Sớm khắc phục tình trạng cầu yếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc khắc phục những bất cập liên quan tới tình trạng cầu yếu được xem là đòi hỏi bức thiết trong xu thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên, để cầu yếu không còn là nỗi lo của người dân, các cơ quan chức năng địa phương và TP Hà Nội chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Loay hoay nguồn vốn

Theo đại diện Ban Quản lý dự án giao thông 2 (Sở GTVT Hà Nội), đơn vị này hiện là chủ đầu tư của 18 dự án xây dựng cầu mới thay thế các cầu yếu trên địa bàn TP, nhưng có tới 15 dự án chưa được bố trí vốn để triển khai thi công do ngân sách TP năm 2014 rất khó khăn. Không ít dự án đang dang dở, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân các địa phương.  

Ngân sách TP hạn chế, nhưng việc huy động sự đóng góp của người dân trong công tác cải tạo, xây mới cầu cũng không dễ. Ông Đỗ Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) chia sẻ, các xã đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, rất cần những cây cầu mới để người dân giao thương, phát triển kinh tế. Thế nhưng, ngân sách vẫn phải trông chờ cấp trên, việc vận động người dân đóng góp làm đường làng, ngõ xóm đã khó, chứ nói gì đến làm cầu. Băn khoăn của ông Đỗ Văn Cảnh cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo nhiều địa phương trong việc huy động nguồn vốn xã hội phục vụ công tác cải tạo cầu yếu.  

 
Cầu Lộc Hà nằm trên Quốc lộ 3 đoạn qua địa phận huyện Đông Anh được cắm biển giới hạn tải trọng dưới 15 tấn.
Cầu Lộc Hà nằm trên Quốc lộ 3 đoạn qua địa phận huyện Đông Anh được cắm biển giới hạn tải trọng dưới 15 tấn.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn, để khắc phục tình trạng thiếu vốn trên, thời gian tới, TP nên khuyến khích các công ty xây dựng công trình cầu đường bộ tư nhân tham gia việc nâng cấp các cầu yếu, vừa để san sẻ khó khăn về vốn, vừa bảo đảm về mặt thời gian. Xã hội hóa theo hình thức BT cũng có thể là một cách làm hay, tuy nhiên, việc này sẽ không dễ dàng, bởi theo TS Lương Thị Ngọc Huyền - Phó Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật (Công ty CP Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng), hầu hết các dự án xây dựng cầu ở nông thôn có giá trị không lớn. Chính vì vậy, TP cần xây dựng cơ chế đặc thù để kêu gọi sự chung tay của các DN, tổ chức, cá nhân, nhằm từng bước gỡ khó cho bài toán vốn đang rất nan giải hiện nay.   

Cần được quan tâm nhiều hơn

Trước tình trạng nhiều cây cầu thiết yếu trên địa bàn TP ngày một xuống cấp, Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát và đưa vào danh mục các cầu yếu trên hệ thống đường bộ đang khai thác, từ đó, tiến hành lập danh mục cần đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Mặt khác, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị có trách nhiệm liên quan tăng cường tuần tra, giám sát công tác bảo dưỡng cầu theo Tiêu chuẩn kỹ thuật 22TCN 306-03 (bảo dưỡng thường xuyên đường bộ) để đảm bảo chất lượng. Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cùng lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm lỗi điều khiển xe quá khổ, quá tải, vượt giới hạn cho phép qua cầu đường bộ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ có thể coi là những giải pháp tạm thời và chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Qua khảo sát, các cầu yếu, cầu treo chủ yếu nằm trên các đường giao thông nông thôn, thuộc quyền quản lý và nhiệm vụ chi của các địa phương (quận, huyện, thị xã). Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi thường xuyên tình trạng khai thác các cây cầu trên địa bàn quản lý, đặc biệt là nhóm cầu yếu, cầu tạm để ứng xử kịp thời với những hư hỏng phát sinh có thể xảy ra gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Trong quá trình kiểm tra rà soát, Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các địa phương để có hướng dẫn cụ thể về hướng xử lý.

Ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, Sở nhận thức rất rõ mối nguy hiểm tiềm ẩn của tình trạng cầu yếu hiện nay. Tuy nhiên, do ngân sách TP rất khó khăn nên đối với các cầu tạm, cầu yếu, vẫn tập trung chủ yếu vào công tác duy tu, duy trì, đảm bảo ATGT. Việc đầu tư thay thế các cầu tạm, cầu yếu cần phải có lộ trình, chứ chưa thể thực hiện được ngay. Hiện, Sở GTVT cũng đã và đang phối hợp với từng huyện tìm kiếm các giải pháp phù hợp, huy động tối đa nguồn lực xã hội để chủ động với các phương án thay thế dần các cầu tạm, cầu yếu. Trường hợp huyện nào quá khó khăn về kinh phí, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổng hợp, báo cáo UBND TP có hướng hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần