Sóc Trăng sẽ là trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Kinhtedothi - Tỉnh Sóc Trăng đang triển khai Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu là giữ vững và nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh theo hướng tăng năng suất, chất lượng; từng bước đưa tỉnh Sóc Trăng thành trung tâm nuôi trồng thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế phải thực hiện các cam kết về nguồn nguyên liệu, sản phẩm tôm đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc truy xuất rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án có mục tiêu là giữ vững và nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ của tỉnh theo hướng tăng năng suất và chất lượng; tăng giá trị sản xuất ngành hàng tôm nước lợ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, từng bước đưa tỉnh Sóc Trăng thành trung tâm nuôi trồng thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nuôi tôm công nghiệp ở Sóc Trăng. Ảnh Duy Khang
Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai thực hiện tại 5 huyện, thị xã nuôi tôm trọng điểm của tỉnh là: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Theo đó, Ban Quản lý Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh đã triển khai các mô hình hỗ trợ đến hộ nuôi.
Theo Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng, đến năm 2025 diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 57.000ha, trong đó có 1.500ha tôm siêu thâm canh, 40.500ha tôm thâm canh, bán thâm canh; 15.000ha tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến, sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt 233.800 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh duy trì đạt 1 tỷ USD.
Để đạt được kết quả trên trong năm 2025, Ban Quản lý Đề án sẽ tiến hành xây dựng 45 mô hình điểm nuôi tôm phù hợp với từng tiểu vùng sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; có 100% cơ sở nuôi/hộ nuôi đảm bảo điều kiện về nuôi trồng thủy sản và được cấp mã số ao nuôi đối tượng nuôi chủ lực. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của 20 hợp tác xã để đạt các chứng nhận VietGAP và phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, hợp đồng liên kết cung cấp các dịch vụ nuôi và tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với các tổ hợp tác, hợp tác xã, hạn chế qua các khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho cả người nuôi và doanh nghiệp.
Bà Quách Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Để Đề án Phát triển nuôi tôm tỉnh triển khai thành công, đơn vị sẽ tiến hành cơ cấu một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Thực nghiệm, xây dựng mô hình quản lý phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, mô hình ứng dụng công nghệ cao nâng cao năng suất và giá trị sản lượng, trong đó ưu tiên mô hình quản lý có sự tham gia và giám sát của các bên có liên quan (đơn vị quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi tôm). Chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm soát chặt chẽ nước thải, chất thải của các vùng sản xuất tôm giống, vùng nuôi tập trung, cơ sở sản xuất và công ty chế biến tôm trên địa bàn. Thường xuyên cảnh báo về diễn biến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là vào mùa mưa bão để người dân chủ động bố trí sản xuất và ứng phó hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên tôm nuôi, đặc biệt tại các vùng nuôi tập trung; xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.

Năm 2025 giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng duy trì đạt 1 tỷ USD. Ảnh Duy KHang
Cũng theo bà Quách Thị Thanh Bình, để con tôm nuôi nước lợ có đầu ra tốt, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, thông tin về giá tôm thương phẩm để lập kế hoạch phát triển nuôi tôm và thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm hiệu quả. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hội, hiệp hội chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển mở rộng các thị trường mới cho sản phẩm tôm. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và tổ chức sản xuất có kiểm soát theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, xây dựng thương hiệu các sản phẩm tôm Việt Nam…”.


Xã căn cứ kháng chiến ở Sóc Trăng đạt chuẩn nông thôn mới
Kinhtedothi - Ngày 2/1, UBND huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận xã Mỹ Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

Khánh thành cống ngăn mặn trên 500 tỷ đồng ở Sóc Trăng
Kinhtedothi - Cống âu Rạch Mọp là 1 trong 80 công trình trọng điểm được đồng loạt khởi công, khánh thành trên cả nước nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Sóc Trăng sẽ là cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng đồng bằng sông Cửu Long
Kinhtedothi - Sóc Trăng được định hướng là cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với việc phát triển cảng biển Trần Đề và các khu bến cảng khác, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.