Sơn La: xây dựng các mô hình sản xuất bền vững
Kinhtedothi - Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập trung đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống của Nhân dân.
Sau 2 năm triển khai, mô hình trồng ngô sinh khối trên địa bàn xã Tân Yên, thị xã Mộc Châu đã mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả cho bà con nông dân. Từ 35 ha ngô sinh khối năm 2023 của 47 hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình, đến nay, toàn xã đã mở rộng lên hơn 430 ha.
Gia đình ông Mùi Văn Chiệng (bản Nà Mường, xã Tân Yên) trồng 1,6 ha ngô sinh khối. Tham gia mô hình, ông được hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Cây ngô sinh khối có thời gian thu hoạch ngắn, khoảng 3 tháng/vụ, một năm có thể trồng 2 vụ, năng suất khoảng 23 tấn/ha, với giá bán bình quân gần 2.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 20 triệu đồng/ha.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng tại huyện Sốp Cộp.
Mô hình trồng cây chè và du lịch cộng đồng đã phát triển mạnh ở bản Dọi (xã Tân Yên) với 100 ha trồng chè. Bản đã liên kết với Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập, hướng dẫn các hộ áp dụng quy trình thâm canh cây chè ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phân bón; cam kết thu mua chè búp tươi với giá ổn định. Nhờ đó, các hộ trồng chè trong bản yên tâm gắn bó với cây chè. Cùng với đó, bản còn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm vườn chè, mận, cam, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhân dân.
Theo ông Đinh Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Yên, tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ của Nhà nước, xã đã triển khai các dự án, chương trình, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp, như: trồng cây ăn quả trên đất dốc; trồng dứa Queen; ngô sinh khối và nuôi cá lồng... Hiện nay, xã đang duy trì hơn 1.500 ha cây ăn quả; 430 ha ngô sinh khối; 80 ha rau màu; 20 ha trồng dâu nuôi tằm; 145 lồng cá và thâm canh 271 ha chè; giá trị trên đơn vị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 70 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2%.
Tại huyện Sốp Cộp, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn định hướng cho nông dân xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, nhất là mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã triển khai 38 mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả như: trồng 27 ha cây bưởi Diễn của 55 hộ ở xã Dồm Cang, Púng Bánh; 12 ha cây bưởi da xanh tại xã Mường Và, Mường Lạn; trên 300 ha rừng tại xã Púng Bánh; trồng cam, quýt, quy mô 2,5 ha và trồng 18 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Nậm Lạnh, Mường Và; nuôi ngựa bạch tại xã Sốp Cộp… Trong chăn nuôi, huyện Sốp Cộp định hướng cho nhân dân phát triển các mô hình theo hướng gia trại, trang trại tập trung, đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò. Các tổ chức đoàn thể phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh đúng kế hoạch; vận động Nhân dân cải tạo đất hoang, đất vườn tạp trồng hơn 185 ha cỏ phục vụ chăn nuôi.
Tại TP Sơn La, mô hình “Mỗi bản một mô hình kinh tế” đã giúp người dân trên địa bàn thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.
Thực hiện mô hình, các tổ, bản của 8 xã, phường trên địa bàn Thành phố đã đăng ký 67 mô hình, gồm 36 mô hình trồng cà phê, mận mơ, xoài, nhãn, thanh long, cây có múi, rau, quả; 31 mô hình nuôi gia súc, gia cầm.
Các xã có nhiều mô hình, gồm: Hua La 15 mô hình; Chiềng Ngần 13 mô hình; Chiềng Xôm 10 mô hình; phường Chiềng An 9 mô hình; Chiềng Đen 8 mô hình; Chiềng Cọ 7 mô hình...
Theo ông Đoàn Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế TP Sơn La, triển khai mô hình “Mỗi bản một mô hình kinh tế”, Phòng đã tham mưu cho UBND TP ban hành “Khung mô hình” cụ thể từng loại giống cây trồng, vật nuôi. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP phối hợp với xã, phường mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ. Bằng cách làm này, đến nay, TP đã lựa chọn được 7 mô hình trồng trọt, 11 mô hình chăn nuôi tiêu biểu, cho hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP được HTX Nông nghiệp sạch An Phú triển khai tại tổ 2, phường Chiềng An, TP Sơn La. Với quy mô 5 ha, áp dụng kỹ thuật sản xuất thanh long trái vụ, cho ra quả vào đúng ngày rằm và mùng 1 âm lịch hằng tháng, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao hơn so với thanh long sản xuất đại trà. Mỗi năm, vườn thanh long cho thu hoạch 18 lứa quả, năng suất khoảng 25 tấn/ha, giá bán dao động 15.000 - 30.000/kg, lợi nhuận đạt từ 200-250 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, sản phẩm thanh long của HTX có thương lái đến thu mua tại vườn, cung cấp đi các tỉnh và trên địa bàn TP. Mô hình đang được nhân rộng cho các hộ thành viên.
Hộ ông Quàng Văn Quốc, bản Ót Luông, xã Chiềng Cọ, TP Sơn La thu lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng/năm với mô hình nuôi dúi. Mô hình nuôi dế của ông Tòng Văn Cường, tổ 5, phường Chiềng An, mỗi năm xuất bán từ 1,2 - 1,5 tấn dế thương phẩm, giá bán trung bình 140 nghìn đồng/kg, doanh thu 170 - 200 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi bò thịt giống 3B, bản Trung Tâm, xã Chiềng Đen của hộ ông Quàng Văn Muôn, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn bò thịt, doanh thu khoảng 600 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng...
Để phát triển các mô hình sản xuất, các địa phương trên địa bàn TP Sơn La chỉ đạo UBND các xã, phường đánh giá hiệu quả các mô hình; tổ chức cho Nhân dân tham quan, học tập đối với các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao; phát triển sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, với mục tiêu mỗi xã, phường phải có ít nhất một sản phẩm thế mạnh…

Hà Nội: gia tăng giá trị trồng trọt, hướng đến tăng trưởng nông nghiệp 3,5%
Kinhtedothi - Ngày 1/4, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã đi thăm đồng, kiểm tra sản xuất vụ Xuân 2025 tại huyện Mê Linh.
Hà Nội: nhân rộng mô hình lúa hữu cơ, phát thải thấp
Kinhtedothi - Lần đầu được đưa vào thực tiễn sản xuất tại Hà Nội, mô hình cấy máy ứng dụng Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), theo hướng hữu cơ, giảm phát thải đang cho thấy những tín hiệu tích cực, hứa hẹn chuyển đổi căn bản phương thức canh tác lúa truyền thống theo hướng giá trị cao và bền vững.

Bài 2: Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả
Kinhtedothi - Trong thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác khuyến học, khuyến tài, thu hút được sự tham gia của toàn xã hội. Các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và cả nước.