Thủ tướng chỉ đạo làm rõ thông tin về tài sản của Thứ trưởng Kim Thoa
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1583/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ về việc liên quan tới Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại văn bản số 3308-CV/VPTW ngày 16/2/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, kết luận những nội dung các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để bổ sung, sửa đổi hoặc kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.
Trước đó, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn số 3308-CV/VPTW ngày 16/2/2017 thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các bài báo liên quan đến đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Báo Nhân dân số ra ngày 11/2/2017 có đăng tin "Chung quanh việc kê khai tài sản của Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa"; Báo Tuổi trẻ số ra ngày 11/2/2017 đăng bài "Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu khối tài sản trăm tỉ", số ra ngày 12/2/2017 đăng bài: "Gia đình bà Thứ trưởng có gì ở Công ty Điện Quang?"; Báo Tiền phong trong các ngày 14, 15 và 16/2/2017 đăng các bài: "Cần làm rõ việc thâu tóm cổ phần", "Cần kiểm soát mối quan hệ gia đình của quan chức", "Đáng lẽ Ủy ban Chứng khoán phải vào cuộc",... và nhiều báo khác đã đưa tin về nội dung này.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.
Yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.
Xem xét kỷ luật nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, ông Võ Kim Cự
Từ ngày 15 đến 17/2/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 11. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận các nội dung sau:
1- Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cá nhân liên quanBan cán sự đảng (BCSĐ) Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2008 - 2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát; để xảy ra các vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh địa điểm xả thải và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.
Để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc về đồng chí Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng với cương vị là người đứng đầu; đồng chí Bùi Cách Tuyến, nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Thứ trưởng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và đồng chí Nguyễn Thái Lai, nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Thứ trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Mai Thanh Dung trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục thẩm định, đánh giá tác động môi trường và đồng chí Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.Những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đồng chí nêu trên là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.2- Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cá nhân liên quanBan cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ 2004 - 2011, 2011 - 2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.Để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Võ Kim Cự trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư BCSĐ, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế (2008 - 2010) và trách nhiệm của đồng chí Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (2010 - 2016); các đồng chí Lê Đình Sơn, đồng chí Đặng Quốc Khánh, đồng chí Dương Tất Thắng và đồng chí Nguyễn Nhật trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh có phần trách nhiệm.Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh các nhiệm kỳ trong thời gian từ 2005 - 2016 đã thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện dự án Formosa Hà Tĩnh.Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh và các đồng chí Võ Kim Cự, Hồ Anh Tuấn là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh và các đồng chí Lê Đình Sơn, đồng chí Đặng Quốc Khánh, đồng chí Dương Tất Thắng, đồng chí Nguyễn Nhật tổ chức kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm, xem xét kỷ luật đối với những cán bộ thuộc thẩm quyền theo kết luận của UBKT Trung ương.
3- Về giải quyết tố cáo đồng chí Nguyễn Văn Thiện, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình ĐịnhQua giải quyết tố cáo, UBKT Trung ương kết luận: Đồng chí Nguyễn Văn Thiện và đồng chí Lê Kim Toàn có trách nhiệm về các khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định trong công tác tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm một số cán bộ không đúng quy định của Đảng, Nhà nước.UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, đồng chí Nguyễn Văn Thiện và đồng chí Lê Kim Toàn kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất hình thức xử lý, báo cáo UBKT Trung ương xem xét.UBKT Trung ương đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.4- Cũng trong kỳ họp này, UBKT Trung ương đã cho ý kiến về một số dự thảo văn bản trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng và một số vấn đề khác.
Cách chức hiệu trưởng, hiệu phó trường Tiểu học Nam Trung Yên
Văn phòng UBND TP vừa phát đi thông tin: Ngày 21/2/2017, UBND quận Cầu Giấy công bố quyết định cách chức đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên và bà Nguyễn Thị Hương, hiệu phó trường này.
Việc thực hiện cách chức hai lãnh đạo nhà trường được thực hiện sau khi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã họp cùng các sở ban ngành nghe báo cáo và xem xét các quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, thống nhất hình thức xử lý.
Sáng 20/2/2017, tại trụ sở UBND TP, đồng chí Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP, chủ trì họp với Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Chánh Văn phòng UBND TP về vụ việc. Tại cuộc họp, thiếu tướng Đoàn Duy Khương đã báo cáo về kết quả điều tra ban đầu đối với vụ tai nạn. Cơ quan điều tra đã xác định ngày 1/12/2016, bà Tại Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Hương gọi taxi đưa bà Ngọc đi khám tại Bệnh viện Việt Đức.
Sau khi khám xong, cả hai lên xe taxi di chuyển về trường. Khi qua phố Phủ Doãn, các cô giáo này yêu cầu lái xe dừng lại để mua thuốc cho bà Ngọc. Tuy nhiên, do đường Phủ Doãn cấm dừng đỗ nên lái xe taxi biển kiểm soát 30A-702.54 là ông Trần Quốc Tuấn đã đưa card visit cho bà Hương, hẹn khi mua xong thuốc sẽ quay lại đón.Mua thuốc xong, bà Hương đã điện cho lái xe đón và đi về trường. Khi về đến cổng sau nhà trường, bà Hương điện thoại cho bảo vệ trường là ông Trung ra mở cửa để cho xe taxi đi vào. Khi vào đến sân trường, cháu Trần Chí Kiên đang chơi đùa đã chạy về phía đầu xe và bị xe ô tô đâm phải, ngã bệt xuống đất. Lái xe dừng lại thì Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc đi thẳng vào phòng Hội đồng; Hiệu phó Nguyễn Thị Hương đã nâng cháu Kiên lên, do cháu Kiên đau nên đã cùng bảo vệ đưa lên phòng chức năng của nhà trường để thăm khám. Lúc đó, lái xe taxi do chưa biết hậu quả nên đã đi ra khỏi trường.Cơ quan điều tra xác định việc cho xe ô tô taxi biển kiểm soát số 30A-702.54 do ông Trần Quốc Tuấn điều khiển đi vào sân trường trong giờ ra chơi của các cháu học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên và gây tai nạn là có thật. Thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe có Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó Nguyễn Thị Hương.Cơ quan điều tra làm rõ Hiệu phó Nguyễn Thị Hương, mặc dù biết số điện thoại của lái xe taxi gây tai nạn, nhưng không cung cấp kịp thời cho cơ quan điều tra, đồng thời có biểu hiện che dấu vụ việc như: phát phiếu khảo sát về việc không nhìn thấy xe đi trong Trường ngày 1/12/2016. Điều này gây khó khăn cho cơ quan điều tra và vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp người giáo viên.Đối với Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, thời điểm cháu Trần Chí Kiên bị tai nạn có ngồi trên xe taxi nói trên nhưng không xác nhận xe chở mình gây tai nạn cho học sinh, mặt khác đồng ý với những việc làm sai nói trên của Hiệu phó Nguyễn Thị Hương. Điều này cho thấy Hiệu trưởng không trung thực trong báo cáo, cố tình che dấu vi phạm, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc làm của Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu phó Nguyễn Thị Hương nêu trên tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên Thủ đô nói riêng, ngành giáo dục Việt Nam nói chung. Tại cuộc họp, các đại biểu đại diện các sở ngành, quận Cầu Giấy đều có ý kiến về vụ việc, đánh giá việc khai báo của các cô giáo trên là thiếu thành khẩn, quanh co, che giấu bản chất sự thật. Không những vậy, mặc dù đã được Sở GD&ĐT, UBND quận Cầu Giấy động viên, làm việc trên tinh thần hướng tới trách nhiệm và sửa sai nhưng cô giáo Tạ Thị Bích Ngọc còn bao biện, vẫn viết đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng để che giấu cho hành vi của bản thân mình.Với những căn cứ trên và đơn phản ánh của 18 giáo viên đang công tác tại Trường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã kết luận chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy là đơn vị chủ quản tiến hành họp Hội đồng kỷ luật ngay trong chiều ngày 20/2/2017, kiểm điểm và thực hiện các thủ tục cách chức ngay đối với Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu phó Nguyễn Thị Hương; lựa chọn người thay thế để điều hành công tác của nhà trường đảm bảo ổn định như bình thường. Đồng thời yêu cầu hai giáo viên trên phải tiến hành bàn giao công tác ngay theo quy định. Hai cô giáo đã có hành vi gian dối, làm sai quy định khi nhà trường nghiêm cấm việc cho xe ô tô vào trường nhưng vẫn chỉ đạo bảo vệ mở cửa cho xe vào. Đây là nguyên nhân gây ra hậu quả của vụ việc này, ảnh hưởng đến tinh thần và thể xác của cháu Trần Chí Kiên. Bên cạnh đó việc bao biện, khai báo gian dối làm mất lòng tin của phụ huynh, của học sinh vào nhà trường, vào ngành giáo dục Thủ đô và cả nước. Đặc biệt, ngay cả lái xe taxi Trần Quốc Tuấn cũng đã lên tiếng về sự việc khi các cô giáo biết được hậu quả xảy ra mà không thông báo cho lái xe để có sự chăm sóc, bồi thường với gia đình cháu Kiên.Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh việc cách chức hai cán bộ này không phải là kết thúc mà để phục vụ công tác điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra; nếu có vi phạm hình sự sẽ tiếp tục xem xét xử lý; nếu chỉ vi phạm ở mức độ hành chính thì hai cô giáo này cũng không xứng đáng ở vị trí của mình.UBND TP giao Công an TP tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, làm rõ lời khai và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong vụ việc này, hành vi của hai cô giáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi Khai báo gian dối hay Che giấu tội phạm cũng cần làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định, không bao che. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh hành vi phát phiếu khảo sát của hai cô giáo này cũng cần được làm rõ ai là người chủ mưu vì đây là tình tiết tăng nặng khi vụ án được khởi tố. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng giao Sở GD&ĐT khẩn trương tổ chức cuộc họp với toàn ngành, lấy bài học trên để chấn chỉnh toàn bộ ngành giáo dục Thủ đô, đảm bảo thực hiện tốt việc dạy học trong nhà trường đúng kỷ cương, nề nếp.Ngay trong buổi chiều cùng ngày, UBND quận Cầu Giấy đã họp kỷ luật đối với hai cô giáo trên, thống nhất hình thức kỷ luật cách chức đối với hai cán bộ này. Đồng thời, UBND quận cũng lựa chọn một cán bộ thuộc Phòng Giáo dục quận tạm thời đảm nhiệm vị trí phụ trách, điều hành công việc của nhà trường đảm bảo bình thường.
Cà Mau gỡ biển xanh 80A đã gắn cho 2 xe Lexus doanh nghiệp tặng
Chiều 24/2, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh này đã cho gỡ biển số xe 80A đã gắn cho các xe ô tô hạng sang do doanh nghiệp tặng.
Theo đó, có ít nhất 3 biển số xe xanh 80A được tỉnh Cà Mau cho gỡ, trong đó có các biển số 80A-338.39 và 80A-369.69. Đây là biển số của 2 chiếc xe Lexus mà Công ty Công Lý đã tặng cho tỉnh Cà Mau, một chiếc do Văn phòng UBND tỉnh và một chiếc do Văn phòng Tỉnh ủy quản lý, sử dụng.
Một cán bộ của tỉnh Cà Mau cho biết, việc gỡ biển số xanh 80A là động thái chủ động của tỉnh, cũng là việc làm thuộc khuôn khổ đợt kiểm tra rà soát lại các biển số xe của Trung ương ở các địa phương.
Trước đó, trả lời báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, các biển số trên là do Bộ Công an cấp cho tỉnh Cà Mau.
Cà Mau đã cho gỡ biển số 80A của những chiếc xe do Công ty Công Lý tặng cho tỉnh này.UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, việc tiếp nhận 2 xe Lexus trị giá hơn 6 tỷ đồng của Công ty Công Lý tặng cho tỉnh là đúng quy định. Chủ tịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng đã có văn bản "khẩn" báo cáo đến Thủ tướng về việc này.
Đà Nẵng bác thông tin Bí thư Nguyễn Xuân Anh đi xe biển xanh giả
Sáng 22/2, Thành ủy Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi nhanh thông tin với các phóng viên liên quan đến xe biển xanh 43A - 299.99 đang phục vụ ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy.
Chiếc xe biển xanh 43A - 299.99 của Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng |
Cuộc trao đổi này diễn ra sau khi một trang thông tin điện tử đăng tải thông tin cho rằng xe 43A-299.99 dùng biển số giả, trùng với biển số trắng của một xe Land Rover cũng ở Đà Nẵng.
Trang thông tin điện tử này cũng khẳng định xe biển xanh 43A-299.99 có giá thị trường hơn 2,5 tỷ đồng, và kết luận điều này vi phạm Điều 5, Khoản 2 Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng xe công.Tại buổi trao đổi với phóng viên sáng nay, Văn phòng Thành ủy TP Đà Nẵng đã cung cấp nhiều giấy tờ chứng minh chiếc Toyota Avalon 5 chỗ biển số 43A-299.99 được Bộ Công an chứng nhận kiểm định, nơi đăng ký là Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, chủ phương tiện là Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng.Chiếc xe được sản xuất năm 2016 tại Hoa Kỳ, được mua vào tháng 2/2016.Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cũng cung cấp hóa đơn để khẳng định chiếc xe có tổng giá trị là 1.300.734.844 đồng (giá trước bạ là 1.182.486.222 đồng), nghĩa là không vi phạm quy định sử dụng xe công.
Phòng CSGT Đà Nẵng cho biết cả 2 ô tô mang biển số 43A - 299.99 (biển trắng và biển xanh) đều là biển số thật, được Công an TP.Đà Nẵng cấp biển số quản lý.