Sơn La: xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh
Kinhtedothi – Tỉnh Sơn La xác định sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa tỉnh Sơn La vươn tới những mục tiêu cao hơn.
Năm 2025, tỉnh Sơn La được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8% trở lên, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số từ giai đoạn 2026-2030.
Báo cáo HĐND tỉnh Sơn La điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 8% tại Nghị quyết số 457/NQ-HĐND ngày 20/2/2025. Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 8%. GRDP bình quân đầu người đạt 61,8 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29%; dịch vụ chiếm 42%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6%.

Sơn La quyết tâm thực hiện tăng trưởng 8%.
Quy mô GRDP đạt khoảng 82.789 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 23.000 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước đạt 21.532 tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách trên địa bàn (thu nội địa) đạt 4.500 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương đạt 21.218 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 100,5% so với năm trước….
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sơn La cho biết, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 cần có sự nỗ lực phấn đấu ở 3 khu vực, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực dịch vụ cần bứt phá mạnh mẽ.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năm 2025, phấn đấu tăng trưởng khoảng 7%. Dự báo, thời tiết khí hậu thuận lợi hơn năm 2024, một số diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp tăng năng suất, sản lượng. Đồng thời, người dân, HTX tăng diện tích ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất, sản lượng, sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm nông sản.
Khu vực công nghiệp - xây dựng dự kiến tăng 6,6% so với năm 2024, trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện dự kiến duy trì giữ mức bằng năm 2024, sản lượng điện sản xuất ước đạt khoảng 13.500 triệu kWh; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2% so với năm 2024; ngành xây dựng phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao, khoảng 20,1% trên cơ sở thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư (vốn đầu tư công được giao trong năm 2025 đạt 6.301 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2024).
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tỉnh Sơn La; một số dự án thu hút đầu tư được phê duyệt đang triển khai, phấn đấu đưa vào hoạt động năm 2025: Nhà máy sữa công nghệ cao Mộc Châu hoàn thành giai đoạn I; hoàn thành hạng mục Trang trại sinh thái bò sữa công nghệ cao Mộc Châu,…
Khu vực dịch vụ, dự báo tốc độ tăng trưởng khoảng 9,5%. Trong đó, dự báo tất cả các ngành trong khu vực dịch vụ cải thiện; hoạt động du lịch dự kiến phát triển, có mức tăng trưởng cao, tổng lượt khách du lịch đạt khoảng 5,3 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 6.300 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh bất động sản phục hồi và sôi động.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sơn La, thời gian qua, đơn vị đã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phấn đấu đạt 100% kế hoạch năm 2025; hình thành các động lực tăng trưởng mới, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; phát triển các vùng động lực, đô thị, hạt nhân tăng trưởng của địa phương.
Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu theo hướng đồng bộ, phát triển sản phẩm du lịch. Thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn, khu công nghiệp Vân Hồ; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản tập trung quy mô lớn, công nghiệp sạch, các dự án công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Cùng với đó, phát triển các trung tâm logistics tại khu vực Mai Sơn - thành phố Sơn La, Mộc Châu - Vân Hồ và khu kinh tế cửa khẩu Lóng Sập. Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch: Điện gió, điện sinh khối, điện tích năng… Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số và duy trì các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao...
Tại phiên họp thứ 44 UBND tỉnh (cuối tháng 2/2025), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân, nhấn mạnh rằng mục tiêu tăng trưởng 8% đòi hỏi sự quyết tâm cao và nỗ lực không ngừng từ tất cả các cấp, các ngành. Theo đó, các ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát, phân bổ nguồn vốn, xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể theo từng tháng, từng quý. Việc thành lập tổ công tác để đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ như giải ngân vốn, tập trung vào các dự án chậm tiến độ và hỗ trợ giải phóng mặt bằng là cần thiết để đảm bảo tiến độ các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Một yếu tố quan trọng trong nỗ lực này là sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh Sơn La đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại khu vực tư nhân. Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh. Sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa tỉnh Sơn La vươn tới những mục tiêu cao hơn.

Sơn La: cao điểm xử lý vi phạm kinh doanh vận tải hành khách
Kinhtedothi – Đợt cao điểm tổng kiểm soát và tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Sơn La bắt đầu từ ngày 25/3 đến hết ngày 30/6/2025.

Sơn La: xử lý hơn 4.700 trường hợp vi phạm giao thông trong quý I/2025
Kinhtedothi - Trong quý I, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Sơn La đã phát hiện, xử lý 4.712 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 12 tỷ đồng, tước 334 phương tiện, tạm giữ 1.762 phương tiện. Các lỗi vi phạm chủ yếu về nồng độ cồn, quá tốc độ, quá tải...

Sơn La: các chương trình mục tiêu quốc gia đã tác động tích cực đến người dân
Kinhtedothi - Để thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện.