Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sơn La sản xuất cây ăn quả rải vụ, tăng hiệu quả kinh tế

Kinhtedothi - Sản xuất cây ăn quả rải vụ giúp nông dân Sơn La có cơ hội bán các loại nông sản giá cao, ít cạnh tranh và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu cung cấp nông sản liên tục cho thị trường.

Giai đoạn 2016 - 2025, toàn tỉnh Sơn La đã chuyển đổi, trồng mới gần 62.000 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả và sơn tra hiện có lên 85.000 ha; sản lượng quả năm 2025 ước đạt 510.000 tấn; trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và thứ 2 cả nước. Bên cạnh trái cây chính vụ, tỉnh Sơn La còn chú trọng sản xuất cây rải vụ, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân như: chanh leo tím, bơ ghép, na hoàng hậu ghép, xoài ghép, mận ghép, nhãn ghép…

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng thu hoạch thanh long trái vụ. 

Vườn mận của anh Trịnh Việt Cường, tổ dân phố Pa Khen, phường Cờ Đỏ, thị xã Mộc Châu có gần 8 ha mận. Từ năm 2023, anh đầu tư hơn 100 triệu đồng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt hơn 4 ha mận, lựa thời điểm tỉa cành, bón phân đúng cách để mận ra quả trái vụ.

Anh Cường chia sẻ, để trồng cây mận ra hoa, quả trái vụ đòi hỏi sự kiên trì và kỹ thuật cao. Khi bắt đầu làm mận trái vụ, anh phải đánh giá những gốc mận đó đủ tuổi, đủ điều kiện ra hoa, kết quả sớm hay chưa; quá trình chăm sóc phải chú ý cung cấp đầy đủ hữu cơ cho cây, phòng trừ sâu bệnh, bón phân tác động để mận ra quả sớm. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, gia đình anh Cường đã có mận trái vụ thu hoạch từ tháng 11 năm trước kéo dài đến tận tháng 5 năm sau. Giá mận trái vụ trung bình 60.000 đồng/kg, cao hơn gấp 3 lần so với mận chính vụ.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, mận hậu trái vụ Mộc Châu ngày càng được nâng cao chất lượng. Sản phẩm mận trái vụ có sản lượng không nhiều như chính vụ, nhưng luôn được các thương lái tìm mua ngay tại vườn với mức giá cao, từ 60.000 - 120.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ quả.

Sản xuất nhãn rải vụ được nông dân huyện Sông Mã bắt đầu áp dụng từ năm 2019, với 10 ha tại các xã Nà Nghịu, Chiềng Khương, Mường Hung, Chiềng Khoong, Chiềng Cang. Toàn huyện hiện có khoảng 920 ha nhãn chín sớm, sản lượng hơn 9.000 tấn.

Nhãn rải vụ giúp giảm áp lực tiêu thụ chính vụ, giá bán cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với chính vụ. Việc xử lý ra hoa chín sớm thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11, thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 8 năm sau. Nhiều vùng trồng nhãn chín sớm, rải vụ đã được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua dài hạn, giá cao và ổn định.

Nhờ ứng dụng kỹ thuật thâm canh các giống nhãn chín sớm và áp dụng khoa học kỹ thuật để “điều khiển” nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn, rải vụ thu hoạch, hiện nay, xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã) có 704 ha nhãn, trong đó, có 100 ha được áp dụng kỹ thuật rải vụ.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao vượt trội, nhiều hộ dân áp dụng kỹ thuật hạ cành, tỉa tán, kích cho nhãn ra hoa sớm, ra hoa muộn để rải vụ. Cùng với đó, nhiều nông dân còn đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động, nâng cao năng suất, chất lượng cho quả nhãn. Bằng kỹ thuật rải vụ, nên nông dân không phải lo lắng nhiều về vấn đề tiêu thụ, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đó.

Với quy mô 4 ha, từ năm 2022, chị Bùi Thị Dung, bản Quyết Thắng, xã Chiềng Khương đã áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, chia làm 2 - 3 đợt thu hoạch. Vụ nhãn chín sớm bán được từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với bán chính vụ chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Để xử lý thành công cây ra quả trái vụ, nông dân nắm vững quy trình chăm sóc, từ khoanh cành, siết nước, cắt tỉa đúng thời điểm, đến việc sử dụng các chế phẩm sinh học, chất điều hòa sinh trưởng đúng liều lượng. Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, huyện định hướng phát triển vùng cây ăn quả rải vụ, gắn với chế biến sâu, chuẩn hóa quy trình để đáp ứng thị trường quốc tế. Mục tiêu đến năm 2035, toàn huyện đạt 12.000 ha cây ăn quả; trong đó, 8.000 ha là nhãn (gồm 3.200 ha nhãn rải vụ), chiếm 66,67%; còn lại 4.000 ha là cây ăn quả khác, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và giá trị xuất khẩu cho người dân địa phương. Việc áp dụng kỹ thuật trồng cây ăn quả rải vụ, cho quả ngọt bốn mùa, nông dân Sông Mã đang viết câu chuyện trồng cây ăn quả bằng tư duy chủ động - kỹ thuật - liên kết, góp phần nâng cao giá trị nông sản của địa phương.

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn từ năm 2021 đã áp dụng kỹ thuật rải vụ cho cây thanh long. Theo lãnh đạo HTX, tuy thanh long không phải là cây truyền thống của địa phương, để hạn chế thừa cung, HTX áp dụng kỹ thuật rải vụ. Bởi chính vụ vào tháng 6 đến tháng 11, sản lượng thanh long tại một số địa phương trên cả nước tương đối lớn. Các thành viên HTX đã học hỏi kỹ thuật rải vụ, điều khiển được thanh long ra quả trái vụ.

Thực hiện rải vụ đối với các loại nông sản là giải pháp làm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm chính vụ, giúp nông dân có cơ hội bán các loại nông sản với giá cao, ít cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất, thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng nông sản liên tục cho thị trường.

Ẩm thực Sơn La níu chân du khách

Ẩm thực Sơn La níu chân du khách

Sơn La phát triển các chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn

Sơn La phát triển các chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Nam Định đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Nam Định đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

18 May, 07:58 PM

Kinhtedothi - Thời gian qua, Nam Định đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ công và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thái Bình tăng cường kiểm soát thị trường, quyết liệt chống hàng giả, hàng lậu

Thái Bình tăng cường kiểm soát thị trường, quyết liệt chống hàng giả, hàng lậu

18 May, 04:39 PM

Kinhtedothi - Hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhái thương hiệu đang âm thầm len lỏi vào thị trường Thái Bình qua cả thương mại truyền thống lẫn môi trường mạng. Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm lập lại trật tự, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường kinh doanh lành mạnh.

Siết quản lý kinh doanh gạo

Siết quản lý kinh doanh gạo

18 May, 02:37 PM

Kinhtedothi - Cùng với ổn định sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt điều kiện kinh doanh gạo được coi là những giải pháp quan trọng để xuất khẩu gạo Việt Nam bền vững.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ