Sovico và FPT giúp “giải cứu” nghẽn lệnh chứng khoán như thế nào?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thực hiện được các giải pháp kỹ thuật mà Công ty Cổ phần FPT đưa ra trong việc giải quyết sự cố nghẽn lệnh trên “chợ lớn chứng khoán” HOSE, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico đã tài trợ toàn bộ chi phí cho Công ty Cổ phần FPT, và hỗ trợ vận hành trong 1 năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có quyết định tặng Bằng khen của Bộ này cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico và Công ty Cổ phần FPT, vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tham gia xử lý sự cố nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tài trợ chi phí cho Công ty CP FPT và hỗ trợ vận hành hệ thống mới trong 1 năm.

Trước đó, từ ngày 17/12/2020, hệ thống giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán trên sàn HOSE xuất hiện và liên tục diễn ra tình trạng quá tải, chậm xử lý lệnh giao dịch, tại một số công ty chứng khoán (CTCK). Điều này khiến nhà đầu tư liên tiếp không thể gửi lệnh vào hệ thống giao dịch, mua không được, bán không xong, gây nên sự bức xúc và nghi ngờ về tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán.
FPT của ông Trương Gia Bình đã giải quyết thành công sự cố nghẽn lệnh kéo dài trên HOSE
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống xử lý của HOSE sử dụng công nghệ của Thái Lan từ nhiều năm trước chưa được nâng cấp nên đã lạc hậu. Hiện tượng này liên tiếp xảy ra trong nhiều phiên gây phản ứng của các nhà đầu tư.
Trước tình hình này lãnh đạo Bộ Tài chính đã họp với Ủy ban Chứng khoán (UBCKNN), 2 sàn giao dịch HOSE, HNX, Trung tâm lưu ký Chứng khoán và các đơn vị thuộc Bộ để đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp khắc phục. Lãnh đạo Bộ đã giao UBCKNN và các đơn vị phải khẩn trương tìm mọi phương án kỹ thuật để xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HOSE, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và thị trường.
Ngày 6/3/2021, tại Hội nghị Đối thoại Việt Nam 2045 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia xử lý vấn đề nghẽn hệ thống tại sàn HOSE.
Các lãnh đạo tập đoàn này đề nghị được sử dụng nguồn tài chính, nhân lực và công nghệ của bản thân cùng với Bộ Tài chính tham gia xử lý tình trạng nghẽn lệnh. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico sẽ đóng góp nguồn lực tài chính, Công ty Cổ phần FPT sẽ thực hiện các giải pháp kỹ thuật chuyên môn.
Ngay sau đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có cuộc làm việc với Công ty Cổ phần FPT để nghiên cứu các phương án kỹ thuật. Qua cuộc họp, Bộ Tài chính đánh giá phương án mà Công ty Cổ phần FPT đề xuất có nhiều điểm tương đồng với phương án của Bộ Tài chính đang dự kiến thực hiện, và đồng ý cho phép Công ty FPT phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính triển khai thực hiện.
Để thực hiện được các giải pháp kỹ thuật mà Công ty Cổ phần FPT đưa ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico đã tài trợ toàn bộ chi phí cho Công ty Cổ phần FPT như: Chi phí mua sắm phần cứng, nâng cấp chuẩn hóa phần mềm của FPT theo HOSE, cài đặt phần mềm và hỗ trợ vận hành trong 01 năm.
Kết quả thực hiện sau 3 tháng đưa vào vận hành, hệ thống đã hoạt động thông suốt, an toàn và có thể xử lý từ 3-5 triệu lệnh/ ngày gấp 3-5 lần hệ thống cũ, có khả năng đáp ứng nhu cầu của HOSE và thị trường ít nhất từ 3-5 năm tới. Đồng thời, hoàn toàn làm chủ về công nghệ trong tương lai, không còn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.
Theo báo cáo của UBCKNN, ngay trong ngày đầu vận hành (5/7/2021) tổng lượng lệnh trong phiên đạt 1,016 triệu lệnh vượt giới hạn 900.000 lệnh của hệ thống giao dịch cũ và là mức kỷ lục của thị trường kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán. Thanh khoản của thị trường cổ phiếu trên HOSE đạt khối lượng trên 817 triệu cổ phiếu (tăng 11% so với bình quân tháng 6), giá trị giao dịch đạt trên 28 nghìn tỷ đồng (tăng 18,4% so với bình quân tháng 6).
Tính đến ngày 28/7/2021, sau gần 1 tháng giao dịch, số lượng lệnh đặt và giá trị trung bình trong 18 ngày giao dịch kể từ ngày giải pháp xử lý sự cố đi vào vận hành được ghi nhận lần lượt là 791.479 lệnh và 18.455 tỷ đồng, bằng 98,1% và 83,3% so với trung bình một ngày giao dịch của 02 tuần giao dịch liền trước. Đáng chú ý, có 5/18 phiên giao dịch có lượng lệnh vượt giới hạn 900.000 lệnh của hệ thống cũ.