Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóng 5G và ứng dụng trong nền kinh tế số

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Việt Nam đã đưa mạng 5G thử nghiệm thương mại từ tháng 12/2020. Theo tính toán đến năm 2025, 5G đóng góp vào sự tăng trưởng GDP Việt Nam từ 7,3 đến 7,4% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tháng 4/2019, Hàn Quốc là quốc gia triển khai mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới. Đến nay trên toàn cầu đã có 243 mạng 5G thương mại và 514 nhà khai thác di động đầu tư vào mạng 5G. Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông. Trong đó Viettel là nhà mạng có nhiều thử nghiệm nhất, đứng thứ hai là mạng VinaPhone và sau đó là MobiFone. Đến nay đã có 40 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được phủ sóng 5G.

Không đơn thuần chỉ là tốc độ

5G được các chuyên gia Hàn Quốc ra đời để kế thừa 4G, nhờ đó mà tốc độ tải xuống nhanh hơn, truyền phát dữ liệu mượt mà hơn. Và nhiều hơn thế nữa, 5G không chỉ về tốc độ mà sẽ mở ra những ứng dụng hoàn mới, tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong các năm tiếp theo. Với xu hướng thời đại công nghệ, việc phủ sóng mạng 5G chỉ còn là điều tất yếu. Với mạng 5G sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu từ người dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống mang nét hiện đại, chuẩn mực.

Đến nay có 40 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được phủ sóng 5G. Ảnh VT
Đến nay có 40 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được phủ sóng 5G. Ảnh VT

Theo nhận định của chuyên gia CNTT Phạm Trung Thành: “5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đó là những cơ sở tạo ra tự động hóa cũng như việc chuyển đổi giữa các ngành công nghiệp”.

Mặc dù còn vài vấn đề cần phải giải quyết như chi phí phát triển cơ sở hạ tầng cao. Các thiết bị cũ sẽ không hỗ trợ 5G vì thế cần được thay thế để có thể sử dụng mạng 5G. Chưa kể 5G là kẻ thù của thời lượng pin, các thiết bị chạy mạng 5G sẽ có tốc độ hao pin nhanh hơn khi sử dụng 4G. Điều này sẽ sớm được khắc phục nhờ vào những cải tiến mới đến từ các nhà làm chip di động. Mạng 5G phải sử dụng sóng siêu âm với tần số cao nhưng chúng không thể đi xuyên qua tường, mái nhà. Trong khi, bước sóng của mạng 4G lại có khả năng vượt qua các chướng ngại vật tốt hơn mạng 5G. Do đó, vấn đề giải quyết tình trạng này cho mạng 5G tại các địa phương dùng sóng 5G cần phủ ăng-ten thu sóng.

 

Dự báo, tổng GDP của Việt Nam được tăng từ 270 tỷ USD vào năm 2020 lên 433 tỷ USD vào năm 2025 và lên 687 tỷ USD vào năm 2030. Điều này có nghĩa là GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 2.785 USD/năm vào năm 2020 lên 4.280 USD/năm vào năm 2025 và 6.600 USD/năm vào năm 2030, dẫn đến sự mở rộng đáng kể về quy mô thị trường sử dụng mạng 5G.

Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu IHS Markit (Anh), công nghệ 5G sẽ có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, dự báo công nghệ này tạo ra khoảng 13,1 nghìn tỷ USD và cung cấp hơn 22,3 triệu việc làm mới vào năm 2035. Với tốc độ tối đa lý tưởng nhanh hơn gấp 100 lần 4G, mạng 5G được kỳ vọng mang đến cho người dùng trải nghiệm học tập, mua sắm và làm việc trực tuyến nhanh nhất.

Mục tiêu phát triển 5G không chỉ là nâng cao năng lực băng thông rộng của các mạng di động, mà còn cung cấp kết nối vô tuyến chất lượng cao phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất với các dây chuyền tự động hoá và điều khiển bằng rô-bốt. Các công ty có thể sử dụng công nghệ 5G công nghiệp để theo dõi hàng hóa và vật liệu trong suốt quá trình sản xuất, đồng thời mô phỏng quy trình hoạt động của nhà máy; sử dụng để giao tiếp M2M (Machine-to-Machine) theo thời gian thực, các ứng dụng thực tế tăng cường cũng như giám sát sản phẩm và dữ liệu tài sản. Mạng 5G hoàn toàn có khả năng tạo ra giá trị kinh tế xã hội. Đồng thời, tác động của công nghệ 5G sẽ rất lớn đối với các ngành công nghiệp, dịch vụ khác mà Việt Nam đang hướng đến. 

5 ngành công nghiệp hàng đầu

Theo IHS Markit, 5 ngành công nghiệp hàng đầu dự kiến thu được lợi nhuận lớn nhất nhờ vào công nghệ 5G bao gồm: Sản xuất, chế tạo máy móc, thiết bị (4.771 tỷ USD); thông tin và truyền thông (1.493 tỷ USD); phân phối thương mại (1.144 tỷ USD); các dịch vụ công cộng (961 tỷ USD) và xây dựng (730 tỷ USD). Đây chính là điều các nhà nghiên cứu chiến lược, nhà quản lý trong quá trình hoạch định chính sách phát triển Chuyển đổi số cần quan tâm.

Phát triển mô hình chính phủ điện tử và thành phố thông minh bằng cách sử dụng công nghệ 5G. Ảnh CNN
Phát triển mô hình chính phủ điện tử và thành phố thông minh bằng cách sử dụng công nghệ 5G. Ảnh CNN

Trên thế giới đang phát triển mô hình chính phủ điện tử và thành phố thông minh bằng cách sử dụng công nghệ 5G. Thông qua đó, người dân có thể trải nghiệm các dịch vụ công tốt hơn và nhận thông tin theo thời gian thực từ chính phủ, chính quyền địa phương trong trường hợp khẩn cấp.

Trong quản lý đô thị, triển khai các mạng di động thế hệ tiếp theo như 5G sẽ tạo ra giá trị cho nhiều ngành công nghiệp. Các bệnh viện sẽ được trang bị thiết bị hỗ trợ 5G để tạo điều kiện theo dõi bệnh nhân từ xa và xe cứu thương thông minh kết nối trong thời gian thực. Tính kết nối giữa giáo viên, học sinh cũng như gia đình và nhà trường sẽ được thực hiện tốt hơn nhờ 5G.

Với công nghệ 5G, các giao dịch tài chính suôn sẻ hơn thông qua ví điện tử và những ứng dụng được kết nối với điện thoại thông minh, ô tô cùng nhiều thiết bị khác. Các nhà máy sẽ được kích hoạt 5G để kết nối với những thiết bị và hệ thống cảm biến. 5G, kết hợp với AI, điện toán biên, IoT và thực tế mở rộng (XR), có thể cho phép doanh nghiệp nhận ra toàn bộ lợi ích của những tiến bộ công nghệ này.

Rõ ràng, tác động của 5G đối với nền kinh tế thế giới sẽ tăng lên đáng kể và nó sẽ tạo thêm động lực cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự tăng tốc của Internet vạn vật.