Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sống chung hay "0 Covid": Australia tiến thoái lưỡng nan

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Australia đã sớm áp đặt các hạn chế vì đại dịch, đóng cửa biên giới quốc tế cũng như giữa các bang, và đặt ra các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt. Nhưng giờ đây, Thủ tướng Scott Morrison thừa nhận rằng không thể mãi phong tỏa đất nước, ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 tại đây đang tăng kỷ lục.

Hàng nghìn người đã xuống đường trên khắp Australia để phản đối các lệnh phong tỏa kéo dài do dịch Covid-19. Ảnh: AFP 
Một Australia khác thường

“Một khi đạt được tỷ lệ 70 - 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ, chúng ta có thể vạch kế hoạch tiến lên phía trước… Mục tiêu của chúng tôi là sống chung với virus chứ không phải sống trong nỗi lo sợ về chúng”, Thủ tướng Morrison phát biểu hôm 23/8.
Tuyên bố được xem là một bước chuyển mình đáng chú ý đối với một quốc gia đã tránh được số lượng đáng kể các ca nhiễm và tử vong do Covid-19 gây ra bằng cách tiếp cận không khoan nhượng ngay từ đầu năm ngoái.

Theo nhà lãnh đạo, một khi Australia ở trạng thái bình thường mới, số ca nhiễm bệnh sẽ không còn là vấn đề nữa, mà thay vào đó là tập trung vào các ca bệnh nặng, số người bệnh phải nhập viện, năng lực điều trị tích cực (ICU) - tương tự mục tiêu của Singapore về “một quốc gia kiên cường trước Covid-19” trong thời gian tới.
“Đó chính là “sống chung với Covid-19”. Ca nhiễm có thể sẽ tăng lên khi chúng ta sớm bắt đầu chiến lược này. Đó là điều không thể tránh khỏi”, Thủ tướng Morrison nói, đồng thời cảnh báo các bang cố tình duy trì biện pháp phong tỏa có thể đối mặt nhiều hậu quả.
Nhìn chung, ông Morrison muốn thông qua một Kế hoạch Quốc gia cho việc sống chung với Covid-19, dựa trên một tỷ lệ tiêm chủng tạo ra miễn dịch cộng đồng - dự kiến có thể đạt được ở Australia vào cuối tháng 11 tới.
Tuy nhiên hầu hết các thủ hiến và chuyên gia y tế cộng đồng của nước này đều từ chối chấp nhận những số liệu sức khỏe tồi tệ được dự báo sẽ đi kèm với việc nới lỏng các hạn chế. Và Hiến pháp đang đứng về phía họ.
Luật pháp của Australia trao quyền và trách nhiệm về chính sách y tế cộng đồng cho các bang, điều đó có nghĩa là các thủ hiến có quyền tự quyết về việc hạn chế và kiểm soát biên giới vì dịch bệnh, bất kể mong muốn của Chính phủ liên bang.

Những tranh cãi nổ ra nơi chính trường Australia, càng trở nên gay gắt khi nước này đang phải chứng kiến làn sóng lây nhiễm chưa từng có do biến thể Delta. 3 ngày sau tuyên bố của Thủ tướng Morrison, số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở Australia đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 người hôm 26/8.
New South Wales (NSW) - bang đông dân nhất, với thủ phủ là Sydney - ghi nhận 1.029 ca nhiễm mới trong 24 giờ, là mức cao nhất kể từ đầu dịch. Trước đó, chính quyền bang NSW đã gia hạn lệnh “ở nhà” đến ngày 10/9 do lo ngại biến thể Delta lây lan, trong khi Thủ hiến Berejiklian thừa nhận rằng tháng 9 - 10 tới sẽ là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với người dân ở các khu vực bị phong tỏa.
Hiện hơn 50% trong tổng số 25 triệu dân của Australia vẫn đang trong tình trạng phong tỏa vì đại dịch.
Trong bối cảnh bí bách đó, một quốc gia từng được đánh giá là thân thiện và đáng sống bậc nhất như Australia đã phải chứng những cảnh tượng hỗn loạn, thiếu bình tĩnh: Người biểu tình phản đối phong tỏa ở Melbourne bị lực lượng an ninh trấn áp và giải tán bằng đạn cao su; cảnh sát ở Canberra được huy động để đuổi 2 đứa trẻ chơi sau vườn nhà chúng; 15 chú chó được giải cứu bị chính quyền địa phương bắn chết ở NSW do lo ngại mang virus từ vùng dịch…
Nhìn chung, các quy tắc hạn chế Covid-19 đang được các bang thực hiện nghiêm ngặt đến mức không có bất cứ quyền miễn trừ nào.

Vì đâu nên nỗi?

James Bolt - chuyên gia từ tại Viện Các vấn đề Cộng đồng, Đại học Melbourne - lý giải: “Chúng ta đã sống với tâm lý “0 Covid” quá lâu… Số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn được coi là con số quan trọng nhất ở Australia. Mọi người hoảng sợ nếu con số này cao hơn 0. Và đó chính là nỗi sợ bị phong tỏa. Mọi người tin rằng, sự gia tăng ca nhiễm, dù nhỏ, cũng có thể khiến cuộc sống của họ bị đình trệ một lần nữa”.

Thực tế, sau 18 tháng thực hiện các hạn chế nghiêm ngặt và thu được thành công, làn sóng lây nhiễm thứ 3 tại Australia đang khiến Sydney, Melbourne và thủ đô Canberra rơi vào tình trạng đóng cửa kéo dài nhiều tuần, trong đó Sydney báo cáo số ca nhiễm tăng nhanh chóng dù đã có hơn 2 tháng “cấm cửa”. Lượt phong tỏa lần thứ 6 của Melbourne đã diễn ra ngay cả khi chỉ một số ít trường hợp được phát hiện.

“Giá như tiếp cận với vaccine sớm hơn, chúng ta đã có thể tránh được tình cảnh này” - Tiến sĩ McMullen, người đứng đầu chi nhánh New South Wales của Hiệp hội Y khoa Australia nói. Thống kê vào cuối tháng 6 vừa qua - đầu đợt bùng phát lần 3, chưa đến 5% người Australia được tiêm phòng đầy đủ. Con số đó hiện đã tăng lên 1/3 dân số.

Vào tháng 3 năm nay, Thủ tướng Morrison đã phủ nhận những lo ngại về tỷ lệ tiêm chủng thấp của Australia và nói rằng nó “không phải là một cuộc chạy đua”. Tuyên bố này hiện bị các đối thủ chính trị của ông Morrison và người dân bất bình trích dẫn như là bằng chứng cho sai lầm của Chính phủ Canberra trong vấn đề tiêm chủng. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong tiêm chủng ngừa Covid-19 ở Australia còn đến từ chính người dân - những người vẫn chưa hết hoài nghi về sự an toàn của vaccine.

Australia đã sớm có hàng triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca/Oxford, nhưng lại bị phần đông người dân từ chối sau một số báo cáo ban đầu về tình trạng đông máu sau khi tiêm. Trong khi đó, vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech có số lượng hạn chế hơn đến nay vẫn chỉ đủ để Australia giới hạn cho đối tượng từ 40 - 60 tuổi.
Nhóm Cố vấn Kỹ thuật Australia về Tiêm chủng ban đầu khuyến nghị chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho những người trên 50 tuổi, sau đó đã phải tăng lên đến những người trên 60 tuổi.

Đáng nói, sự từ chối vaccine thậm chí đến từ cả lãnh đạo y tế của các bang. Giám đốc y tế Queensland, Tiến sĩ Jeanette Young, hồi tháng 6 vừa qua nói rằng bà không muốn những thanh niên 18 tuổi “chết vì bệnh đông máu do vaccine”.

Cứ như vậy, những bất đồng trong quyết sách ứng phó với Covid-19 và chia rẽ về vaccine đang khiến Australia rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, trong vòng luẩn quẩn “đóng - mở - lại đóng”. Một số nhà kinh tế đưa ra dự báo, những đợt phong tỏa kéo dài ở 2 TP lớn nhất nước là Sydney và Melbourne sẽ khiến nền kinh tế 2.000 tỷ AUD (khoảng 1,5 nghìn tỷ USD) rơi vào cuộc suy thoái lần thứ 2 trong nhiều năm qua.

AMP Capital ước tính GDP của Australia trong quý III/2021 sẽ giảm 4% so với giả định vào 2 tuần trước đó, khi chưa công bố kéo dài lệnh phong tỏa. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Commonwealth và ANZ mới đây đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng GDP quý III/2021 của Australia ở mức tương tự.

"Giá như tiếp cận với vaccine sớm hơn, chúng ta đã có thể tránh được tình cảnh này" - Giám đốc chi nhánh New South Wales của Hiệp hội Y khoa Australia, Tiến sĩ McMullen