Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sự kiện kinh tế tuần] Tìm 'văcxin' ngăn kinh tế Việt Nam sụt giảm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tác động của Covid-19 khiến việc sản xuất bị ngưng trệ do thiếu nguyên liệu. Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra vấn đề cần tìm 'văc-xin' cho nền kinh tế.

Cần tìm 'văc-xin' cho nền kinh tế Việt Nam
Tại cuộc họp mới đây của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trực tiếp chỉ đạo, điều hành khối kinh tế tổng hợp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, các nước có sự sụt giảm tăng trưởng, trong đó có các đối tác của Việt Nam.
[Sự kiện kinh tế tuần] Tìm 'văcxin' ngăn kinh tế Việt Nam sụt giảm - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh CP
Thủ tướng đặt vấn đề: "Có loại 'văc-xin' nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế, để có thể đạt mục tiêu kép, là vừa chống dịch Covid-19, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh quốc tế, khu vực, nhất là những đối tác quan trọng của Việt Nam sụt giảm tăng trưởng".
Dù thành công bước đầu trong việc ngăn chặn Covid-19, song Thủ tướng khẳng định Việt Nam muốn thắng lợi kép chứ không chỉ một thắng lợi đơn, vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn nghe về một "liều văc-xin" mà các thành viên hội đồng góp ý, hiến kế để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế diễn ra trên toàn cầu.
Covid-19 khiến doanh nghiệp đối mặt với việc ngừng sản xuất

Tại cuộc họp chiều 26/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ kép khi nguồn cung cho sản xuất khan hiếm, đồng thời cầu cũng suy giảm. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.

Do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 tại Trung Quốc sẽ tác động lớn các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối và dịch vụ các nước trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam”, ông Hoài cho biết.Cụ thể, báo cáo Bộ trưởng Công Thương, ông Hoài cho biết hiện Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất các hàng hoá trung gian cho các ngành công nghiệp thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ lớn của rất nhiều ngành hàng đa quốc gia.

Bên cạnh đó theo ông Hoài, tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp bên ngoài Trung Quốc dự kiến sẽ khiến kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng nặng hơn.

Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, ông Hoài cho biết hiện phụ thuộc rất lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất. Trong đó, một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện - điện tử.

Kinh tế Hà Nội "ngấm đòn" do tác động của dịch Covid-19

Kinh tế - xã hội TP Hà Nội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đối mặt với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19.

[Sự kiện kinh tế tuần] Tìm 'văcxin' ngăn kinh tế Việt Nam sụt giảm - Ảnh 2
Trung tâm thương mại tại Hà Nội vắng hoe vì lo sợ dịch Covid-19

Số liệu của Cục Thống kê TP Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2/2020 ước đạt 234,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so tháng trước và tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước đạt 485,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 46,1 nghìn tỷ đồng, giảm 4,8% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. 

2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 94,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Chia theo loại hình: Kinh tế nhà nước đạt 16,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,3% tổng mức và tăng 3,8%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 72,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,8% và tăng 6,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,9% và tăng 7,8%.
Doanh thu khách sạn, nhà hàng chỉ đạt 9,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,9% và giảm 8,1%; du lịch lữ hành đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,8% và giảm 9,5%; dịch vụ khác đạt 24 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,4% và tăng 4,1%.

Ngân hàng Nhà nước: Sẽ can thiệp nếu thị trường vàng bất ổn

Tại cuộc họp ngày 25/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá rất thận trọng về tác động của dịch Covid-19, chúng ta cần bình tĩnh, đưa ra thông tin chuẩn xác.
Thống đốc Lê Minh Hưng.

Đối với giá vàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, biến động giá vàng trong nước chủ yếu do giá vàng quốc tế và yếu tố tâm lý. Ngày 25/2, giá vàng quốc tế giảm và giá vàng trong nước còn giảm mạnh hơn.

"Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, mặc dù thị trường này không còn tác động đến ổn định vĩ mô. Nếu thị trường có diễn biến gây bất ổn, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp khi cần thiết", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Đề cập tới nguyên nhân giá vàng nhảy múa, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian gần đây, giá vàng trong nước biến động tăng theo giá vàng thế giới. Nguyên nhân giá vàng thế giới tăng chủ yếu là do lo ngại về dịch viêm phổi Covid-19 gây sức ép đến nền kinh tế toàn cầu.

Theo quan sát của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng giao dịch ngoài thị trường hiện vẫn khá trầm lắng. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán dao động trong khoảng từ 300 - 500 nghìn đồng/lượng trong những ngày qua cho thấy sức mua, bán vàng của thị trường vàng đã yếu và người dân không còn mặn mà với vàng.

Đề xuất giá điện bán lẻ theo 5 bậc thang
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo lấy ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
[Sự kiện kinh tế tuần] Tìm 'văcxin' ngăn kinh tế Việt Nam sụt giảm - Ảnh 4
Ảnh minh họa. Nguồn internet

Theo đó, Bộ Công Thương đưa 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc.

Ở phương án này chia giá điện theo 5 bậc, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 kịch bản.

Kịch bản 1, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang; trong đó giá điện bậc 1 (cho 0 - 100kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200kWh; bậc 3 từ 201 - 400kWh; bậc 4 từ 401 - 700kWh; bậc 5 từ 701kWh trở lên.

Theo tính toán, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,8% tổng số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng.

Đối với kịch bản thứ hai, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi: Gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700kWh; giá điện của bậc 201 - 400kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300kWh) và bậc 5 (từ 301 - 400kWh) của giá điện cũ.

Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản 1. Vì với kịch bản này sẽ có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý; đảm bảo toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.

FDI vào Việt Nam 2 tháng đầu năm giảm mạnh

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.
 
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tháng 2 là tháng sau Tết Nguyên đán và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công, đồng thời trong các tháng đầu năm hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước nên nhìn chung tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt không cao so với kế hoạch năm 2020 (8,3%). Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2/2020 ước tính đạt 18,1 nghìn tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,8%; vốn địa phương 15,6 nghìn tỷ đồng, tăng 27,4%.
CPI 2 tháng đầu năm 2020 tăng cao nhất trong 7 năm
Tổng Cục Thống kê thông tin, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lý do được đưa ra là chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhiều mặt hàng dần trở về mặt bằng giá trước Tết; dịch Covid-19 làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng.

CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 2/2020 tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh 

Bộ Tài chính gửi công văn xin ý kiến bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thương vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.

Cụ thể, Bộ này đề xuất điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng. Đồng thời, mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính khẳng định cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế Thuế thu nhập cá nhân. Theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 đã tăng 23,2% so với tháng 7/2013.

Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nêu trên sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh cũ sẽ được xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới tại nghị quyết này khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.