Trong tuần qua, thông tin thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là vụ sập biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội.
Khoảng 13h chiều ngày 22/9, căn biệt thự cổ thời Pháp thuộc tại số 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội đã bất ngờ đổ sập. Sau nhiều giờ thu dọn hiện trường, cơ quan chức năng thông báo có 2 nạn nhân tử vong và 6 người khác bị thương.
Nguyên nhân ban đầu của vụ việc được cho là do tòa nhà đã xuống cấp qua sử dụng nhiều năm và bị thấm nước do mưa liên tục dẫn tới giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần.
Hiện trường vụ sập nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo, hà Nội.
|
Vụ việc cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng của những kiến trúc Pháp cổ trên dưới trăm tuổi đang tồn tại trên địa bàn Thủ đô.
Trên thực tế, những cảnh báo về chất lượng của các công trình này đã được đưa ra từ lâu, thậm chí có cả văn bản từ Pháp gửi sang khuyến cáo về việc các công trình thuộc loại này đã hết niên hạn sử dụng nếu đối chiếu theo thời điểm xây dựng.
Thêm vào đó, các biệt thự cổ khi bị “chuyển thành” nhà tập thể, người dân vì nhu cầu sinh hoạt đã cơi nới, đục phá, động tới kết cấu tòa nhà dẫn tới nguy cơ sụp đổ cao hơn.
Sau khi vụ việc trên xảy ra, công tác kiểm tra, quản lý chất lượng các công trình kiến trúc cổ trện địa bàn Hà Nội được đặt dấu hỏi lớn. Câu chuyện về tình trạng xuống cấp tại các biệt thự cổ, khu tập thể cũ tiếp tục nóng trở lại.
Thông tin đáng chú ý tiếp theo là trận mưa lớn đếm 21/9 kéo dài đến 22/9 gâp ngập nặng tại nhiều khu vực của Hà Nội, có nơi ngập sâu từ 0,5-1m như: Vĩnh Hưng, Định Công, Tân Mai, Ngọc Lâm, Vĩnh Tuy… Mưa lớn gây cản trở giao thông làm các phương tiện di chuyển khó khăn, ùn tắc nghiêm trọng trên nhiều tuyến phố.
Đường phố Hà Nội biến thành sông sau những cơn mưa lớn.
|
Theo các chuyên gia, Hà Nội cứ mưa lớn là ngập, một phần do quy hoạch hệ thống thoát nước bị chậm lại so với đô thị hóa. Mặt khác, vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa, các hồ điều hòa bị thu hẹp, quy hoạch tổng thể Hà Nội chưa tốt, đang thiếu tầm nhìn, làm theo kiểu "rách đâu vá đấy". Trước đây, Hà Nội có nhiều ao, hồ điều hòa và diện tích đất tự ngấm. Bây giờ, lòng đường, vỉa hè bị bê tông hóa, diện tích đất ao, hồ bị thu hẹp dẫn tới Hà Nội cứ mưa lớn là ngập. Và giải pháp chống ngập là phải tạo diện tích đất tự ngấm và bể ngầm.
Ngoài ra, cần kiểm tra hệ thống thoát nước có bùn đất, rác thải hay không? Từng khu đô thị, tòa nhà phải có hồ điều hòa, các bãi cỏ, vỉa hè tự thấm nước. Ở vườn hoa, phải tạo ra bể ngầm, lấy nước dùng để cứu hỏa, tưới cây, rửa đường vừa là chống mất nước mặt, giảm độ thất thoát nước ngầm, đồng thời Hà Nội sẽ giảm sụt lún và ngập lụt.
Sau mỗi trận mưa rào, nhiều tuyến giao thông huyết mạch của TP lại bị chìm trong biển nước. Tình trạng ngập úng trên diện rộng đã gây những khó khăn không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Mong sao tình trạng này sẽ sớm được cải thiện và người dân Thủ đô không phải sống trong cảnh nơm nớp sợ trời mưa.
Ngoài ra, một sự kiện cũng được người dân Hà Nội hết sức quan tâm trong tuần qua là đường ống nước sông Đà về Hà Nội đã liên tiếp vỡ hai lần trong hai ngày 25 và 26/9.
Ngày 25/9, tại điểm ngã tư siêu thị BigC đường ống nước sông Đà đã bị vỡ lần thứ 14, nguyên nhân xác định ban đầu là do đơn vị thi công đường. Ngay sau đó, khoảng 4h sáng ngày 26/9, đường ống nước sạch sông Đà tiếp tục bị vỡ lần thứ 15. Điểm vỡ nằm tại km26+600 (Đại lộ Thăng Long) thuộc địa phận huyện Thạch Thất (Hà Nội).
Đường ống nước sạch sông Đà về Hà Nội không biết sẽ còn vỡ bao nhiêu lần nữa?
|
Nhiều người "vui tính" đã trao kỷ lục Guinness “vỡ” cho đường ống nước sông Đà. Đường ống nước sạch sông Đà bị vỡ lần đầu tiên vào ngày 4/2/2012, tại Km10+300 trên đại lộ Thăng Long. Sự cố khiến hàng nghìn hộ dân Thủ đô Hà Nội khốn khổ nhưng đầy lạc quan trong thời điểm ấy cho rằng "cũng bình thường”.
Nhưng sau lần đầu tiên được coi là “bình thường” ấy, điệp khúc "vỡ, vỡ, vỡ và vỡ, vỡ, vỡ" liên tiếp xảy ra. Đến tháng 7/2014, khi sự cố vỡ ống nước sông Đà lần thứ 9 diễn ra thì người dân đã nhận ra rằng: Cứ 2 tháng "ông công trình" ấy lại vỡ 1 lần.
Công trình này vỡ nhanh, vỡ nhiều đến nỗi, sau lần vỡ thứ 13, nhiều người cho rằng: Không ai dám chắc đường ống nước sông Đà không tiếp tục xảy ra sự cố. Do vậy người dân luôn phải trong tình trạng sử dụng tiết kiệm, tích trữ nước sinh hoạt đề phòng đường ống vỡ.