SOSUCO “kêu cứu” vì bị tranh mua nguyên liệu mía

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 12/2021 đến nay xuất hiện một số thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO) để bán cho Nhà máy đường Tây Ninh.

Liên quan đến vấn đề này, SOSUCO đã gửi công văn đến Hiệp hội Mía đường Việt Nam về hỗ trợ bảo vệ mía trong vùng nguyên liệu của doanh nghiệp.

Hiện nay, SOSUCO đang chuẩn bị vào vụ sản xuất 2021 - 2022. Để chuẩn bị cho công tác thu mua mía theo hợp đồng đầu tư đã ký với các hộ nông dân trong vùng nguyên liệu, SOSUCO đã có thông báo và triển khai chính sách thu mua mía vụ 2021 - 2022 đến tất cả địa bàn trong vùng nguyên liệu của SOSUCO.

Vụ sản xuất 2021 - 2022, SOSUCO đã ký Hợp đồng đầu tư trực tiếp với bà con trồng mía trên địa bàn huyện Cù Lao Dung và huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), toàn bộ diện tích này SOSUCO đã đầu tư giống, phân bón, chi phí nhân công… cho bà con.

Nông dân đang chăm sóc mía (ảnh minh họa).
Nông dân đang chăm sóc mía (ảnh minh họa).

Theo Hợp đồng đã ký, người dân nhận đầu tư, cam kết bán toàn bộ sản lượng mía cho SOSUCO và SOSUCO cam kết thu mua hết sản lượng này. Để chuẩn bị cho công tác thu mua mía theo hợp đồng đầu tư đã ký với các hộ dân, SOSUCO đã thông báo và triển khai chính sách thu mua mía vụ 2021 - 2022 đến tất cả các địa bàn trong vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên, từ tháng 12/2021 đến nay xuất hiện một số thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng nguyên liệu của SOSUCO để bán cho nhà máy đường Tây Ninh (thuộc Công ty CP mía đường Thành Thành Công Biên Hòa). Thậm chí, gần đây các thương lái này lập điểm tập kết thu mua mía và đã lắp đặt cẩu mía ngay giữa vùng nguyên liệu của SOSUCO. 

Tổng Giám đốc SOSUCO Trần Ngọc Hiếu cho biết, việc làm này đã gây mất ổn định ở địa phương, nhiễu loạn vùng nguyên liệu, phá vỡ chuỗi liên kết sản xuất mía đường mà SOSUCO đã dày công xây dựng tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất của SOSUCO (do thiếu mía) và SOSUCO có nguy cơ mất vốn đầu tư do không thu hồi được từ việc thu mua mía. 

Thu gom mía (ảnh minh họa).
Thu gom mía (ảnh minh họa).

 Mặt khác, việc thương lái tranh mua mía tại vùng nguyên liệu mà SOSUCO đã đầu tư sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho chính sách phòng vệ thương mại mà Bộ Công Thương đã và đang thực hiện.

SOSUCO gửi công văn đề nghị Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Biên Hòa không thu mua, tiếp nhận mía có nguồn gốc từ địa bàn tỉnh Sóc Trăng dưới bất cứ hình thức nào. 

Bên cạnh đó, SOSUCO đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) kiến nghị đến chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Sóc Trăng có giải pháp bảo vệ hoạt động sản xuất chế biến của doanh nghiệp trên địa bàn, có hợp đồng đầu tư và bao tiêu mía cho bà con nông dân, góp phần phát triển chuỗi liên kết sản xuất mía đường.

Đồng thời kiến nghị đến Bộ Công Thương về thực trạng tranh mua mía nguyên liệu tại vùng mía của SOSUCO đưa đi Tây Ninh vì sẽ tạo bất lợi cho các chính sách phòng vệ của Việt Nam, đặc biệt là việc điều tra chống lẩn tránh mà Bộ đang thực hiện.

Liên quan tới vụ việc này, đại diện của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, đây là chuyện giữa hai doanh nghiệp SOSUCO và Nhà máy đường Tây Ninh. Do đó, hai bên cần đàm phán trước. Nếu hai doanh nghiệp không giải quyết được thì Hiệp hội mới tham gia.

Tình trạng tương tự cũng đã từng xảy ra với Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) vào năm ngoái nhưng mức độ nhẹ hơn. Bởi, tình trạng "tranh mua" diễn ra tại CASUCO vào cuối vụ còn với SOSUCO thì ngay từ đầu vụ đã xảy ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần