Sự hy sinh thầm lặng!

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 27/2, ngày tôn vinh những người thầy thuốc năm nay khá đặc biệt. Bộ Y tế cũng như ngành y tế các địa phương, các bệnh viện đã phát đi thông báo dừng mọi hoạt động tôn vinh, chúc mừng 65 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020) để tập trung toàn lực phòng chống dịch Covid-19.

Nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi công lao những chiến sĩ áo trắng, những người đã vất vả, âm thầm ứng phó, chống chọi với dịch bệnh Covid-19 nói riêng, các dịch bệnh khác nói chung. Những người thầy thuốc trên mọi miền đất nước đã ngày đêm tận tụy vì sức khỏe của bệnh nhân, vì sự an toàn của cộng đồng.
Chỉ trong đợt dịch này, nhiều đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, những bữa trưa không kịp ăn, những bữa tối ăn muộn lúc 22 giờ đêm, nhiều y tá, bác sĩ đã không kịp về nhà, miệt mài ở lại đơn vị chống dịch. Có nữ điều dưỡng đang nuôi con nhỏ 8 tháng tuổi, vội vàng về cho con bú rồi quay lại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư để ứng phó với dịch. Nhiều nữ điều dưỡng đã dọn đồ vào ở luôn trong bệnh viện để tiện chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Có bác sĩ trưởng, phó khoa gần một tháng nay chưa trở về nhà, không phải vì bị cách ly, mà vì bệnh nhân, bệnh viện, nhân viên y tế rất cần họ.
Dịch Covid-19 bùng phát kể từ trước Tết, cũng kể từ đó, “thế giới” của các chiến sĩ blouse trắng gói gọn trong những bệnh phòng của khoa cấp cứu, bị “phong tỏa” bởi những tấm biển “Khu vực cách ly”, “Không phân sự miễn vào”, bởi những dây barie dọc hành lang hun hút. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu, chia sẻ, trân trọng những giọt mồ hôi mà họ đã rơi, những nguy cơ mà họ phải đối mặt. Họ thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch.
Ngoài y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, những lực lượng khác dù không trực tiếp khám chữa bệnh nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng, khi chiếm tới 60 - 70% quyết định lâm sàng, từ đó giúp thầy thuốc đưa ra quyết định chính xác, kịp thời chữa trị cho người bệnh. Đó chính là vai trò của xét nghiệm trong y học. Rồi những người làm công tác y tế dự phòng, đi từng ngõ, gõ từng nhà điều tra ổ dịch, điều tra từng trường hợp có nguy cơ lây nhiễm để thực hiện cách ly. Đó là những chiến sĩ của đội cơ động trên khắp cả nước đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.
Chẳng phải vụ dịch Covid-19 lần này, Việt Nam đã trải qua nhiều vụ dịch nguy hiểm trước đây như sởi, sốt xuất huyết, đặc biệt, dịch SARS năm 2003 đã cướp đi sinh mạng nhiều thầy thuốc ở tuyến đầu điều trị. Sự hy sinh của những chiến sĩ áo trắng vì bình yên của Nhân dân, thật đáng trân trọng. Ở khắp các bệnh viện trên cả nước, công việc của các bác sĩ vô cùng vất vả, áp lực. Có bác sĩ ở tuyến đầu, trong lúc mổ cho bệnh nhân thì nhận được tin bố qua đời, anh lặng người đi rồi nén nỗi đau, thực hiện xong ca mổ, anh vội chạy ra hành lang khóc thầm...
Đọc status trên Facebook của một bác sĩ có nội dung: “Chúng tôi không nhận hoa, không nhận quà, xin hãy gửi những nụ hôn gió, hãy thả tim, like. Đó chính là món quà vô giá đối với chúng tôi!” khiến nhiều người không khỏi xúc động. Ngày 27/2 không hoa, không quà, không tổ chức tôn vinh nhưng mỗi chúng ta, tôn vinh để trong lòng, hãy biết trân trọng sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những thầy thuốc đang đêm ngày phục vụ bệnh nhân và cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần