Sớm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân sau bão

Trọng Tùng - Ánh Ngọc - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi bão số 1 đi qua, chiều 28/7 và ngày 29/7, các địa phương ở Hà Nội đã tích cực triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất vụ Mùa.

Diện tích trồng sắn bị đổ tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì. Ảnh Khuất Duyên
Diện tích trồng sắn bị đổ tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì. Ảnh Khuất Duyên
Nỗ lực chống úng
Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến 17 giờ ngày 29/7, toàn TP có 3.200ha cây trồng bị ngập, tăng 600ha so với ngày 28/7. Trong đó, nặng nhất là Quốc Oai 817ha, Ba Vì 355ha, Gia Lâm 325ha, Thường Tín 305ha. Đáng chú ý, có khoảng 539ha cây trồng bị ngập sâu tập trung tại các huyện: Hoài Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì. Diện tích bị ngập chủ yếu là lúa mới cấy. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, nếu không tiêu nước kịp thời, năng suất vụ Mùa 2016 sẽ bị giảm đáng kể.

Để chống úng, các công ty thủy lợi của Hà Nội đã huy động 100% quân số ứng trực tại các trạm bơm. Ông Phạm Ngọc Hân - Phó Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Gia Lâm cho biết, đơn vị đã cho vận hành 45 máy bơm chống úng cho 395ha cây trồng trên địa bàn huyện. Tại huyện Quốc Oai - một trong những địa phương chịu  thiệt hại nặng nề cũng đang vận hành 8 máy bơm chống úng cho diện tích cây trồng bị ngập. Đến chiều 29/7 trên địa bàn huyện, cơ bản nước đã rút. Người dân đang tập trung tổ chức sản xuất lại trên diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng. Theo ông Lê Xuân Uyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, đến ngày 29/7, các công ty thủy lợi tiếp tục vận hành 105 trạm bơm với tổng số 473 máy bơm các loại nhằm khắc phục tình trạng ngập úng.
Ngày 29/7, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Trung du Miền núi phía Bắc và Thanh Hóa về việc khắc phục hậu quả bão số 1; Khôi phục sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, vụ Mùa 2016 tại các tỉnh phía Bắc. Cục Trồng trọt yêu cầu các tỉnh tập trung khắc phục hậu quả của bão số 1 và đảm bảo có các phương án hạn chế tối đa tình trạng ngập úng gây chết lúa sau cấy, đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa 2016.
Văn Thắng
Ổn định sản xuất

Hiện nay, tại các huyện ngoại thành có công trình bị hư hỏng, cây xanh bị gãy đổ đều đang được các địa phương căng mình khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra. Trong ngày 29/7, những tàn dư của cơn bão số 1 đã cơ bản được khắc phục, giúp người dân ổn định cuộc sống và bắt tay vào sản xuất. Phú Xuyên là địa phương có số công trình bị tốc mái, hư hỏng nhiều nhất với 374 công trình. Đến sáng ngày 29/7, các phòng ban liên quan của huyện đã phối hợp với công ty điện lực và xí nghiệp môi trường đô thị huyện hoàn thành việc dọn dẹp cây xanh, dựng lại số cột điện bị đổ gãy. Theo ông Nguyễn Hữu Chi - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên, hiếm có năm nào mưa bão, gió giật gây thiệt hại nặng về công trình như cơn bão số 1 vừa qua. Đáng nói, hư hại về tài sản chủ yếu tập trung tại các công sở, trường học.
Khắc phục thiệt hại sau ảnh hưởng cơn bão số 1 tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ
Khắc phục thiệt hại sau ảnh hưởng cơn bão số 1 tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ.
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại huyện Phúc Thọ, đến trưa ngày 29/7, các sự cố về điện đều đã khắc phục xong, đặc biệt là tại 3 xã: Vân Phúc, Hát Môn và Thanh Đa chịu ảnh hưởng do trận lốc xoáy vào rạng sáng ngày 29/7 gây nên. Cùng với việc chủ động thực hiện biện pháp khắc phục thiệt hại, huyện chỉ đạo các địa phương thống kê chính xác, cụ thể số liệu cơ sở vật chất và cây trồng bị thiệt hại để có phương án đề xuất TP hỗ trợ.

Tại huyện Thanh Oai, đến chiều ngày 29/7, cơ bản lượng nước tại các diện tích lúa bị ngập đã rút nên lúa hầu như không bị ảnh hưởng đến sinh trưởng. Ông Bùi Văn Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho hay, đối với những xã có diện tích rau màu, cây ăn quả bị đổ gẫy, dập nát, huyện đã động viên nông dân tập trung chăm sóc, phục hồi. Bên cạnh đó, huyện phân công các ban ngành, đoàn thể huy động nhân lực giúp người dân sửa chữa nhà cửa để sớm ổn định đời sống và sản xuất.

Cần 1-2 ngày nữa để khắc phục hậu quả

Theo ghi nhận thực tế, ngày 29/7, các đơn vị chức năng vẫn tiếp tục cùng người dân thu dọn cành, cây gãy đổ, sửa chữa sự cố điện lưới… tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 1 tràn qua Hà Nội sáng ngày 28/7.
Công nhân Công ty Urenco tiếp tục dọn dẹp cành, cây gãy đổ do bão, dự kiến sẽ phải mất thêm 1 - 2 ngày nữa mới hoàn tất công việc.

Công nhân Công ty Urenco tiếp tục dọn dẹp cành, cây gãy đổ do bão, dự kiến sẽ phải mất thêm 1 - 2 ngày nữa mới hoàn tất công việc.

Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương cho biết: “Lượng mưa trong cơn bão số 1 vừa qua không quá lớn, mưa kéo dài nhưng rải rác nên không gây ngập úng nghiêm trọng”. 10 điểm ngập nhẹ đến cuối ngày 28/7 hầu như đã rút hết; sáng sớm ngày 29/7 tiếp tục có mưa, xuất hiện tình trạng ứ đọng nước trên một số tuyến đường: Phạm Văn Đồng (trước cổng Công ty Cầu 7, ngã Xuân Đỉnh - Tân Xuân), Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Hoàng Mai, Nguyễn Chính, Thanh Đàm nhưng đến khoảng 7 giờ 30 đã tiêu thoát toàn bộ.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) thì cho hay, công tác thu dọn rác và đặc biệt là cưa cắt, xử lý cây, cành gãy đổ vẫn rất bận rộn, phải cần thêm 1 - 2 ngày nữa. Riêng trong ngày 29/7, Urenco đã huy động 1.100 nhân công, 100 xe cuốn ép để dọn dẹp gần 300 tấn rác, chủ yếu là cành lá, thân cây. Ngoài ra, Phó phòng Tham mưu tổng hợp Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Giao thông trên tất cả các tuyến đường, phố đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, lực lượng vẫn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ với các đơn vị hữu quan khắc phục hậu quả mưa bão”.
Dãy rào tôn tại một công trình trên đường Tố Hữu bị bão xô đổ vẫn chưa được dựng lại.

Dãy rào tôn tại một công trình trên đường Tố Hữu bị bão xô đổ vẫn chưa được dựng lại.
Thanh tra Sở GTVT cũng đã đôn đốc chủ đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dựng lại rào chắn, đồng thời gia cố vững chắc hơn. Tuy nhiên, một số công trình xây dựng khác trên các tuyến đường Tố Hữu, Lê Văn Lương… lại chưa hoặc sửa chữa rất chậm chạp các hàng rào tôn bị quật đổ trong cơn bão. Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, hối thúc các đơn vị liên quan nhanh chóng xử lý tình trạng nêu trên, đề phòng tình huống tương tự xảy ra, gây nguy hiểm cho người dân.
Ngày 29/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (PCTT) đã có công văn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa khẩn trương huy động các nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra. Tập trung khắc phục sự cố điện, tiêu thoát nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, thống kê, phân loại, đánh giá cụ thể về mức độ thiệt hại, cũng như đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả sau bão số 1 gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT trước 14 giờ ngày 1/8/2016 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ khẩn cấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần