Đây là tín hiệu vui cho chương trình thí điểm BHNN trên địa bàn. Song, so với yêu cầu đề ra, tiến độ triển khai công tác này vẫn còn chậm.
Cầm giấy chứng nhận bảo hiểm vật nuôi cho 2 con lợn nái do Công ty Bảo Việt Đông Đô trao, ông Trần Văn Lưu, thôn Chi Nê, xã Trung Hòa không giấu nổi niềm vui. Đây là lần đầu tiên ông Lưu mua bảo hiểm cho lợn sau nhiều năm chăn nuôi. Ông cho biết, 2 con lợn trị giá 6 - 8 triệu đồng/con, tiền phí bảo hiểm 240.000 đồng/con/năm. Nhưng, do được hỗ trợ 60% theo diện hộ thông thường nên ông chỉ phải đóng 40% (96.000 đồng/con/năm).
Chăn nuôi bò sữa ở xã Tàm Xá, huyện Đông Anh. Ảnh: Thiên Tú
Theo Ban Chỉ đạo BHNN Hà Nội, tính đến thời điểm này, toàn thành phố có 106 hộ chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, trong đó có 21 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Tổng số lợn được tham gia bảo hiểm 822 con, trong đó lợn thịt 631 con, lợn nái 180 con, đực giống 11 con với phí bảo hiểm khoảng 110 triệu đồng. Ban Chỉ đạo BHNN thành phố phối hợp với Công ty Bảo Việt Đông Đô cùng quận, huyện, thị xã đã tổ chức rà soát đối tượng, số lượng vật nuôi tham gia bảo hiểm. Đồng thời, tập huấn về BHNN cho hộ chăn nuôi lợn tại 3 xã Trung Hòa, Tốt Động, Đại Yên (huyện Chương Mỹ) và các hộ chăn nuôi bò sữa tại 3 xã Yên Bài, Vân Hòa và Tản Lĩnh (huyện Ba Vì).
Mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận BHNN, song nhiều hộ chăn nuôi xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ cho rằng, tiến độ triển khai BHNN còn chậm. Thời điểm từ tháng 4 - 6/2012, tình hình dịch bệnh và thời tiết diễn biến phức tạp khiến nhiều vật nuôi bị chết, nhưng do chưa có chế độ bảo hiểm nên người dân chưa được bồi thường. Ông Phạm Ngọc Liệu, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa cho biết, đầu năm 2012, tổng đàn lợn của xã đạt trên 12.000 con nhưng do dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi, đến nay đã giảm khoảng 1.000 con.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo BHNN thành phố nhận định, tiến độ triển khai thí điểm BHNN trên địa bàn còn chậm là do một số quy tắc, điều kiện bảo hiểm chưa phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, quy định tối thiểu phải đạt đủ 30% số lượng vật nuôi trong xã mới được tổ chức ký hợp đồng bảo hiểm; số vật nuôi tham gia bảo hiểm chết trên 10% và phải được công bố dịch mới được thanh toán bồi thường. Hơn nữa, mức đóng phí bảo hiểm 5% với lợn và 4% với trâu, bò là quá cao đối với người nông dân. Ngoài ra, còn một số vướng mắc khác như danh mục các dịch bệnh vật nuôi được bảo hiểm còn ít; số hộ nghèo, cận nghèo của các địa phương thấp... Những vấn đề trên cần sớm được tháo gỡ, để BHNN cho vật nuôi triển khai sâu, rộng hơn.