Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sử dụng vốn nhà nước thiếu hiệu quả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố sáng nay 25/7 đã chỉ ra không ít các sai phạm trong việc quản lý cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty. Ngoài ra, trong số 6 tổ chức tín dụng ngân hàng, đạt lợi nhuận không cao hoặc giảm so với năm 2011.

Đầu tư dàn trải

Trình bày báo cáo tại cuộc họp báo, ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN cho biết, trong năm 2012, KTNN đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 15 bộ, cơ quan Trung ương; 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 37 dự án đầu tư xây dựng; 4 dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; 18 chuyên đề; 34 DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng; 20 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng – an ninh; 4 đầu mối thuộc cơ quan Đảng (6 Thành ủy, Tỉnh ủy; Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP HCM; công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM) và kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2011 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sử dụng vốn nhà nước thiếu hiệu quả - Ảnh 1
 
Họp báo Kiểm toán Nhà nước sáng 25/7/2013 (Ảnh: BD).
 
Kết quả kiểm toán năm 2012 cho thấy, việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối nguồn vốn. Một số địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn đầu năm; bố trí sai nguồn vốn, không đúng đối tượng, mục tiêu; bố trí vốn cho nhiều dự án quá thời gian quy định, không sát thực tế dẫn đến nguồn vốn không sử dụng được hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần…

Đáng chú ý, kết quả kiểm toán của KTNN đã chỉ ra không ít các sai phạm trong việc quản lý cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty. Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết, năm 2011 các tập đoàn, tổng công ty chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, trong nước tăng trưởng chậm lại, lãi suất vẫn ở mức cao nhưng có đến 23/27 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi; 4 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ trong đó có Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex).

Tình trạng tài chính và quản lý vốn, tài sản tại một số đơn vị vẫn còn nhiều tồn tại. KTNN đã phải điều chỉnh giảm tổng tài sản, nguồn vốn 1.477 tỷ đồng, tổng doanh thu – thu nhập thuần 1.015 tỷ đồng, tổng chi phí 2.347 tỷ đồng và tăng lợi nhuận trước thuế 1.305 tỷ.

Tổng các khoản đầu tư tài chính của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đến  ngày 31/12/20112 là 25.750 tỷ đồng, tuy nhiên hiệu quả đầu tư thấp, nhiều công ty liên doanh, liên kết thua lỗ, mất vốn, đơn cử như Công ty Xi măng Hạ Long thua lỗ 1.090 tỷ đồng, Công ty mẹ Habeco lỗ 195 tỷ đồng; 3 đơn vị của Vinaconex lỗ hơn 140 tỷ đồng…

KTNNN cũng phát hiện ra các khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào lĩnh vực chứng khoán đều thua lỗ. Nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán chiếm 69,94% tổng nguồn vốn, cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay và chiếm dụng vốn. Không những thế, một số đơn vị còn vi phạm quy định về mức độ huy động vốn, sử dụng vốn vay không hiệu quả, không bảo toàn được vốn…

Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đang quản lý và sử dụng diện tích đất đai lớn, nhưng nhiều diện tích đất chưa ký hợp đồng thuê hoặc chưa được giao quyền sử dụng đất. Nhiều doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích, không sử dụng gây lãng phí, xây dựng không đúng quy hoạch.

Qua kiểm toán xác định được tổng nợ phải thu của 27 tập đoàn, tổng công ty đến 31/12/2011 lên tới 54.133 tỷ đồng, chiếm 20,56% tổng tài sản. Nhiều doanh nghiệp nợ xấu vẫn cao, nợ thiếu cơ sở đảm bảo, cho vay trong khi phải đi vay… KTNN cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc kết luận của KTNN, trong đó xử lý tài chính 14.710,8 tỷ đồng.

Nợ xấu, vi phạm quy định trần lãi suất

Đối với chuyên đề kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng (TCNH), KTNN đánh giá, về cơ bản, các tổ chức TCNH hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ được giao, kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động.

Nhưng hầu hết trong số 6 tổ chức TCNH đạt lợi nhuận không cao hoặc giảm so với năm 2011. Tại nhiều thời điểm trong năm 2011, một số đơn vị không bảo đảm tỷ lệ an toàn; nhiều hoạt động của tổ chức TCNH chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn lớn.

Theo số liệu của KTNN, năm 2011, lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ đạt hơn 4.149 tỷ đồng, giảm tới 10,2% so với năm 2010; MHB chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 102 tỷ đồng, giảm 1,21% so với năm 2010; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu của PVI đạt 10,5% - giảm 0,66% so với năm 2010. Như vậy, nếu trừ đi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 là 18,13% thì lợi nhuận thực của các đơn vị được kiểm toán đạt rất thấp.

Trong quá trình kiểm toán, KTNN đã phát hiện ra khá nhiều vấn đề còn tồn tại và cần xử lý ở các ngân hàng, tổ chức tài chính. Về chuyên đề huy động vốn và sử dụng vốn tại các công ty, tổ chức tín dụng, huy động vốn còn vi phạm quy định về trần lãi suất.  Tỷ lệ nợ xấu liên tục tăng từ năm 2007,  đặc biệt năm  2011 tăng đột biến. Một số hồ sơ tái cấp vốn chưa được giám sát việc sử dụng vốn vay theo thông báo của Thống đốc NHNN như hồ sơ cuả Viettinbank, BIDV, Vietcombank. Huy động vượt trần lãi suất so với quy định của NHNN tại 10 chi nhánh của BIDV 3,2 tỷ đồng, MHB 59,7 tỷ đồng. KTNN đã có kiến nghị xử lý việc vượt trần lãi suất huy động tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) trong năm 2011.

Phó Tổng Kiểm toán Lê Minh Khái cho biết, năm 2013, KTNN sẽ tập trung kiểm toán 3 ngân hàng Vietinbank, Vietcombank và Agribank với mục tiêu đi sâu vào nợ xấu.