Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sử dụng rác nhựa làm vật liệu xây dựng hướng đến kinh tế tuần hoàn

Chuyên gia Hoàng Thành Vĩnh – Cán bộ Chương trình UNDP Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sử dụng vật liệu xây dựng xanh từ những nguyên liệu tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông đang dần trở thành xu hướng, dự báo có thể sẽ thay thế hẳn các vật liệu khác trong tương lai.

Kinh tế tuần hoàn – giải pháp hướng tới NET ZERO

Khái niệm “kinh tế tuần hoàn” được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.

Ellen MacArthur Foundation mô tả nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh.

Kinh tế tuần hoàn là tất yếu của thời đại (mũi tên đen: kinh tế tuyến tính; mũi tên xanh: kinh tế tuần hoàn).
Kinh tế tuần hoàn là tất yếu của thời đại (mũi tên đen: kinh tế tuyến tính; mũi tên xanh: kinh tế tuần hoàn).

Hay nói một cách đơn giản kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm phát thải rác và tác động đến môi trường; mở ra các cơ hội phát triển kinh tế.

Đặc biệt, khi vận hành thành một hệ thống thì kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên lên tới 1.000 tỷ đô la Mỹ mỗi năm; tạo ra hơn 700.000 việc làm mới vào năm 2030 và giảm 40% phát thải carbon so sánh với kịch bản cơ sở là nền kinh tế tuyến tính.

Trong khi đó, nền kinh tế tuyến tính vận hành như một dòng chảy, biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm cơ bản rồi bán ra thông qua một loạt những bước tạo thêm giá trị gia tăng, theo xu hướng bán được càng nhiều càng tốt, dẫn tới sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên trong các thị trường thường đã bão hòa.

Nhận thức được vai trò của kinh tế tuần hoàn, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và tổ chức các chương trình liên quan, như: Ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030; Nghị định 08/2022/NĐ-CP; Quyết định 687/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tháng 6/2022, khởi động mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam.

Ngoài ra, trong thời gian tới dự kiến sẽ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn (tháng 12/2023); Xây dựng các Kế hoạch triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương (dự kiến năm 2024) và tổ chức Diễn đàn kinh tế tuần hoàn quốc gia (tháng 11/2023)...

Cần xây dựng chính sách phù hợp

Hiện nay, trên thị trường không khó để tìm thấy những sản phẩm vật liệu xanh, như: gạch không nung, xốp cách nhiệt, gỗ ốp tường xanh, bê tông khí chưng áp, tấm lợp sinh thái, sơn sinh thái...

Cùng với đó,  những tiêu chí để đánh giá vật liệu trong kinh tế tuần hoàn gồm: Có khả năng tái chế, tái sử dụng cao; Khả năng phân hủy sinh học (áp dụng với một số vật loại vật liệu), không độc hại, ít tác động đến môi trường trong quá trình hình thành; Bền vững, giảm thiểu việc thay thế, có thể chia thành các module lắp ráp và cung ứng rộng rãi ở các địa phương... Như vật, rất nhiều không gian mới, để sáng tạo phát triển các vật liệu xanh, hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Sử dụng vật liệu xây dựng xanh là tất yếu trong kinh tế tuần hoàn.
Sử dụng vật liệu xây dựng xanh là tất yếu trong kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, ở Việt Nam rất nhiều vật liệu có thể tái sử dụng để sản xuất vật liệu mà điển hình là chất nhựa. Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ về “ô nhiễm trắng”, đây không chỉ là vấn đề trong nước mà còn là của khu vực và toàn cầu. Rác thải nhựa được phân làm 2 nhóm: giá trị cao (chai PET, HDPE), giá trị thấp (nilong, màng bọc).

Trong kinh tế tuần hoàn, rác nhựa giá trị thấp mới có thể dùng để thu hồi năng lực thông qua quá trình đốt cháy và làm vật liệu xây dựng. Việc này giúp giải quyết được một vấn đề bức xúc lớn trong dòng vật liệu là vấn đề ô nhiễm trắng, nhưng đang rất cần các giải pháp về kỹ thuật, pháp lý để sản phẩm được lưu hành trên thị trường, đây là vấn đề đang còn thiếu ở Việt Nam.

Một trong những vấn đề quan trọng trong sản xuất vật liệu xây dựng của kinh tế tuần hoàn là phải giảm thiểu các chất POP (Persistent Organic Pollutants) là các chất có độc tính cao, khó phân hủy, có khả năng tích lũy sinh học và lan truyền trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người có trong vật liệu. Trong khi đó, ngành xây dựng được cho là một trong những ngành sử dụng nhiều hóa chất nhất, nhiều vật liệu có chứa POP và các chất POP trong tương lai, gây tác động lớn đến môi trường, sức khỏe con người.

Ngày 25/5/2001, Việt Nam đã ký Công ước Stockholm về các chất hữu cơ khó phân hủy, trong đó cấm 27 chất bị cấm, cần loại bỏ, điển hình là chất chống cháy PBDE, chất chống dính PFOS. Một thách thức đặt ra đối với Việt Nam là nước đang phát triển, do vậy quá trình chuyển tiếp vẫn đang diễn ra, hiện nay vẫn đang nhập khẩu và sử dụng hàng chục nghìn tấn.

Vì vậy, cần phải có lộ trình loại bỏ việc sử dụng những chất này, thay thế bằng các hóa chất mới. Tiếp tục thúc đẩy thí điểm sử dụng chất thải nhựa giá trị thấp để làm các vật liệu, ứng dụng cho các công trình công cộng. Giảm thiểu và loại bỏ những hóa chất độc hại, đặc biệt là các chất POP trong quá trình sản xuất và trên sản phẩm. Cùng với đó, thực thi các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực của ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.