Bố mẹ tôi sinh được 3 người con, hai trai, một gái. Tuổi trẻ họ đã lao động cật lực ngày đêm với mong muốn nuôi con cái được ăn học thành người, sau này kiếm tiền không phải cực khổ như ông bà. Thật may mắn vì cả ba anh chị em tôi đều chăm chỉ học hành, có công ăn việc làm mà theo ông bà là “ngồi trong phòng máy lạnh tao ngồi làm cả ngày cũng được, còn hơn là phải ra đồng cuốc đất làm cỏ giữa trời nắng".
Anh em chúng tôi so với người ta thì chưa giỏi giang đến đâu, nhưng so với ở quê thì như vậy là tốt lắm rồi. Bố mẹ tôi rất tự hào và cảm thấy những giọt mồ hôi rơi xuống của họ là xứng đáng. Điều đáng nói là, khi ông bà còn sức khỏe, làm mấy việc lặt vặt cũng đủ chi tiêu, tiền con cái cho ông bà đều để dành không dùng đến một đồng.
Nhưng rồi tuổi già ập đến, bệnh tật không gọi thi nhau tìm đến, ông bà không còn khả năng kiếm tiền, hàng tháng lại tốn tiền thuốc men nên luôn cảm thấy bản thân là gánh nặng của con cái. Anh em chúng tôi cũng được coi là hiếu thảo, luôn chủ động cho tiền và mua thuốc men đồ bổ cho bố mẹ nên ông bà cũng coi như không phải lo lắng tuổi già không người chăm lo.
Ngặt một nỗi, tôi và em trai đều ở rất xa, không thể trực tiếp chăm sóc cho bố mẹ, nên đành nhờ cậy hết vào vợ chồng anh trưởng vì họ ở cùng nhà với bố mẹ. Dĩ nhiên, không phải vì vậy mà chúng tôi dồn hết gánh nặng qua nhà anh trưởng. Mỗi khi về nhà, thấy đồ dùng trong nhà hư hay thiếu chúng tôi đều mua sắm, tiền lo chữa bệnh cho bố mẹ chúng tôi đều lo hết, rồi cả mua đồ tẩm bổ. Anh chị trưởng muốn mua thêm hay cho bố mẹ cái gì thì tùy, vì chuyện ăn uống hàng ngày của ông bà anh chị là người chăm lo.
Người ta bảo “xa thơm gần thối" quả không sai. Dù bố mẹ tôi là người khá dễ chịu, nhưng khi sống chung cùng vợ chồng con cái anh chị trưởng cũng không thể tránh được những mâu thuẫn. Đơn giản nhất là chuyện dạy cháu, ông bà thì luôn muốn dạy các cháu vào khuôn khổ nề nếp, nhưng bố mẹ chúng thì “mặc kệ".
Khi ông bà cằn nhằn nhắc nhở các cháu nhiều thì cả chúng và bố mẹ chúng đều gắt lên chê ông bà nói nhiều. Rồi ông bà lại tự ái, cảm thấy bản thân như kẻ ăn bám con gái nên lời nói không có trọng lượng. Nhưng trong thực tế thì anh chị tôi chưa phải nuôi bố mẹ ngày nào, mọi chi phí sinh hoạt trong nhà vẫn là do bố mẹ tôi chi trả, bữa cơm hàng ngày vẫn là bố mẹ tôi lo, anh chị thích ăn gì mua thêm, hết.
Thế nên, mỗi lần gọi điện, nghe mẹ than vãn rằng anh chị thế này thế kia, các cháu không nghe lời, không chịu học hành,... là tôi chỉ muốn ông bà dọn ở riêng, vì bố mẹ muốn ở cùng anh chị để có người chăm lo khi về già nhưng chăm lo chưa thấy chỉ thấy mâu thuẫn càng nhiều. Có đôi lần tôi gợi ý hay là bố mẹ ở riêng cho đỡ mệt, chứ ở chung quan điểm sống 3 thế hệ khác nhau thì mâu thuẫn cũng là bình thường, nhưng ông bà không chịu, vì sợ... lỡ có gì không ai lo.
Trong thực tế, bố mẹ bạn bè tôi rất nhiều người nhất định sống riêng chứ không chịu ở cùng con cái, vì họ cho rằng, như vậy mới thoải mái vui vẻ cả nhà, ai cũng muốn cuộc sống tự do tự tại, chung đụng phiền phức. Con cái muốn tiện chăm nom bố mẹ già thì kiếm nhà ở gần, chạy qua chạy lại như thế lại quý mến nhau. Chứ chung nhà hơi tí là đá thúng đụng nia chỉ khiến mẫu thuẫn ngày càng tăng.
Tôi hiểu lý do bố mẹ không muốn ở riêng, vì có bao nhiêu tài sản tuổi trẻ kiếm được đã lo hết cho con cái, khi về già bản thân họ không có bất cứ tài sản tích lũy nào ngoài căn nhà đang ở. Vậy nên họ sợ, sợ ở riêng sẽ thể tự lo được bữa ăn mỗi ngày, rồi lỡ ốm đau bệnh tật tiền đâu đi chữa trị mua thuốc. Mặc dù tôi và em trai khẳng định rằng bố mẹ ở riêng chúng tôi vẫn lo cho bố mẹ đầy đủ nhưng ông bà vẫn không yên tâm. Còn bố mẹ bạn tôi, họ tự tin sống riêng, không muốn phụ thuộc vào con cái là bởi họ có tiền, với số tiền đó họ hoàn toàn có thể tự lo cho bản thân tất cả, không cần nhờ vả cầu cạnh con cái.
Vì thế, mỗi bậc phụ huynh hãy cho con vừa đủ, đừng để dành tất cả cho chúng, hãy chừa cho bản thân một khoản dưỡng già. Khi ấy, sống chung hay sống riêng đều do chúng ta tự lựa chọn.