Khi có quá nhiều sự lựa chọn, con người sẽ có thêm nhiều hơn những phân vân lưỡng lự khiến mọi thứ trong cuộc sống phức tạp hơn. Khi đã quá đủ đầy, người ta lại mong muốn có ít đi và càng đơn giản càng tốt, sẽ giúp chúng ta sống nhẹ nhàng hơn.
Thế nhưng “Phong cách sống tối giản” - Danshari lại thật sự bắt đầu trở nên phổ biến ở Nhật từ sau thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011. Danshari, trong tiếng Nhật có nghĩa là tiến tới lối sống tối giản, bao gồm ba ký tự Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ), và Ri (tránh xa).
Theo thời gian, phong cách tối giản này dần trở thành lối sống được ưa chuộng trong cuộc sống hiện đại trên thế giới bằng cái tên “minimalism” (chủ nghĩa tối giản); và “minimalist” là cách gọi những người theo lối sống này.
Minimalism - xu hướng ngày càng thịnh hành
“Minimalism” được xem là xu hướng sống của giới trẻ tại một số quốc gia phát triển. Mặc dù chưa được hưởng ứng rộng rãi nhưng hiện “minimalism” đã bắt đầu du nhập vào Việt Nam. “Minimalism” không chỉ đơn giản là bỏ bớt những đồ dùng không cần thiết ra khỏi nhà, mà sống tối giản còn là cách để chúng ta giữ tâm hồn thư thái.
Nhiều bạn trẻ theo đuổi chủ nghĩa sống tối giản với mục đích giúp cuộc sống trở nên đơn giản, không phải mất nhiều thời gian cho việc dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc, hay lựa chọn mặc gì, đi gì mỗi khi ra đường. Một số người khác nhận thấy sau khi bỏ bớt những món đồ vật chất không cần thiết, họ cảm nhận được rõ ràng hơn những điều họ thật sự yêu thích và trân trọng trong cuộc đời.
Chẳng hạn như, họ sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình người thân hơn, gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè nhiều hơn hoặc đi du lịch thường xuyên hơn, tham gia các hoạt động thiện nguyện nhiều hơn,… thay vì lãng phí thời gian vào việc mua sắm liên tục những đợt giảm giá và chất đầy nhà những món đồ mình mua cho vui chứ không thực sự thích hoặc cần.
Nhưng thực tế cho thấy chưa có một khái niệm chính xác nào về chủ nghĩa sống tối giản, vì tối giản như thế nào? Tối giản về cái gì?,… là do quan điểm và cách nghĩ của mỗi người, không có một tiêu chuẩn chung nào để áp dụng cho tất cả.
Vậy, sống tối giản như thế nào là đúng?
Điều quan trọng trong lối sống tối giản chính là loại bỏ những gì có thể gây mất tập trung, phiền não, ảnh hưởng tiêu cực và quá tải tới bản thân mình. Chúng ta vẫn thường có cảm giác ngột ngạt trong căn nhà có quá nhiều đồ, bực bội vì phải dọn dẹp lau chùi những món đồ không dùng tới; phát ngán với tủ nhiều đồ; hay mệt mỏi khi phải duy trì nhiều mối quan hệ xã hội, xã giao,… nhưng bản thân chúng ta lại không nhận ra chính những điều đó khiến cuộc sống phức tạp.
Khi bắt đầu lối sống tối giản, nhiều người sẽ tham khảo từ những người đi trước về số lượng các món đồ nên có, ví dụ: chỉ có 5 chiếc áo phông màu trắng; hoặc chỉ có 2 đôi giày; chỉ có một chiếc túi;… việc đưa ra một con số cụ thể cho mỗi món đồ dùng sẽ khiến chúng ta càng căng thẳng và lo lắng nhiều hơn, điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục đích của “minimalism”.
Cặp vợ chồng bạn tôi, cả 2 đều từng là du học sinh tại Nhật, sau khi trở về Việt nam kết hôn, họ được bố mẹ 2 bên cho một căn nhà, cả 2 đã sắm sửa đủ đồ dùng cơ bản trong nhà. Nhưng rồi một ngày, không biết từ đâu mà cô vợ đòi sống tối giản, mặc dù chồng đã ra sức nói rằng, hai vợ chồng cũng đang sống khá tối giản rồi.
Cô vợ không chịu, vì với cô lúc này, sống tối giản là trong nhà không có bất kỳ món đồ gì, vậy là cô rao bán hết tủ lạnh, máy giặt, sofa, giường ngủ, tủ quần áo,… căn nhà trống trải chỉ còn vài bộ quần áo, vài cái chén. Mỗi lần bạn bè đến chơi phải ngồi dưới sàn, đi làm về mệt mỏi nhưng phải giặt quần áo bằng tay, không có tủ lạnh nên ăn bữa nào đi siêu thị mua đồ bữa đó,… Và sau 2 tháng gắng gượng sống tối giản, hai vợ chồng cảm thấy quá mệt mỏi, thế là lại tốn thêm mớ tiền để mua lại các vật dụng cơ bản trong nhà.
Như vậy, tối giản không đồng nghĩa với việc lược bỏ hết tất cả, mà là phải biết từ bỏ những thứ không cần thiết. Mỗi người sẽ tự tìm cho mình một số lượng vật dụng thích hợp, cần thiết và đủ đầy cho mình.
Tối giản không dừng lại ở việc vứt bớt đồ. Bạn có thể áp dụng nhiều hơn trong cuộc sống. “Minimalism” không chỉ tập trung vào vật chất như nhiều người vẫn nghĩ, bạn hoàn toàn có thể áp dụng cho công việc, các mối quan hệ và đời sống tinh thần.
Loại bỏ những hoạt động hay thức ăn không tốt cho sức khỏe, từ bỏ những con người không tốt, các mối quan hệ xã giao làm mất thời gian và tổn hao tinh thần, những công việc dư thừa,… Tất cả sẽ giúp bạn xây dựng một cuộc sống mới thoải mái và lành mạnh hơn.
Và khi tối giản đã trở thành một lối sống của bạn thì nó sẽ không chỉ dừng lại ở việc tạo không gian tối thiểu, đồ dùng tối thiểu mà bạn còn có thể áp dụng lối sống này trong cuộc sống của chính mình:
Tối giản thông tin: Có quá nhiều thông tin từ mạng xã hội, truyền thông, truyền hình… mỗi ngày xuất hiện trước bạn, những thứ tưởng chừng giúp chúng ta trở nên biết tất cả nhưng lại khiến chúng ta mất quá nhiều thời gian. Vì thế hãy chọn lọc những thông tin bạn thật sự quan tâm và giúp ích cho công việc, cuộc sống của bạn.
Tối giản mối quan hệ: Mỗi người đều có 24h như nhau, vì thế thay vì phân tán thời gian cho rất nhiều người, hãy chỉ dành thời gian cho những mối quan hệ thực sự thân thiết và quan trọng với bạn.
Tối giản giải trí: Hãy chọn những chương trình giải trí phù hợp với bản thân nhất và đem lại nhiều giá trị như kiến thức, nhân văn. Đừng xem một chương trình nào đó chỉ vì có nhiều người xem.
Sống tối giản để hạnh phúc
Bạn cố gắng nói chuyện nhiều, quan tâm tới tất cả bạn bè, bạn kín mít lịch hẹn gặp gỡ, việc trò chuyện với nhiều người khiến bạn cảm thấy vui vì nghĩ rằng mình có nhiều bạn bè. Nhưng trong số rất nhiều bạn bè ấy, ai mới là người khiến bạn thật sự vui vẻ hạnh phúc? Bạn chỉ cần dành thời gian để chăm sóc những người có thể cùng bạn khóc, cùng bạn cười và lắng nghe khi bạn cần than thở. Một chút tĩnh lặng bên người bạn thật sự sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn.
Bạn đang cố gắng mua thật nhiều thứ bạn không cần đến chỉ để tìm thấy cảm giác được thỏa mãn, bạn bị hấp dẫn bởi một số món đồ từ quảng cáo, hay sự rủ rê của người khác trong khi bạn thật sự không cần dùng đến và cũng không thích chúng.
Nhu cầu sở hữu nhiều vật chất giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn lại khiến bạn mua sắm không kiểm soát, trong khi cảm giác hạnh phúc thật sự mãi vẫn chưa xuất hiện, hoặc có thì nó cũng chỉ là cảm xúc nhất thời. Do đó, trước khi chọn mua bất kỳ thứ gì, hãy nhủ thầm “nếu hết tiền mình có bán món đồ này không?”. Nếu câu trả lời là “Có” thì bạn không nên mua món đồ ấy.
Với nhiều người, sống tối giản giúp họ tĩnh tâm và cảm thấy hạnh phúc hơn, họ sẽ tìm thấy và biết trân trọng hơn những thứ quan trọng với bản thân, để từ đó họ cũng đón nhận cuộc sống một cách tích cực hơn.Và quan trọng nhất, bản thân mỗi người có một quan điểm sống tối giản khác nhau vì thế hãy sống theo cách bản thân mình cảm thấy thoải mái nhất.
Với nhiều người, sống tối giản giúp họ tĩnh tâm và cảm thấy hạnh phúc hơn, họ sẽ tìm thấy và biết trân trọng hơn những thứ quan trọng với bản thân, để từ đó họ cũng đón nhận cuộc sống một cách tích cực hơn. Và quan trọng nhất, bản thân mỗi người có một quan điểm sống tối giản khác nhau vì thế hãy sống theo cách bản thân mình cảm thấy thoải mái nhất. |