Tuy nhiên, hiểu thế nào về sốt, những mặt lợi và hại của nó là điều không đơn giản. Trong đời của một con người chắc hẳn ai cũng có khá nhiều lần đau và sốt. Thực vậy, đau và sốt là hai triệu chứng chính cảnh báo sức khỏe của bạn đang có vấn đề và cần phải quan tâm đặc biệt.
Tầm quan trọng của sốt
Trong cơ thể con người, nhiệt độ là một trong 4 dấu hiệu sinh tồn quan trọng bao gồm: Mạch, huyết áp, nhiệt độ và nhịp thở. Trong đó nhiệt độ cơ thể là một dấu hiệu chỉ báo đơn giản, khách quan và chính xác nhằm báo hiệu chính xác trạng thái sinh lý của cơ thể con người và ít bị nhiễu từ các yếu tố kích thích từ bên ngoài hay yếu tố tâm lý của con người như mạch, huyết áp và nhịp thở. Chính vì vậy, sốt là một dấu hiệu cực kỳ quan trọng trong việc đánh giá tình trạng sức khỏe, cũng như mức độ trầm trọng của bệnh tật, thậm chí nó còn giúp cho thầy thuốc đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng lên cơ thể của một phương pháp điều trị bệnh nào đó đang được áp dụng cho bệnh nhân.
Từ khi hình thành con người nói riêng và động vật có vú nói chung, sốt là một phản ứng tự vệ của cơ thể. Nó vừa có tác dụng bảo vệ sức khỏe, vừa có tác dụng xấu đối với sức khỏe của con người.
Lợi ích của sốt đối với sức khỏe
Trên thực tế hàng ngày tại bệnh viện, người ta thấy có một số ít bệnh nhiễm trùng ở người thì việc sốt cao rõ ràng tỏ ra có lợi cho người bệnh. Chẳng hạn như bệnh giang mai, viêm đa khớp dạng thấp hay ung thư di căn. Ở những bệnh này, các nhà khoa học thấy các đáp ứng miễn dịch của cơ thể tăng lên khi bệnh nhân bị sốt. Điều này rất có lợi cho cơ thể trong quá trình sử dụng các chất trung gian hóa học nhằm chống lại bệnh tật.
Ở những người già, yếu khi mắc các bệnh nhiễm trùng có thể không bị sốt hoặc sốt rất ít. Điều này là một dấu hiệu không tốt cho sức khỏe và tiên lượng bệnh.
Tác hại của sốt
Tuy có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, nhưng tác hại của nó đối với con người cũng khá nhiều. Đầu tiên sốt làm gia tăng quá trình chuyển hóa của cơ thể, làm teo cơ bắp, gia tăng nhịp tim, tăng tiết mồ hôi dẫn đến mất nước và muối nếu nặng có thể đưa đến rối loạn nước và điện giải.
Thông thường, sốt hay đi kèm với tình trạng khó chịu do nhức đầu, sợ ánh sáng, mệt mỏi toàn thân hay nóng bức quá mức. Sốt cao có thể thúc đẩy quá trình hình thành những cơn co giật ở những người có tiền sử động kinh. Rét run và vã mồ hôi của những cơn sốt do nhiễm khuẩn gây khó chịu nhiều đối với người bệnh. Ở những người cao tuổi đang mắc bệnh tim hay bệnh mạch máu não thì sốt cao đặc biệt nguy hiểm.
Xử lý sốt như thế nào?
Sốt thông thường ít gây tác hại, không gây khó chịu nhiều và lại có thể có lợi đối với cơ chế phòng chống bệnh tật của cơ thể con người. Cho nên việc dùng thuốc hạ nhiệt không phải là điều cốt yếu giúp cho người bệnh dễ chịu.
Mặt khác việc dùng thuốc hạ sốt có thể gây nhiễu trong việc đánh giá hiệu quả điều trị của thầy thuốc hoặc đối với diễn biến tự nhiên của bệnh. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp việc hạ sốt là rất quan trọng có tính chất sống còn như: Trúng nóng, sốt cao sau mổ, hôn mê do sốt cao, sốt cao co giật hoặc sốc có kèm sốt và suy tim.
Dùng khăn chườm lạnh để hạ thấp thân nhiệt là phương pháp điều trị được áp dụng đầu tiên và rất có hiệu quả. Một số trường hợp có thể tưới dung dịch muối sinh lý để lạnh hay đặt các khăn lạnh lên trán, lên mình. Việc xoa cồn để làm mát cơ thể không có lợi vì có thể gây kích ứng khó chịu cho bệnh nhân.
Các loại thuốc hạ nhiệt có thể được sử dụng sau đó hay ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao về tim mạch, tuổi già… Tuy nhiên, các loại thuốc hạ nhiệt đang sử dụng rộng rãi có thể làm vã mồ hôi, rét run, có thể làm giảm huyết áp… Để giảm bớt hiện tượng này, cần khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước, uống thuốc nhiều lần và cách nhau từ 2 - 3 giờ.
Như vậy, sốt là dấu hiệu có hai mặt tích cực và không tích cực. Để xử lý sốt, bạn cần được thầy thuốc hướng dẫn, tùy từng được hợp cụ thể.