Hội thảo có sự tham gia của nhiều học giả Việt Nam và quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Myanmar… Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trao đổi, thảo luận xung quanh chủ đề "Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á".
Sự phổ biến của tín ngưỡng thờ Quan Âm
Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần là những tín ngưỡng phổ biến ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á như: Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Các tín ngưỡng này góp phần thể hiện sự sẻ chia về niềm tin, tôn giáo, phong tục tập quán của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực; đồng thời, thể hiện những nét đặc thù riêng của mỗi nước.
|
Các học giả, nhà nghiên cứu thảo luận. Ảnh: Lại Tấn. |
Quan Âm hay Quan Thế Âm là cách gọi tiếng Hán của từ tiếng Phạn “Avalokitesvara”, Quan Âm Bồ tát được nhiều người tin theo, thờ phụng phổ biến trong tín ngưỡng Phật giáo cũng như ngoài xã hội. Vì thế, tiếng Hán mới có một câu nói được lưu truyền phổ biến: “Hộ hộ Di Đà, nhà nhà Quan Âm”. Tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Việt do tiếp nhận ảnh hưởng từ Trung Quốc nên cũng có cách gọi danh hiệu vị Bồ tát này như vậy nhưng phát âm khác nhau. Tiếng Nhật là “Kannon” hoặc “Kanzeon”, tiếng Hàn là “Kawanseum”, tiếng Việt là “Quan-am”.
Tín ngưỡng Quan Âm không chỉ giới hạn ở Đông Nam Á mà còn phổ biến ở khắp châu Á. Ở Campuchia và Java (Indonesia), Quan Âm được gọi là “Quán Tự Tại”, Myanmar gọi là “Thế Chủ”, Sri Lanka gọi là “Thần Chủ”, Tây Tạng gọi Quan Âm là “Thiện Trị”, ở mỗi nơi cách gọi Quan Âm khác nhau.
Bên cạnh đó, ở Mỹ và châu Âu, Quan Âm cũng được nhiều người biết đến, nguyên nhân chủ yếu do chủ nghĩa Nữ quyền phát triển và từ các tu sĩ Phật giáo di cư sang phương Tây. Tuy Phật giáo đã sớm có mặt ở Mỹ từ thế kỷ thứ XIX, nhưng từ khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, do biến động chính trị ở châu Á nên mới đẩy mạnh tốc độ và tầm ảnh hưởng của Phật giáo với phương Tây.
Năm 1949, tăng sĩ từ Trung Quốc chạy sang Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Mỹ. Tương tự, năm 1959, phần lớn tăng ni Tây Tạng chạy sang Ấn Độ, một phần nhỏ chạy sang Mỹ. Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, người Việt Nam và một số nước Đông Nam Á di cư đến Mỹ do đó người Mỹ bắt đầu có hiểu biết, liên hệ về các hình thức khác nhau của Phật giáo, tên gọi và đặc điểm khác nhau của Quan Âm.
Quan Âm từ nam giới chuyển biến thành nữ giới
Tham gia hội thảo, học giả, nhà nghiên cứu Yu Chun Fang (Trung Quốc) đã chia sẽ những câu chuyện thú vị về những hiểu biết, câu chuyện xung quanh cuộc sống của ông về Quan Âm: “Tôi sinh ra ở Trung Quốc, trong chiến tranh thế giới thứ 2 theo gia đình chạy nạn từ Hà Bắc xuống phía Nam, cuối cùng đến Tứ Xuyên. Bà ngoại tôi là một Phật tử thuần thành, hàng ngày thức dậy rửa mặt chải đầu xong, bà đều đến trước pho tượng Quan Âm châm hương tụng Chú Đại Bi và cầu nguyện. Có khi, bà đứng trước tượng Quan Âm thổ lộ hết những phiền muộn trong lòng. Đối với bà ngoại tôi, Quan Âm là hóa thân của đáng Đại Từ Đại Bi, là người cứu độ cho bà”.
Học giả, nhà nghiên cứu Yu Chun Fang (Trung Quốc) cũng cho hay: “Trên thực tế, chuyện liên quan đến vị Bồ tát này trong kinh điển không nhiều. Hiện nay, có thể thấy trong các bảo tàng, hiện vật tượng Quan Âm bằng sứ trắng hầu như đều là nữ giới. Nhưng ở Ấn Độ, Tây Tạng, Sri Lanka hay Đông Nam Á hình thái xuất hiện của Quan Âm không phải là nữ giới, ở Trung Quốc hình tượng Quan Âm thời kỳ đầu cũng không giống như vậy”.
"Tín ngưỡng Quan Âm trong phương ngữ Đài Loan thường gọi Quan Âm với cách gọi thân mật là Đức Phật, phương ngữ Kim Môn thì gọi nơi thờ chính Quan Âm là “Hậu cung Đức Phật” hoặc là “Đình Quân Âm”, trong tế tự của mỗi gia đình thì nơi thờ Quan Âm, Thổ Công, Táo Quân thường được gộp chung lại và gọi luôn là Bản thờ Phật" - Nhà nghiên cứu Tang Hiu Yun. |
Quan Âm từ nam giới chuyển biến thành nữ giới là hiện tượng đặc biệt của Trung Quốc. “Đối với tôi, việc tìm hiểu Avalokitesvara vì sao chuyển biến và chuyển biến như thế nào để thành hình tượng Quan Âm nổi tiếng đặc trưng của Trung Quốc không chỉ nghiên cứu học thuật, mà còn làm niềm yêu thích cá nhân. Khi nghiên cứu về vấn đề vì sao Quan Âm ở Trung Quốc lại biến thành nữ thần, tôi phát hiện ra rằng nếu chỉ dựa vào những tư liệu nghiên cứu lịch sử tôn giáo của Trung Quốc kiểu truyền thống như kinh điển Phật giáo, sử truyện… thì sẽ khó tìm ra đáp án. Đặc biệt là khi tìm kiếm một số manh mối về quá trình Quan Âm được nữ tính hóa và bản địa hóa ở Trung Quốc thì tôi bắt buộc phải tìm ở nơi khác” - nhà nghiên cứu Yu Chun Fang cho hay.
Cũng theo nghiên cứu của chuyên gia này, sau khi Quan Âm được nữ tính hóa thì có nhiều tín ngưỡng nữ thần đua nhau xuất hiện. Vậy Quan Âm có mối quan hệ như thế nào với các vị nữ thần này? Mặt khác, vẫn còn khá nhiều nghiên cứu liên quan tới Quan Âm đang chờ chúng ta tiếp tục giải đáp như ai là người đầu tiên sáng tạo ra hình tượng Quan Âm cầm cành dương liễu trên tay? Tác giả sang tạo ra hình tượng ấy là ai?
Sự tái sinh của tín ngưỡng thờ nữ thần ở Việt Nam
Trong vòng 10 năm trở lại đây, cùng với việc công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” của người Việt là một di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (2012) và sau đó có ở cấp Quốc tế (UNESCO công nhận di sản văn hóa năm 2016), có thể thấy sự tái sinh và được công nhận về mặt thể chế những tín ngưỡng thờ cũng nữ thần mang tính bản địa.
Thực ra, trong tiến trình lịch sử Việt Nam hiện đại, tín ngưỡng thờ nữ thần bản đại luôn phải tồn tại trong một tình trạng ở bên lề của đời sống xã hội. Trước năm 1945, hệ thống tín ngưỡng này đã bị các trí thức Âu hóa và cả những người bảo thủ về đạo đức phê phán và xem như một tệ nạn xã hội.
Trong những vở thoại kịch đầu tiên của người Việt viết bằng chữ Quốc ngữ cũng như trong những tiểu thuyết hiện thực của Vũ Trọng Phụng, hầu đồng, “đi theo người cung văn” (nhạc công trong nghi lễ hầu đồng) bị xem như một thói hư tật xấu của phụ nữ và được xếp ngang hàng với những tệ nạn của nam giới như đến các tiệm hát cô đầu hay hút thuốc phiện.
Trong giai đoạn giải thoát thực dân sau năm 1945, trong thể chế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam, lên đồng bị xếp vào những hành vi mê tín dị đoan và bị cấm. Chỉ sau năm 1986, cùng với những cởi mở trong đời sống chính trị thì tín ngưỡng này, rất chậm, mới từng bước trở lại và được Nhà nước công nhận. Vậy mà, sự trở về của những tín ngưỡng dân gian thờ nữ thần bản địa đã được phản ánh trong sáng tác của những nhà văn quan trọng của nền văn học Việt Nam đương đại.
"Tín ngưỡng Quan Âm ở Hàn Quốc chủ yếu mở rộng từ trong các bộ “Hoa Nghiêm Kinh”, “Pháp Hoa Kinh”… lấy chùa Lạc Sơn ở Đông Hải, chùa Phổ Môn ở Tây Hải và am Bồ Đề ở Nam Hải gọi là Tam đại Quan Âm thánh địa của Hàn Quốc. Ba vùng thánh địa Quan Âm đều vào khoảng trước sau thời kỳ Tam Quốc thống nhất từ thời kì Shin-la, thế kỷ thứ 7, do cao tăng đại đức Shin - la xây dựng, đều có truyền thuyết cảm hứng thú vị" - Nhà nghiên cứu Jun Young Suk. |