Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có thể giảm 1.000 xã

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/3, Ủy ban Dân tộc có báo cáo về Đề án Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Đây là đề án do Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo đề xuất của Uỷ ban Dân tộc, nhiều xã sẽ không thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Khánh Phong/báo Pháp luật & Xã hội. 

Theo đề xuất của Ủy ban Dân tộc tại Đề án nêu trên, tiêu chí xác định vùng dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên. Phân theo trình độ phát triển, vùng được chia thành 3 khu vực: Địa bàn bước đầu phát triển (xã khu vực I); địa bàn còn khó khăn (xã khu vực II), và địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III  và thôn Đặc biệt khó khăn).
Trong đó, tiêu chí thôn đặc biệt khó khăn là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên. Riêng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các thôn được phân định là đặc biệt khó khăn khi có từ 15% hộ nghèo trở lên, hoặc có ít nhất 30 hộ dân tộc thiểu số là hộ nghèo.
Ủy ban Dân tộc cho biết, theo tiêu chí đề xuất của dự án trên, số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi dự kiến sẽ giảm 1.000 xã (do không đạt tiêu chí về số lượng và tỷ lệ người dân tộc thiếu số). Trong khi đó, số xã đặc biệt khó khăn cũng sẽ giảm gần 300 xã. Điều này có thể khiến các địa phương không còn trong danh sách ít nhiều cảm thấy tâm tư, vì vẫn muốn nhận các khoản hỗ trợ đầu tư của Nhà nước dành cho các địa phương khó khăn.
Mặc dù vậy, Ủy ban Dân tộc cũng cho rằng, việc đưa tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số và miền núi vào tiêu chí phân định sẽ phản ánh thực chất hơn chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong lúc nguồn lực còn có hạn, nhu cầu đầu tư lớn, điều này sẽ giúp việc đầu tư tập trung hơn cho các địa bàn thực sự khó khăn, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.