Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm triển khai mô hình một cửa hiện đại các cấp của TP Hà Nội

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 10/6, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì phiên họp của Tổ công tác Cải cách hành chính của TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì phiên họp.

Phiên họp nhằm bàn các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số Hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) giai đoạn 2021 – 2025.

Theo báo cáo của Tổ công tác Cải cách hành chính (CCHC), năm 2021 tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do Dịch Covid-19 bùng phát…Nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP đối với công tác CCHC, nhiệm vụ CCHC của Thành phố được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất.

Năm 2021, điểm Chỉ số CCHC của TP Hà Nội đạt 88.54 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có 5/8 trục nội dung tăng điểm so với năm 2020 gồm: Công tác chỉ đạo điều hành; cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa hành chính; Đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Tuy nhiên, thứ tự Chỉ số CCHC của Thành phố bị giảm 2 bậc (từ xếp thứ 8 xuống xếp thứ 10), trong đó có 3 nội dung bị giảm: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính và Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Vẫn còn một số nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần Thành phố chưa có sự cải thiện hoặc có cải thiện nhưng chưa đạt kết quả cao như: Việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của tỉnh được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia; Tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ;…

Các đại biểu tham dự phiên họp. 
Các đại biểu tham dự phiên họp. 

Đối với Chỉ số Hài lòng – SIPAS, năm 2021 Chỉ số của TP Hà Nội đạt 87.11%, tăng 1.96% so với năm 2020 (năm 2020: 85,15%); xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2020 (năm 2020 xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố).

Năm 2021 là năm đạt kết quả Chỉ số Hài lòng - SIPAS cao nhất trong 4 năm Bộ Nội vụ đánh giá và là năm thứ 4 liên tiếp, Chỉ số Hài lòng của TP Hà Nội đạt trên 80%, xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có Chỉ số Hài lòng bền vững (đạt trên 85%).

Tuy nhiên, báo cáo của Tổ công tác cũng chỉ rõ, mặc dù Chỉ số SIPAS chung đạt 87,11%, xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có Chỉ số Hài lòng bền vững, tuy nhiên, tiêu chí về thủ tục hành chính và tiêu chí tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị bị giảm điểm so với năm 2020. Khoảng cách giữa Chỉ số SIPAS của Thành phố với tỉnh có Chỉ số SIPAS cao nhất còn cao (chênh 6,96%).

Phân tích nguyên nhân giảm điểm của một số chỉ số thành phần, tổ công tác thành phố thẳng thắn nêu rõ trách nhiệm từng đơn vị liên quan, thống nhất các giải pháp khắc phục, cải thiện từng tiêu chí.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Lê Hồng Sơn – Tổ trưởng tổ công tác đề nghị văn phòng UBND TP và các sở liên quan tăng cường hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân được giao nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ triển khai các phần việc, Đề án đáp ứng yêu cầu cải thiện nâng cao nâng cao chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính.

Trong đó, sớm triển khai mô hình một cửa hiện đại các cấp của thành phố, đa dạng kênh thông tin tiếp nhận xử lý, giải quyết và phản hồi kết quả đối với các phản ánh, kiến nghị của người dân về thủ tục hành chính, sớm hoàn thiện đưa vào vận hành hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố, Đề án thực hiện ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đất đai.

Để khắc phục những tồn tại, Hà Nội sẽ rà soát lại điểm, các chỉ tiêu dự kiến phấn đấu đạt được trong năm 2022, rà soát những nhiệm vụ từ nay đến cuối năm đơn vị cần phải hoàn thành. Tập trung đánh giá những nhiệm vụ có khả năng không hoàn thành, ảnh hưởng đến kết quả Chỉ số CCHC, Chỉ số SIPAS năm 2022 của Thành phố.

Đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong đánh giá điều tra xã hội học chưa đạt điểm tối đa, bị giảm điểm so với năm 2020 thuộc các Sở, ngành chủ trì tham mưu, Tổ công tác đề nghị các cơ quan, đơn vị phân tích và xây dựng Kế hoạch khắc phục, cải thiện nâng cao Chỉ số Hà Nội cũng dự kiến tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp nâng cao các Chỉ số CCHC đến các đối tượng lãnh đạo quản lý.