Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm có đề án bảo vệ nguồn nước sinh hoạt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có buổi làm việc với...

Kinhtedothi - Sáng 2/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có buổi làm việc với Đoàn kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn.

Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt

Trước đó, trong khoảng một tuần, Đoàn Giám sát của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra tại 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước trên địa bàn TP, đánh giá chất lượng nước cấp sau đồng hồ của các hộ thuộc 6 quận với tổng số 196 mẫu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hầu hết các mẫu nước đều đạt các tiêu chuẩn về lý học và vi sinh vật. Tuy nhiên, vẫn còn 7/23 nhà máy, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam TP (thuộc quận Hoàng Mai) không đạt từ 1 - 3 tiêu chuẩn về hóa học. Cụ thể, các chỉ số về hàm lượng Clo dư, Amoni và Pecmanganat đều cao hơn giới hạn cho phép. Nhất là tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2, chỉ tiêu về nồng độ Asen đo được cao gấp 1,82 lần ngưỡng cho phép.

 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Nguyễn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Nguyễn
Đánh giá chung về công tác quản lý Nhà nước về chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn TP của Bộ Y tế cho thấy, các nhà máy nước, trạm cấp nước đã tuân thủ khá nghiêm túc quy trình cấp nước cũng như yêu cầu đánh giá mẫu nước định kỳ. Hầu hết các nhà máy nước, trạm cấp nước đều đảm bảo tốt công tác vệ sinh môi trường, dù một số đơn vị cấp nước như Nhà máy nước Lương Yên 1 hay Nhà máy nước số 1 (Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông) vẫn còn để xảy ra hiện tượng rò rỉ trên hệ thống đường ống dẫn...

Nhận định việc một số chỉ tiêu về hàm lượng Clo dư, Amoni và Pecmanganat trong nước vượt ngưỡng cho phép, tập trung chủ yếu ở phía Nam TP, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Hà Nội) cho rằng, điều này có thể do nguyên nhân từ cấu tạo địa chất của khu vực. Ông Nguyễn Như Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội bày tỏ quan điểm, quy định về hàm lượng Clo dư đầu nguồn là 0,5mg/l và cuối nguồn còn 0,3mg/l (để đạt khả năng tiệt trùng) theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế là chưa hợp lý. Thực tế, khi đến cuối nguồn, hàm lượng này thường chỉ còn lại ở dạng "vết", nên kiến nghị Bộ Y tế xem xét.

Tăng cường giám sát chất lượng nước

Đánh giá cao công tác quản lý Nhà nước về chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn TP, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị UBND TP cần tăng cường hơn nữa việc giám sát chất lượng nước cấp tại các đơn vị. Bởi, Bộ Y tế chỉ có thể thẩm định, kiểm tra đột xuất mà không thể giám sát thường xuyên. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần quan tâm đầu tư cải tạo hệ thống đường ống cấp nước, vì đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm chất lượng nước cấp đến các hộ dân so với nước đầu nguồn. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đặc biệt nhấn mạnh trường hợp của Trạm cấp nước Mỹ Đình 2. Theo đó, đề nghị UBND TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, ngừng ngay mọi hoạt động của Trạm cấp nước này do để nồng độ Asen vượt ngưỡng cho phép, yêu cầu đơn vị này sớm khắc phục. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong nhiều năm qua, vấn đề nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân luôn được TP quan tâm. Không chỉ vấn đề cấp nước sinh hoạt ở nội thành mà thời gian qua, TP cũng tập trung cải thiện chất lượng nước sinh hoạt cho cư dân ngoại thành thông qua nhiều dự án. Liên quan tới Trạm cấp nước Mỹ Đình 2, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Xây dựng nhanh chóng kiểm tra, xử lý, đồng thời có kế hoạch cấp nước sạch cho 5.000 hộ dân hiện sử dụng nguồn nước cấp từ Trạm, báo cáo TP trước ngày 4/7. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch kiến nghị Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ trang thiết bị, đào tạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật để TP thực hiện đánh giá chỉ tiêu mức độ giám sát B và C. Đối với các QCVN 01:2009/BYT và QCVN 02:2009/BYT, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt, cần nêu rõ hàm lượng Clo dư quy định trong quy chuẩn từ 0,3 - 0,5mg/l là ở đầu nguồn hay cuối nguồn. Đồng thời, Bộ Y tế, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT cần sớm có đề án bảo vệ nguồn nước ở các hệ thống sông Hồng, sông Đáy, phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt của người dân trong lưu vực.
Theo kết quả điều tra cơ bản, trên địa bàn TP hiện có 42,1% hộ gia đình sử dụng nguồn nước máy của các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung. Trong đó, khu vực nội thành, lân cận và thị xã Sơn Tây sử dụng nguồn nước tại 17 nhà máy và 6 trạm cấp nước khu đô thị (cung cấp cho 96,1% hộ dân sử dụng). Nguồn nước cấp cho khu vực ngoại thành chủ yếu từ 98 trạm cấp nước nông thôn, còn lại, các hộ sử dụng nguồn nước tự khai thác (chủ yếu là giếng khoan, nước mưa và giếng khơi).