Công văn nêu rõ, mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, việc cập nhật hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo từng giai đoạn có ý nghĩa then chốt trong bảo vệ thành quả phòng, chống dịch của TP.
Theo đó, tại khoa khám bệnh, khoa cấp cứu và các đơn vị điều trị trong ngày: Thực hiện khai báo y tế điện tử, tổ chức phân luồng, sàng lọc đối với tất cả người bệnh khi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế, chú ý khai thác các triệu chứng, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 để làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngay khi phát hiện nhân viên, người lao động, người bệnh, người chăm sóc có triệu chứng nghi ngờ |
Đối với trường hợp cấp cứu, ưu tiên can thiệp cấp cứu người bệnh tại buồng cấp cứu sàng lọc, sau khi người bệnh ổn định cần xem xét chỉ định làm xét nghiệm nhanh kháng nguvên nếu có triệu chứng nghi ngờ.
Các trường hợp cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật tại khu vực điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày như phẫu thuật trong ngày, chạy thận nhân tạo, kỹ thuật có tạo khí dung, khám thăm dò chức năng hô hấp; nội soi dạ dày; khám chữa bệnh răng miệng..., có chỉ định làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên để quyết định nơi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật phù hợp.
Người bệnh có chỉ định nhập viện sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp không quá 10) cho người bệnh và người chăm sóc đi kèm trước khi nhập viện. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, người bệnh được điều trị ngay theo phác đồ tại khu cách ly tạm của khoa khám bệnh hoặc buồng cách ly của khoa lâm sàng.
Đối với trường hợp người bệnh cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật tại các khu vực điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày hoặc có chỉ định nhập viện, nếu người bệnh và người chăm sóc đã có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu và không có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 thì không cần làm xét nghiệm lại.
Tại khu vực điều trị nội trú và các khoa, phòng khác: Thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngay khi phát hiện nhân viên, người lao động, người bệnh, người chăm sóc có triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, đau họng, mất khứu giác, mất vị giác...).
Thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn cho tất cả các trường hợp viêm phổi diễn tiến nhanh, suy hô hấp không giải thích được
Thực hiện xét nghiệm tất cả nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với người bệnh Covid-19, nhân viên xử lý mẫu bệnh phẩm, xử lý đồ vải, rác thải lây nhiễm, nhân viên các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao như khoa cấp cứu; khoa hồi sức; khoa truyền nhiễm; khoa hô hấp; khoa thận nhân tạo; khoa khám bệnh, bộ phận giám sát, sàng lọc,... bằng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10 mỗi 07 ngày.
Thực hiện xét nghiệm cho ít nhất 20% nhân viên các khoa lâm sàng còn lại và nhân viên hành chính bằng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10, mỗi 07 ngày.
Trong thời gian điều trị nội trú, định kỳ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10 mỗi 07 ngày cho ít nhất 20% người bệnh và người chăm sóc.