Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sôi nổi đóng góp các giải pháp về công tác hoà giải ở cơ sở

Nhật Nam - Đức Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/8, Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở”.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội chủ trì Hội thảo.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội chủ trì Hội thảo.
 

Hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Hà Nội chủ trì Hội thảo; ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) TP Hà Nội, đồng chủ trì.

Dự Hội thảo có đại diện Phòng PBGDPL, Sở Tư pháp; Ủy ban MTTQ TP Hà Nội; Đoàn Luật sư TP Hà Nội; Hội Luật gia TP, Sở TT&TT, Sở Tài chính; Lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã và đại diện lãnh đạo xã phường, hoà giải viên tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội.

Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương, khẳng định, công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội; giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

“Năm 2022, cũng là năm kết thúc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022”. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP tại buổi họp giao ban đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng công tác của Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, Hà Nội sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” và triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP theo Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 23/7/2019; triển khai xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trong giai đoạn tiếp theo trên địa bàn TP” – bà Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

Trình bày tại Hội thảo, bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp cho biết, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay đã đi vào nề nếp, bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở ngày càng được khẳng định và được Nhân dân ghi nhận.

Tính đến tháng 6/2022, toàn TP có 4.925 tổ hòa giải với tổng số 32.234 hòa giải viên Hàng năm, 80% số lượng hòa giải viên ở cơ sở được các cấp, các ngành từ TP đến cơ sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật.

Tuy nhiên, công tác hòa giải trên địa bàn Hà Nội còn có hạn chế như: Một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hoà giải đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải.

“Mức kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải còn thấp. Nhiều địa phương chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia, những người có kiến thức pháp luật đã nghỉ hưu, đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở...”- bà Vũ Thị Thanh Tú phát biểu.

Kinh phí hỗ trợ cho công tác hoà giải còn hạn chế

Ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội nêu, sự phối hợp giữa MTTQ, cơ quan tư pháp cùng cấp từ TP đến cơ sở có những chuyển biến tích cực, nhất là sau khi có Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đề xuất nhiều giải pháp tại Hội thảo.
Ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đề xuất nhiều giải pháp tại Hội thảo.
 

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP xây dựng ban hành kế hoạch hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở. Chủ động tổ chức kiểm tra công tác MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở tại một số đơn vị trên địa bàn. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã kịp thời được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cộng đồng dân cư. Cấp uỷ các địa phương dành sự quan tâm tới công tác hoà giải ở cơ sở chưa đồng đều, sự hỗ trợ của ngân sách còn bất cập.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hoà giải, ông Đàm Văn Huân kiến nghị, cần kịp thời bổ sung, kiện toàn hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải, lựa chọn những người tâm huyết, trách nhiệm, có ý thức xây dựng cộng đồng, có uy tín, kinh nghiệm trong cuộc sống và kiến thức pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Thực hiện tốt các giải pháp phát huy vai trò của hòa giải viên đã được bầu, công nhận. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên để cập nhật, nâng cao kiến thức cho các hòa giải viên về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải; kiến nghị sửa đổi Luật Hoà giải ở cơ sở, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác hoà giải ở cơ sở...

Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội hữu ích với hoà giải viên

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ, quận Bắc Từ Liêm đã lấy 2 phường xảy ra nhiều tranh chấp nhất để tổ chức tập huấn cho các hoà giải viên. Hiện, 2 phường đã đạt được kết quả cao về hoà giải thành. Ông Chiến khẳng định, hoà giải viên cần được tập huấn thường xuyên, bởi bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hoà giải viên có nhiều lợi ích. Thứ nhất, bởi bản thân hoà giải viên được trang bị kiến thức pháp luật. Thứ hai, hoà giải viên vừa tham gia hoà giải nhưng cũng là tuyên truyền viên pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hoà giải ở cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hoà giải ở cơ sở.
 

“Việc phát ấn phẩm Pháp luật và Xã hội (PL&XH) miễn phí tới các tổ hoà giải rất quan trọng, có lợi ích trong thông tin pháp luật nói chung, vinh danh gương tốt về hoà giải viên nói riêng. Cơ quan báo chí không thể thiếu được trong công tác tuyên truyền, lan toả công tác hoà giải ở cơ sở” – ông Chiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Trần Minh Hồng, Phó phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm cho hay, việc phát hành ấn phẩm PL&XH miễn phí tới tay hoà giải viên là cần thiết. Tại địa bàn quận, các tổ hoà giải cơ sở nhận được đầy đủ ấn phẩm PL&XH. Ấn phẩm đã cung cấp kiến thức pháp luật, cung cấp kỹ năng hoà giải cho hoà giải viên và lan toả gương hoà giải viên tốt. "Ấn phẩm PL&XH hữu ích cho hoà giải viên cơ sở, chúng tôi mong tiếp tục được cấp phát ấn phẩm PL&XH miễn phí cho các tổ hoà giải" - bà Hồng nêu.

Cũng theo bà Trần Minh Hồng, một trong những kinh nghiệm của quận Hoàn Kiếm là lựa chọn nhân sự tham gia vào tổ hoà giải cơ sở. Quận chỉ đạo UBND các phường chủ trì phối hợp MTTQ lựa chọn người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia hoà giải viên; ví dụ như những người làm công tác pháp luật đã nghỉ hưu (kiểm sát viên, điều tra viên và thẩm phán…) tham gia vào thành viên tổ hoà giải. Quận chú trọng xây dựng mô hình Tổ hoà giải 5 tốt; tăng cường công tác giám sát của HĐND quận, đặc biệt trong việc chi phí cho công tác hoà giải.

Ông Chu Anh Tuấn, Phó phòng Tư pháp huyện Ba Vì, phát biểu tại Hội thảo.
Ông Chu Anh Tuấn, Phó phòng Tư pháp huyện Ba Vì, phát biểu tại Hội thảo.
 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Chu Anh Tuấn, Phó phòng Tư pháp huyện Ba Vì, bày tỏ, Ba Vì là huyện nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn. Phòng Tư pháp huyện đã thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho hoà giải viên. Gần đây nhất, Phòng phối hợp Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức 2 hội nghị ở 2 xã của huyện.

”Về ấn phẩm PL&XH, chúng tôi nhận thấy, vừa mang giá trị tinh thần vừa cung cấp kiến thức pháp luật. Các tổ hoà giải nên toàn huyện đều đặn nhận được ấn phẩm. Như Xã Khánh Thượng, xã xa nhất, cách trung tâm huyện hơn 40km vẫn nhận đủ các số. Ấn phẩm PL&XH không chỉ là mang giá trị tinh thần mà còn cung cấp giá trị kiến thức pháp luật, tài liệu đọc có thể truyền tay nhau” – lời ông Tuấn.

Ông Bùi Công Lực, công chức, tư pháp hộ tịch phường Phú Lương, quận Hà Đông, khẳng định, các hoà viên trên địa bàn phường thường xuyên được tiếp cận nguồn ấn phẩm PL&XH. Các hoà giải viên rất phấn khởi, vì ngoài báo chí mạng còn có ấn phẩm PL&XH để nghiên cứu, là một phần tiếp cận thông tin chính thống của Nhà nước, nắm bắt chủ trương của Đảng. Ấn phẩm với những thông tin hữu ích, thực tế là những bài học kinh nghiệm cho hoà giải viên để tích luỹ vốn kiến thức pháp luật, kinh nghiệm hoà giải.

Đáng chú ý, hoà giải viên Nguyễn Văn Bính, huyện Mỹ Đức, trao đổi, cần phải duy trì việc cấp phát miễn phí ấn phẩm PL&XH. Ông Bính cho hay, không chỉ hoà giải viên đón đọc ấn phẩm PL&XH mà các thành viên sinh hoạt tại nhà văn hoá thôn đều truyền tay nhau để theo dõi. "Như thôn tôi có 5 đội sản xuất, rất đông người, chúng tôi truyền tay nhau đọc ấn phẩm PL&XH. Chúng ta phải học tập gương hoà giải của các địa phương khác qua ấn phẩm" - lời ông Bính.

Hoà giải viên Nguyễn Văn Bính, huyện Mỹ Đức, chia sẻ về việc cần thiết cấp phát ấn phẩm PL&XH miễn phí tới các hoà giải viên.
Hoà giải viên Nguyễn Văn Bính, huyện Mỹ Đức, chia sẻ về việc cần thiết cấp phát ấn phẩm PL&XH miễn phí tới các hoà giải viên.
 

Về việc cấp phát miễn phí ấn phẩm PL&XH, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế& Đô thị phát biểu, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, từ năm 2013, báo Pháp luật & Xã hội, thuộc Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội, đã thực hiện việc cấp phát báo đến các tổ hòa giải cho 15 huyện (từ năm 2013 đến năm 2019) với khoảng 2.500 tổ, số lượng 3.649.418 tờ.

Tháng 1/2020, thực hiện Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 23/7/2019 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai Đề án “nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn Hà Nội, trong đó có mục tiêu “100% tổ hòa giải trên địa bàn Thành phố được cấp phát miễn phí báo Pháp luật và Xã hội” trong giai đoạn thực hiện Đề án.

Triển khai thực hiện Đề án, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã chỉ đạo Báo PL&XH (nay là ấn phẩm PL&XH) thực hiện cấp phát báo miễn phí đến 100% tổ hòa giải trên địa bàn Thành phố. Năm 2020, tòa soạn đã phát 994.835 tờ báo PL&XH cho 5.208 tổ hòa giải. 6 tháng đầu năm 2022, đã cấp phát gần 500.000 tờ cho 4.957 tổ hoà giải.

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế &Đô thị khẳng định, sẽ tăng cường công tác kiểm tra việc phát hành ấn phẩm PL&XH tới các tổ hoà giải cơ sở.
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế &Đô thị khẳng định, sẽ tăng cường công tác kiểm tra việc phát hành ấn phẩm PL&XH tới các tổ hoà giải cơ sở.
 

“Ý thức nhiệm vụ thành phố giao, ấn phẩm PL&XH xác định, truyên truyền về công tác hoà giải là việc làm thường xuyên. Ấn phẩm mở nhiều chuyên mục, đa dạng các phương thức tuyên truyền. Thời gian qua, ấn phẩm đăng tải hơn 15 nghìn tin, bài về công tác hoà giải và tuyên truyền các bộ luật, luật, các quy định… Bên cạnh, đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng việc kiểm tra, giám sát việc phát hành ấn phẩm đến tay hoà giải viên cơ sở. Thời gian tới, báo sẽ thành lập đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm tra chéo công tác phát hành ấn phẩm PL&XH. Báo KT&ĐT tiếp tục kiến nghị Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội tổ chức những sự kiện vinh danh hoà giải viên; mở các chuyên mục có tương tác trực tiếp với hoà giải viên; ví như ra mắt chuyên mục “Hoà giải viên viết” để hoà giải viên cơ sở có thể chia sẻ kinh nghiệm, là diễn đàn trao đổi nghiệp vụ” – ông Nguyễn Xuân Khánh thông tin.

Trình bày tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội luật gia TP Hà Nội; ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhất trí cao với việc tiếp tục cấp phát ấn phẩm PL&XH miễn phí tới các tổ hoà giải ở cơ sở. Ông Nguyễn Văn Hà góp ý, ấn phẩm PL&XH nên mở thêm nhiều chuyên mục Hỏi – đáp pháp luật để qua đó cung cấp kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải cho các hoà giải viên.

Kết luận Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương nêu, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được Sở Tư pháp TP Hà Nội tổng hợp, đưa vào báo cáo tổng kết để án và sẽ kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện đề án trong giai đoạn mới với những cải tiến, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, phát huy hiệu quả của công tác hoà giải ở cơ sở.

Bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp TP Hà Nội, tham luận tại Hội thảo.
Bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp TP Hà Nội, tham luận tại Hội thảo.
 

Theo bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp TP Hà Nội, từ khi triển khai Luật Hòa giải đến trước khi triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” theo Chỉ thị 11-CT/TU, số vụ việc phát sinh hàng năm như sau: Năm 2014: 9.843 vụ, năm 2015: 10.026 vụ, năm 2016: 7.557 vụ, năm 2017: 8.218 vụ; trung bình mỗi năm phát sinh 8.911vụ.

Giai đoạn sau khi triển khai mô hình Tổ hòa giải 5 tốt theo Chỉ thị 11-Ct/TU trên toàn địa bàn Thành phố (từ 2018 đến nay) số vụ việc phát sinh hàng năm như sau: Năm 2018 phát sinh 6.642 vụ, năm 2019: 5.063 vụ, năm 2020: 5.614 vụ; 10 tháng đầu năm 2021 phát sinh 3.071 vụ; trung bình 5.319 vụ/năm.

Như vậy, so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 11-CT/TU, số vụ phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư giảm khoảng 3.592 vụ/năm và có xu hướng giảm dần qua từng năm.

Ông Nguyễn Văn Thiết, Phó Phòng tư pháp huyện Gia Lâm, cho biết, bình quân mỗi năm, huyện Gia Lâm có từ 70 tổ trở lên đạt tiêu chí "Tổ hòa giải 5 tốt", đạt tỷ lệ khoảng 40% số tổ hòa giải. Riêng năm 2021, đánh giá công nhận 86/168 tổ đạt "Tổ hòa giải 5 tốt", đạt tỷ lệ 51,2% số tổ hòa giải.

Ông Thiết kiến nghị, tiếp tục thực hiện, nâng cao chất lượng thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, việc thực hiện tiêu chí đánh giá đơn vị cấp xã thực hiện tốt công tác hòa giải và tiêu chí đánh giá đơn vị cấp huyện thực hiện tốt công tác hòa giải. Chú trọng thực hiện các giải pháp hoàn thành các tiêu chí về hòa giải ở cơ sở của xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (chỉ tiêu 1, chỉ tiêu 2) và Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.