Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện nổi bật trên thị trường viễn thông di động 2009

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lượng thuê bao phát triển nhanh đến mức cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng không biết đâu là thuê bao thực phát sinh cước và đâu là thuê bao ảo đang lưu hành trên mạng.

KTĐT - Lượng thuê bao phát triển nhanh đến mức cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng không biết đâu là thuê bao thực phát sinh cước và đâu là thuê bao ảo đang lưu hành trên mạng.

Cuộc đổ bộ của công nghệ 3G chưa đủ sức tạo ra đợt sóng. Việc quản lý thuê bao được siết chặt hơn trước, quyền lợi khách hàng vì thế cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

2009 được coi là năm thị trường viễn thông phát triển chưa từng có và cũng là năm đầy rẫy biến cố - khách hàng phàn nàn, doanh nghiệp đua "tố" lẫn nhau, và những nhân tố lạ xuất hiện. Sự hội tụ của 7 doanh nghiệp trên thị trường đã kéo giá cước di động xuống mức thấp, các chiêu thức câu khách cũng cấp tập được đưa ra. Đến hết tháng 12/2009, cả nước có trên 100 triệu thuê bao di động. Đây được coi là con số cao so với dân số cả nước - khoảng 80 triệu.

Beeline nhập cuộc, HT Mobile thay máu

Sau 6 tháng khai tử mạng HT Mobile, nhà khai thác di động thứ 6 tại VN "quyết làm lại từ đầu" với tên mới - Vietnamobile - và công nghệ phổ cập GSM mang đầu số 092. Hãng thừa nhận, công nghệ CDMA đã không mang lại hiệu quả như mong muốn, hai năm triển khai hãng chỉ phát triển được trên 200.000 thuê bao. Thế nhưng “cú lội ngược dòng” tiêu tốn tới nhiều triệu đôla của Vietnamobile vẫn chưa tạo được tiếng vang trên thị trường. Chính vì thế sau hơn nửa năm kinh doanh với thương hiệu mới, hãng mới chỉ thu hút khoảng 2 triệu thuê bao, chưa vượt qua con số mà doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn Beeline có được.

Sự kiện nổi bật trên thị trường viễn thông di động 2009 - Ảnh 1
Beeline đã tạo được một làn sóng trên thị trường di động. Ảnh: H.A.

Beeline thọc chân vào thị trường di động từ tháng 7. Với giá cước tuyên bố thấp nhất cùng với gói nội mạng quên ngày tháng Big Zero, Beeline thực sự tạo ra một làn sóng mới trên thị trường. Hình ảnh sọc vằn vàng đen xuất hiện tại mọi ngõ ngách ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Hãng viễn thông thứ 7 này cũng không dấu tham vọng sẽ chiếm 20-30% thị phần di động VN trong khoảng thời gian không xa.

Tại thời điểm ra mắt, giới chuyên gia cũng đánh giá, việc có mặt trên thị trường bằng gói cước siêu rẻ kiểu Beeline có thể khiến nhà khai thác này chấp nhận lỗ trong vòng ít nhất là 1-2 năm. Thị trường sẽ đón nhận một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Quả nhiên, ngay sau đó, các đại gia di động khác đã ngấm ngầm lên kế hoạch phản đòn. Ngoài các chương trình khuyến mãi, các hãng cũng tung chiêu miễn một số cuộc gọi nội mạng mạnh tay hơn cả gói Big Zero của Beeline.

Mỗi người chỉ được sở hữu tối đa 3 sim điện thoại mỗi mạng

Lệnh cấm thuê bao sở hữu quá 3 sim mỗi mạng di động được Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu thực hiện từ giữa tháng 8 với mong muốn lành mạnh lại thị trường, hạn chế thuê bao ảo, tránh lãng phí tài nguyên số. Theo ước tính, có trên 60 triệu thuê bao di động nằm trong diện bị thu hồi sim vì vượt quá số lượng sở hữu cho phép. Trong đó, Viettel chiếm khoảng 23 triệu, VinaPhone 16 triệu, MobiFone hơn 15 triệu, còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác.

Sự kiện nổi bật trên thị trường viễn thông di động 2009 - Ảnh 2
Vẫn còn hàng triệu thuê bao trả trước chưa khai báo thông tin cá nhân. Ảnh: Q.Th.

Tính đến ngày 31/12, vẫn còn hàng triệu thuê bao chưa hoàn tất việc khai báo thông tin cá nhân, trong khi thời hạn khóa sim là từ 1/1/2010. Khách hàng cuống cuồng lo mất số, các điểm giao dịch bị quá tải, nhiều vấn đề phát sinh cũng bắt đầu xảy ra khi cùng một thuê bao lại có 2 chủ. Đã có một số doanh nghiệp đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông lùi thời hạn khai báo thông tin thêm một thời gian ngắn để nhà mạng hoàn tất thủ tục kê khai. Doanh nghiệp e rằng nếu một lúc mà “xuống tay” cắt số hàng triệu thuê bao sẽ tạo ra những phản ứng ngược trên thị trường.

Khách hàng trả sau lớn tiếng đòi quyền lợi

Những ngày giữa tháng 9, các cửa hàng đại lý chứng kiến cảnh nhiều thuê bao trả sau ồ ạt đi chuyển đổi dịch vụ sang trả trước, nhất là khi nhà mạng áp dụng chương trình khuyến mãi tặng 100-130% giá trị thẻ nạp. Hình ảnh này không quá khó hiểu khi khách hàng trung thành đang đem lại nguồn thu chủ yếu cho nhà mạng nhận ra rằng họ bị đối xử bất công trong suốt một thời gian dài. Trong lúc các thuê bao trả trước hỷ hả đón nhận các chương trình khuyến mãi nhân đôi, thậm chí nhân 3, nhân 4 giá trị thẻ nạp thì các khách hàng tiếng là VIP chỉ biết ngậm ngùi đến tháng dốc hầu bao ra thanh toán cước phí.

Sự kiện nổi bật trên thị trường viễn thông di động 2009 - Ảnh 3
Nhà mạng thực hiện nhiều chương trình ưu đãi đối với khách hàng VIP để sửa sai. Ảnh: Hoàng Hà.

Trước cuộc tháo chạy của nhiều thuê bao trả trước, sang tháng 10, doanh nghiệp cấp tập tuyên bố hàng loạt chính sách “sửa sai” với khách hàng VIP. Thế nhưng giống như cốc nước đổ đi, những hình thức tặng quà sinh nhật, tặng phiếu mua hàng giảm giá, xếp hạng khách hàng vàng, bạc, kim cương của nhà mạng đã không nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng.

Khách hàng VIP vẫn nói lời từ biệt để chuyển đổi dịch vụ trả trước. Kết quả là vài năm trước thuê bao trả sau chiếm khoảng 10-15% trên tổng số thuê bao của các mạng di động, nhưng vào thời điểm hiện tại, con số này chỉ vào khoảng 3-5%. Trong khi đó, doanh thu mà các khách hàng trả sau đó góp cho nhà mạng lại chiếm khoảng 50%.

Thuê bao trả trước hết thời hưởng siêu khuyến mãi

Giữa tháng 9, Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông không được khuyến mãi vượt quá 50% giá trị thẻ nạp cho các thuê bao di động trả trước. Đây được coi là biện pháp nhằm chấn chỉnh lại thị trường viễn thông đang bị các chương trình khuyến mãi làm cho "méo mó" suốt thời gian qua đồng thời xóa bỏ tình trạng đối xử bất bình đẳng của nhà mạng đối với các thuê bao trả sau.

Sự kiện nổi bật trên thị trường viễn thông di động 2009 - Ảnh 4
Khách hàng di động đã nghiện nặng các chương trình khuyến mãi. Ảnh: H.A.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhìn nhận các doanh nghiệp ồ ạt khuyến mãi với tần suất ngày càng nhiều như thời gian qua là không bình thường. Khuyến mãi làm cho kho tài nguyên số bị "xà xẻo". Lượng thuê bao phát triển nhanh đến mức cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng không biết đâu là thuê bao thực phát sinh cước và đâu là thuê bao ảo đang lưu hành trên mạng.

Thế nhưng, quy định này đã không nhận được sự đồng tình của khách hàng. Họ cho rằng đành là quy định song khuyến mãi là hình thức doanh nghiệp chia sẻ quyền lợi của mình cho khách hàng. Cái gì có lợi cho người tiêu dùng mà cấm là đi ngược với xu thế của xã hội. Do khách hàng đã "nghiện nặng" khuyến mãi nên dù là quy định, các doanh nghiệp vẫn ngấm ngầm bằng cách này hay cách khác để "lách", khi thì tặng 100% thẻ nạp cho nhóm khách hàng, khi thì nhân 130% cho thuê bao trung thành... Thị trường viễn thông được xem là lĩnh vực không thể thiếu chiêu khuyến mãi.

Bão sim rác bùng phát trở lại

Mức khuyến mãi 50% của nhà mạng không có sức hút đối với các khách hàng xài di động. Làn sóng dùng sim thay thẻ cào bùng phát trở lại khiến các mạng di động đối mặt với tình trạng thuê bao ảo có lúc lên tới 90%.

Sự kiện nổi bật trên thị trường viễn thông di động 2009 - Ảnh 5
2009 là năm lượng sim rác bùng phát chưa từng có. Ảnh: Hoàng Hà.

Đây được coi là số là kỷ lục

, nghĩa là hồi tháng 6/2009 là 7 ăn một, nghĩa là 7 thuê bao kích hoạt mới có một thuê bao thực. Còn thời điểm hiện tại cứ 9 thuê bao kích hoạt mới cho ra một thuê bao thực.

Theo các mạng di động, việc "tuýt còi" khuyến mại thẻ cào của Cục Xúc tiến Thương mại đã khiến lượng thuê bao kích hoạt mới của các mạng tăng mạnh nhưng hầu hết là sim rác và không mang lại nhiều doanh thu. Đại diện cấp cao của Viettel cho hay mạng này gần đây đã không quan tâm nhiều đến thuê bao kích hoạt mới nữa mà chỉ quan tâm đến thuê bao thực. Lý do là số lượng người dùng sim thay thẻ cào quá nhiều khiến phát triển thuê bao mới không còn thực chất. Các nhà khai thác khác cũng nhìn nhận tình trạng tương tự xảy ra với mạng của mình.

Nhà mạng 'đốt' gần hết 170 triệu số di động

21 đầu số tương đương với trên 168 triệu thuê bao di động đã được các nhà khai thác di động xài gần hết. Dù áp dụng hình thức tái "sim rác", song 3 ông lớn di động đang đối mặt với nguy cơ không còn số để phát triển.

Hồi tháng 11, cả 3 nhà khai thác di động lớn nhất VN là Viettel, MobiFone và VinaPhone đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thêm đầu số mới để cứu nguy cơ "cháy" số trong thời gian tới. Trong đó, Viettel đề nghị xin thêm đầu số 0164, MobiFone xin đầu số 0120 còn VinaPhone xin 4 triệu số còn lại trong dải 0129 (4 triệu số trước đó, Bộ đã cấp cho VinaPhone để phát triển mạng 3G).

Sự kiện nổi bật trên thị trường viễn thông di động 2009 - Ảnh 6
8 doanh nghiệp đang sở hữu trên 20 đầu số. Ảnh: thongtincongnghe.

Các mạng di động nhẩm tính, với số lượng thuê bao phát triển mới lên tới 100.000-130.000 mỗi ngày, gạn lắm, số sim trong kho chỉ phát triển được tối đa từ hai đến ba tháng nữa. Trong khi đó, để một thẻ sim đến tay người sử dụng, nhà mạng thường phải xuất cho các đại lý, cửa hàng ít nhất là trước khoảng một tháng. Chưa kể, với giá bán sim đang xếp vào diện "rẻ như bèo" như hiện tại, các mạng di động đang đối mặt với nạn sim rác. Nghĩa là cứ 5 sim, thậm chí 7-9 sim bán ra thị trường mới thu về được một thuê bao thực.

Giới chuyên gia nhìn nhận khoảng 170 triệu số không đáp ứng đủ nhu cầu của một quốc gia có dân số 80 triệu dân như vậy là không ổn. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải xem xét hiệu suất sử dụng thực tế của các mạng di động để cấp thêm đầu số, nhằm tránh lãng phí không cần thiết.

Cuộc đổ bộ của công nghệ 3G

Ngày 12/10, VinaPhone trở thành mạng di động đầu tiên của Việt Nam cung cấp dịch vụ 3G đánh dấu một bước tiến mới trên thị trường viễn thông. Người tiêu dùng nín thở chờ đợi những đặc tính nổi trội từ 6 dịch vụ mà hãng giới thiệu gồm Video Call, Mobile TV, Mobile Camera, Mobile Internet, Mobile Broadband, 3G wap-portal. Động thái này của VinaPhone đã khiến các doanh nghiệp khác như Viettel, MobiFone cũng triển khai sớm hơn dự kiến khiến thị trường viễn thông VN hứa hẹn một cuộc đua mới mang tên 3G.

Sự kiện nổi bật trên thị trường viễn thông di động 2009 - Ảnh 7
Thị trường di động sắp chứng kiến cuộc chiến thứ 3 mang tên 3G. Ảnh: Hoàng Hà.

Thế nhưng trái với mong muốn của người tiêu dùng, chỉ chưa đầy một tuần triển khai sự cố liên quan đến mạng lưới đã liên tiếp xảy ra. Nghẽn mạch, rớt sóng, cuộc gọi khó thực hiện, tin nhắn không thể gửi đi, diễn ra khắp nơi và ngày càng trầm trọng. Sóng 3G bị cho là thủ phạm đã ngang nhiên “nuốt” các cuộc gọi 2G khi khách hàng vô tình đi qua vùng sóng yếu. Những trục trặc ban đầu khiến người tiêu dùng chưa kịp tận hưởng giá trị mà 3G mang lại đã cảm thấy chán nản và thậm chí có người còn ước “giá đừng có 3G”. Những trục trặc mà VinaPhone gặp phải khiến Viettel, MobiFone, EVN Telecom - Vietnamobile thận trọng hơn khi tham gia thị trường. Giống như giới chuyên gia nhận xét, 3G là công nghệ không dễ ăn và rất có thể sẽ trở thành cái bẫy đối với doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm, thiếu vốn và yếu năng lực triển khai.

Viettel tố MobiFone cạnh tranh không lành mạnh

Sự kiện nổi bật trên thị trường viễn thông di động 2009 - Ảnh 8
Pano treo tại một số cửa hàng đại lý của MobiFone bị cho là có nội dung quảng cáo kiểu so sánh.

Tháng 6/2009, một vụ khiếu tố lạ đời đã xảy ra khi Viettel tố MobiFone cạnh tranh không lành mạnh với chiêu in poster so sánh trực tiếp giá cước MobiFone rẻ hơn Viettel. Sự việc không có gì đáng nói nếu như trước đó chính Viettel đã sử dụng chiêu này một cách cực kỳ phổ biến trong nhiều năm liền khi giá cước còn rẻ hơn MobiFone và VinaPhone. Sau khi Viettel tố MobiFone, các mạng di động khác như VinaPhone, EVN Telecom đồng loạt tố ngược Viettel đã sử dụng chiêu cạnh tranh không lành mạnh trong một thời gian dài và từng bị xử phạt về hành vi này.

Doanh nghiệp viễn thông bị nhà đèn làm khó

Đầu năm 2009, VNPT, Viettel, Saigon Postel... đồng loạt tố ông nhà đèn - Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lợi dụng thế độc quyền bất ngờ nâng giá cho thuê cột điện treo cáp lên tới 8 lần. Trong lúc các bên chưa thương lượng được về giá thì hồi cuối tháng 8 vừa qua, EVN "dọa" cắt cáp đối với các doanh nghiệp viễn thông, trong đó có VNPT, nếu không thực hiện theo giá thuê mới.

Sự kiện nổi bật trên thị trường viễn thông di động 2009 - Ảnh 9
Tranh cãi về giá thuê cột điện chưa tìm được lời giải. Ảnh: Hoàng Hà.

Cái lý mà EVN đưa ra biểu giá thuê cột mới là nhằm bù đắp chi phí bảo dưỡng, an toàn mạng lưới và cố gắng giảm bớt hình ảnh xấu về một hệ thống đèn cột cõng trên mình quá nhiều dây rợ. Trong "tối hậu thư" gửi cho các doanh nghiệp viễn thông, EVN cho rằng việc treo cáp thông tin trên cột điện thời gian qua chưa đúng với các quy định, gây bức xúc trong dư luận, khiến ngành điện khó khăn trong công tác quản lý vận hành hệ thống.

Và đến tháng 9, EVN tiến hành "trảm" hàng loạt dây cáp treo trên cột điện tại nhiều địa bàn tỉnh thành phố, khiến cho nhà mạng lao đao, khách hàng kiện cáo. Mới đây, VNPT đã có văn bản nhờ Liên bộ Công Thương - Thông tin và Truyền thông đứng ra làm trung gian hòa giải. Thế nhưng chưa có quy định rõ ràng nên chuyện nhà đèn làm khó nhà mạng bằng giá thuê cột điện vẫn là bài toán chưa có lời giải.