giai đoạn II “Đại án DABank”: Riêng nhóm M&C gây thiệt hại 3.949 tỷ đồng

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tổng số thiệt hại 8.827 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Đông Á (DABank) ở giai đoạn II, cơ quan tố tụng xác định chỉ riêng nhóm khách hàng M&C gây thiệt hại hơn 3.949 tỷ đồng.

Ngày 25/6, phiên tòa sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” do bị cáo Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD DABank) cùng 11 đồng phạm gây ra tại DABank làm thiệt hại hơn 8.827 tỷ đồng, tiếp tục với phần xét hỏi.
Bị cáo Trần Phương Bình (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng phạm tại tòa.
Nhiều nội dung liên quan đến giao dịch vay vốn giữa DABank với nhóm khách hàng M&C (gồm 11 công ty và 10 cá nhân), trong đó đại diện là Công ty CP M&C với tài sản đảm bảo là những dự án “khủng”; mối quan hệ hợp tác giữa DABank, Công ty CP M&C và Công ty TNHH MTV Ba Son (Công ty Ba Son).
Theo đó, sau khi được Bộ Quốc phòng chấp thuận chủ trương xây dựng dự án Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh) vào năm 2011, giữa Công ty Ba Son và Công ty CP M&C ký hợp đồng đầu tư, 2 bên thỏa thuận Công ty CP M&C đặt cọc 500 tỷ đồng. Ông Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP M&C) trao đồi với Trần Phương Bình  (lúc này là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD DABank) và đề nghị DABank cho vay 500 tỷ đồng để đặt cọc cho Công ty Ba Son.
Thời điểm này, Công ty CP M&C đang có dư nợ lớn tại DABank nên ông Bình không cho vay. Sau đó, Trần Phương Bình nhận thấy đây là dự án có khả năng đem lại nguồn lợi về kinh tế, có thể giúp Công ty CP M&C trả được nợ cho DABank nếu được hợp tác với Công ty Ba Son. Đồng thời, ông Bình cũng muốn đầu tư vào dự án để có nguồn tiền bù cho việc âm quỹ tại DABank. Do đó, ông Bình đề nghị được góp vốn để đầu tư vào dự án này.
Để có vốn, ông Bình thông qua Công ty CP Vốn An Bình (do ông Bình lập và nhờ em vợ là bà Cao Thị Ngọc Hồng đứng tên đại diện) để hợp tác đầu tư với Công ty CP M&C. Tuy nhiên Công ty CP Vốn An Bình cũng đang nợ DABank nên không thể vay. Vì vậy, Bình nhờ Cao Ngọc Vũ dùng pháp nhân của Công ty CP Kỹ thuật xây dựng Đông Á (Công ty Đông Á) vay 200 tỷ đồng, nhờ bà Hồng đứng tên cá nhân vay 50 tỷ đồng tại DABank. Sau khi được giải ngân, Bình chỉ đạo Vũ, Hồng chuyển tiền về Công ty CP Vốn An Bình để chuyển cho Công ty CP M&C. Nhận được tiền, Khánh chuyển cho Công ty Ba Son.
Sau 1 năm vẫn không thấy Phùng Ngọc Khánh triển khai thêm được gì, ông Bình yêu cầu Khánh phải dùng pháp nhân của các công ty thuộc nhóm M&C của Khánh vay 270 tỷ từ DABank để tra cho khoản vay của bà Hồng và Công ty Đông Á. Cứ như vậy, các công ty thuộc nhóm M&C (Công ty CP M&C, Công ty CP Tân Superdeck M&C, Công ty CP Đầu tư Khải Minh, Công ty TNHH An Bình An) vay 5 khoản, tổng cộng 1.250 tỷ đồng.
Điều đáng nói, Bình yêu cầu Khánh dùng dự án Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son làm tài sản đảm bảo để thế chấp tại DABank. Trong khi Công ty Ba Son là đơn vị có quyền đối với quyền sử dụng đất tại số 2 Tôn Đức Thắng và là chủ đầu tư dự án.
Đại diện Viện KSND khẳng định, dự án Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son không đủ điều kiện dùng làm tài sản đảm bảo. Ngoà ra, Phùng Ngọc Khánh và Trần Phương Bình còn bàn bạc, thống nhất dùng nhiều thụ thuật vay để đảo nợ, “phù phép” nhiều hợp đồng hợp tác đầu tư, thế chấp trái phiếu không có giá trị của Công ty CP M&C. Tổng thiệt hại DABank phải gánh do Bình và Khánh gây ra trực tiếp và gián tiếp được xác định hơn 3.949 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Phương Bình thừa nhận việc duyệt hồ sơ cho vay là trái quy định pháp luật. Việc bị cáo duyệt hồ sơ chấp thuận cho vay vì mục đích hỗ trợ doanh nghiệp đáo hạn nợ cũ. Việc hợp thức hóa tài sản đảm bảo cũng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, dù lường trước rủi do nhưng nếu dự án đưa vào khai thác thì họ sẽ trả được nợ.
Tại tòa, chủ tọa đặt hàng loạt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước về quy trình thẩm định tài sản đảm bảo trong những khoản vay nêu trên. Vì đại diện Viện KSND khẳng định 25.000 trái phiếu do Công ty CP M&C phát hành không có giá trị? Và số trái phiếu này lại dùng làm tài sản để doanh nghiệp thế chấp vay hàng trăm tỷ đồng tại DABank? Hội đồng định giá nghĩ gì khi định giá tài sản, thẩm định hồ sơ vay vốn của Công ty CP M&C?
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng theo quy định của pháp luật không bắt buộc tổ giám định đưa ra nhận định về trái phiếu của doanh nghiệp.