Sóc Sơn trên đường đổi mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với bước chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô, 5 năm qua, huyện Sóc Sơn đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Diện mạo vùng đất này đang đổi thay từng ngày, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.

Thị trấn Sóc Sơn hôm nay.
Thị trấn Sóc Sơn hôm nay.
Kinh tế tăng trưởng khá

Là địa phương có địa bàn rộng, địa hình đa dạng, xa trung tâm TP, công cuộc xây dựng và phát triển của huyện Sóc Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 của huyện lên tới 15,4%. Sau 5 năm, huyện Sóc Sơn đã, đang vươn lên và có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 8,71%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, cụ thể, tỷ trọng các ngành năm 2015 là: công nghiệp (57,14%), dịch vụ - thương mại (30,14%), nông nghiệp (12,72%). Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 của huyện giảm còn dưới 2%.
Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sóc Sơn đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (9,0 – 9,5%); Cơ cấu kinh tế năm 2020 (Công nghiệp: 51%, Dịch vụ: 41%, Nông nghiệp: 8%); Thu nhập bình quân đầu người (50 triệu đồng/người/năm); Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; Trở thành huyện Nông thôn mới của TP vào năm 2020,…

Những thành tích nổi bật trên có được, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội, còn là sự vào cuộc quyết liệt, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đơn cử, trong sản xuất nông nghiệp, bước đột phá trong nhiệm kỳ vừa qua là công tác dồn điền đổi thửa. Huyện đã hoàn thành về cơ bản dồn điền đổi thửa tại 136 thôn, làng, với hơn 11.000ha (dẫn đầu toàn TP), từ bình quân 10 thửa/hộ giảm xuống còn 2,5 thửa/hộ.

Cùng với việc đổi mới tư duy sản xuất, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện lên gấp 1,5 – 2 lần, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân của huyện qua 5 năm đạt kết quả quan trọng. Đến hết năm 2015, huyện phấn đấu hoàn thành 433/475 tiêu chí, 12/25 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, 13 xã còn lại đạt từ 12 – 14 tiêu chí.         

Hướng tới vùng phát triển năng động

Dù đã gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận, tuy nhiên, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của huyện Sóc Sơn vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Nguyệt thẳng thắn thừa nhận, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh; Quản lý Nhà nước về tài nguyên – môi trường, khoáng sản có thời điểm, có địa phương còn bị buông lỏng, việc xử lý một số vi phạm còn chưa quyết liệt, dứt điểm; Kết quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như văn hóa, môi trường, đổi mới hình thức sản xuất mới đạt ở mức cơ bản, chưa bền vững; Một số chỉ tiêu về dân số đạt thấp; Công tác giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững,... 

Nhằm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ mới, trên cơ sở xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, huyện chọn hai khâu đột phá, đó là tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng nông thôn mới, cung cấp nước sạch, xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cán bộ, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phấn đấu đưa huyện Sóc Sơn trở thành vùng phát triển năng động của Thủ đô vào năm 2020.