Người dân đổ xô vào siêu thị mua sắm
Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội như Big C, Co.op Mart, Winmar cho thấy, những ngày này, các siêu thị đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng mua sắm hàng Tết. Chị Nguyễn Hương Giang, ở 288 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Chỉ còn ít ngày nữa là Tết Nguyên đán, trong khi gia đình đều đi làm tới ngày 29 âm lịch mới nghỉ nên những ngày này tôi tranh thủ mua sắm trước”.
Thông tin về sức mua của người tiêu dùng những ngày cần kề Tết Giáp Thìn, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, từ sau ngày Tết ông Công, ông Táo đến nay, hệ thống siêu thị Co.op Mart đã đón một lượng khách tăng 30 - 40% so với 2 tuần trước. Mặt hàng người tiêu dùng tìm mua nhiều nhất là các loại bánh kẹo, bột ngũ cốc, mì, miến, gia vị, nước chấm, rượu vang, giỏ quà Tết để biếu tặng. "Nhiều sản phẩm của siêu thị đã hết hàng, nhất là bánh kẹo bán theo cân với giá dao động từ 60.000 - 200.000 đồng/kg nên nhân viên phải liên tục bổ sung hàng để phục vụ khách" - bà Dung cho biết.
Trong khi đó, Giám đốc vận hành hệ thống siêu thị Winmart miền Bắc Khúc Tiến Hà chia sẻ, những ngày này, lượng khách đổ về hệ thống siêu thị Winmart mua hàng tăng 40 - 50% so với ngày thường. Vì vậy, siêu thị đã lên phương án dự trữ hàng hóa để phục vụ tốt nhất. “Hiện, Winmart tập trung đảm bảo nguồn cung cho những mặt hàng thiết yếu như rau - củ - quả, thịt, cá, hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống...” - ông Hà nói.
Thực tế cho thấy, do lượng người mua sắm ngày càng đông nên các siêu thị luôn phải thông báo, nhắc nhở người dân xếp hàng, đề phòng kẻ gian. Khu vực quầy thanh toán luôn đông đúc, mọi người phải xếp hàng chờ đợi 10 - 15 phút mới tới lượt thanh toán.
Trái ngược với cảnh đông đúc khách mua hàng tại siêu thị, tại hệ thống chợ truyền thống lại lâm vào cảnh ế ẩm so với các năm trước. Bà Mai Anh - tiểu thương kinh doanh thực phẩm khô tại chợ Kim Liên than thở, hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết như măng khô, miến, nấm, bóng bì… đều dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá nhưng lượng khách mua không nhiều, kém xa so với mấy năm trước.
Nhìn nhận về sức mua hàng Tết năm 2024, chị Nguyễn Ngọc Yến - tiểu thương kinh doanh mặt hàng thực phẩm Tết tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng) cho biết: “Đến nay cửa hàng vẫn chưa có đơn hàng lớn. Ví dụ như mọi năm có đơn mấy chục cân bắp bò, mứt dừa, trị giá trên 100 triệu đồng, nhưng năm nay khách chỉ hỏi giá là chủ yếu hoặc đặt mua số lượng nhỏ lẻ.
Mở cửa bán hàng xuyên Tết
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đến nay, đã có trên 1.300 điểm bán hàng của các đơn vị bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng từ ngày mùng 1 - 5 Tết. Cụ thể, đối với hệ thống siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc, thời gian này sẽ mở cửa từ 7 - 23 giờ hằng ngày. Hệ thống sẽ phục vụ nhu cầu mua sắm Tết tới 12 giờ ngày 30 Tết và chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết. Từ mùng 2, hệ thống hoạt động bình thường, mở cửa từ 8 - 22 giờ.
Để phục vụ mùa mua sắm cao điểm, từ ngày 2/2 (23 tháng Chạp) đến ngày 8/2 (29 Tết Âm lịch) siêu thị AEON sẽ mở cửa sớm từ 7 giờ sáng, đóng cửa muộn vào 23 giờ đối với khu vực siêu thị tầng 1 và phục vụ xuyên Tết. Hệ thống siêu thị WinCommerce (gồm WinMart và WinMart+) sẽ mở cửa đến 12 giờ ngày 30 Tết và mở lại vào mùng 4 Tết. Từ nay đến ngày 29 Tết, hệ thống này tăng giờ phục vụ lên 23 giờ. Trong dịp này, WinCommerce cũng tăng cường kênh bán hàng online và hỗ trợ nhiều chính sách giao hàng.
Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.op Food mở cửa đến 12 giờ ngày 30 Tết và chỉ nghỉ Tết ngày 10/1 (tức ngày mùng 1 Tết) và mở cửa trở lại từ ngày mùng 2 Tết. Từ mùng 2 - 5 Tết, siêu thị mở cửa từ 8 - 12 giờ. Từ ngày mùng 6 Tết, siêu thị trở lại hoạt động bình thường, giờ mở cửa của siêu thị là từ 7 - 22 giờ hằng ngày.
“Việc các siêu thị chỉ nghỉ 1 ngày sau đó mở cửa kinh doanh trở lại là một trong những lý do khiến người tiêu dùng không mua hàng dự trữ trong kỳ nghỉ Tết. Điều này kéo theo sức mua lương thực, thực phẩm tại chợ truyền thống không tăng như mong muốn” - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu phân tích.