Sóc Sơn quyết tâm hoàn thành dồn điền đổi thửa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, huyện Sóc Sơn thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đạt 101% kế hoạch TP giao, nhưng vẫn còn có điểm chưa được như mong muốn. Con đường đi tới thành công trong DĐĐT ở Sóc Sơn đang cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.

Chủ động vào cuộc

Ngay từ năm 2009, khi trên địa bàn Hà Nội chưa huyện nào thực hiện DĐĐT trong nông nghiệp thì Sóc Sơn đã thể chế hóa công tác này bằng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ, Nghị quyết của HĐND và kế hoạch thực hiện của UBND huyện. Sau 4 năm triển khai, đến nay, toàn huyện đã DĐĐT được 10.233,7ha đất sản xuất nông nghiệp, bằng 101% kế hoạch TP giao. Ông Phạm Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: "Bình quân số thửa trên một hộ đã giảm hơn 89,5% so với trước. Điển hình, ở các xã Xuân Thu, Bắc Phú, Tân Minh, Đức Hòa, trước DĐĐT, bình quân mỗi hộ có 19 thửa ruộng, nhưng sau DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn 2 thửa, nhiều nhất là 4 thửa".
 Làm giao thông nội đồng phục vụ DĐĐT tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn.     Ảnh: Quang Thiện
Làm giao thông nội đồng phục vụ DĐĐT tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
 
Sau DĐĐT, huyện Sóc Sơn đã tập trung vào phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo ra những vùng sản xuất cho giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, huyện đã có 3 sản phẩm được xây dựng thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường là rau hữu cơ Sóc Sơn, bưởi sạch Sóc Sơn và chè an toàn Bắc Sơn.    

Mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô theo hướng trang trại đã được hình thành và không ngừng tăng trưởng từ 53 trang trại năm 2010 lên 79 trang trại năm 2013. Năm 2013, đời sống Nhân dân trong huyện đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng/người/năm (2010) lên 22 triệu đồng/người/năm (2013), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,46% năm 2010 còn 3,34% năm 2013. Điều kiện sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân được cải thiện đáng kể với hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được bố trí tới từng thửa ruộng canh tác và hơn 1.459 máy nông cụ các loại. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, Sóc Sơn còn một số vướng mắc trong DĐĐT ở xã Kim Lũ. 

Giải quyết “điểm nóng” Kim Lũ

Đến xã Kim Lũ những ngày này, không khó nhận ra những thửa ruộng bỏ hoang, người dân không cấy, cỏ mọc bời bời. Đây đó trên cánh đồng thôn Kim Trung, một số ruộng lúa loi choi nhiều giống khác nhau do người dân tranh chấp trong khi cấy. 

Ông Dương Đức Trung - Chủ tịch UBND xã Kim Lũ cho biết, xã có 4 thôn gồm Kim Hạ, Xuân Dương, Kim Trung và Kim Thượng. Năm 2011, xã đã thực hiện DĐĐT thành công ở thôn Kim Hạ. Năm 2012, xã tiếp tục triển khai DĐĐT ở 3 thôn còn lại với diện tích hơn 245ha. Sau nhiều khó khăn, vướng mắc, với sự vào cuộc của Huyện ủy và UBND huyện Sóc Sơn, đến nay, hai thôn Xuân Dương và Kim Thượng đã giao ruộng cho dân đạt lần lượt là 86% và 100%. Riêng thôn Kim Trung, do phát sinh tranh chấp, khiếu kiện nên vụ xuân này có 5,7ha bị bỏ hoang. Không những thế, trong thời điểm gieo cấy, một số hộ dân (kể cả người được giao ruộng ở nơi khác) đã tranh chấp ruộng với những hộ được giao ruộng từ vụ trước, dẫn đến xô xát. Thậm chí, có một số thửa ruộng, cả người được giao và người tranh chấp cùng gieo cấy khiến ruộng có nhiều giống lúa khác nhau. Hành vi của những hộ dân này đã được Công an huyện Sóc Sơn lập hồ sơ vi phạm để xử lý. 

Để xảy ra sự việc này, ông Dương Đức Trung lý giải là do năng lực của cán bộ thôn yếu, có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh đó, Chi bộ thôn Kim Trung chưa tham gia tích cực vào công tác DĐĐT. Ngoài ra, một số người sợ bị ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân khi đất rau xanh (đất 5%) nằm vào diện tích đất công ích… Xác định được nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên tại xã Kim Lũ, Huyện ủy và UBND huyện Sóc Sơn đã quyết liệt vào cuộc, phối hợp với cơ sở tập trung làm công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân về chủ trương và lợi ích của công tác DĐĐT, đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm đối với những người cố tình chống đối, vi phạm. Đến thời điểm này, đại bộ phận người dân xã Kim Lũ đã ủng hộ công tác DĐĐT và mong muốn nhận ruộng. 

Theo Chủ tịch UBND xã Kim Lũ Dương Đức Trung, chậm nhất đến đầu tháng 5/2014, xã sẽ giao hết ruộng cho các hộ dân. Hy vọng sau việc này, công tác DĐĐT ở Sóc Sơn sẽ có được kết quả như mong muốn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần