Họ phải biết để con cái sang bên để lo cho sự nghiệp, công việc. Không phải họ không yêu thương con cái, nhưng cái quan niệm mẫu tử có khác đi ít nhiều.“Có con non việc”, đây dường như là nỗi lo chung của nhiều người mẹ trẻ khi đang trong giai đoạn phấn đấu cho sự nghiệp. Với không ít trường hợp, đứa trẻ ra đời còn làm mọi chuyện rắc rối hơn nhiều bởi cuộc sống gấp gáp và luôn vận động. Một người phụ nữ tâm sự, chị không bao giờ quên lời dạy của bố mẹ: “Phận làm vợ phải sinh con rồi nuôi con cho tròn nghĩa vụ, công danh là tốt, nhưng làm gì cũng phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với gia đình”. Nhưng khi chưa đầy tuổi, chị nhận được suất học bổng nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Chị cứ băn khoăn giữa ở và đi. Chồng chị dù không phản đối, nhưng anh không vui khi chị bỏ con lại cho anh để đi, anh bảo “chuyện sự nghiệp của phụ nữ cũng cần, nhưng con cái mới là quan trọng”. Nhưng chị nghĩ: “Nếu để mấy năm nữa, chắc gì cơ hội đã đến với chị. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để vợ chồng chị cải thiện điều kiện kinh tế, lo cho con được tốt hơn”.
Và khi người phụ nữ ấy hạ quyết định là đi, chị lại thấy giằng co bởi tình thương con. “Ở lại chăm sóc cho con, hay xa con để tạo dựng sự nghiệp”- câu hỏi ấy cứ giằng xé chị một thời gian không ngắn. Chị cứ tự nhủ: Không biết mình có tham lam quá khi vừa muốn có niềm hạnh phúc làm mẹ, lại vừa muốn trở thành người thành đạt? Làm mẹ mà không cận kề bên con, lo lắng cho miếng ăn giấc ngủ của con thì có tàn nhẫn quá không?
Phải xa con, chị cũng đứt từng khúc ruột, nhưng biết làm sao? Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm ấm, đứa bé lớn lên bên bố và ông bà nội ngoại, biết đến mẹ qua những cuộc gọi trực tuyến qua internet. Khi có bằng tiến sỹ, chị trở về cùng một chút vốn đủ để anh chị dựng lại ngôi nhà, con gái chị cũng có điều kiện tốt hơn để học hành. Lúc này chị mới dám khẳng định mình chưa hẳn đã không làm tròn bổn phận người mẹ.
Với một trường hợp khác, khi chị quyết định cai sữa cho đứa con mới hơn 3 tháng để tập trung cho công việc, cả hai gia đình nội ngoại đều trách chị “ác” quá. Nhưng chị đành chấp nhận vậy bởi thực sự chị không có đủ thời gian, cũng như sức lực cho việc vừa nuôi con bằng sữa mẹ, vừa chu toàn mọi việc bên ngoài. Công ty mới mở, các khoản tiền vay để đổ vào công ty đến hạn phải trả, nỗi lo làm sao cho việc buôn bán được thuận tiện, không cho phép chị ngừng nghỉ.
Chị bảo: “Tôi cũng thương con mình lắm chứ. Không phải tôi tham tiền, nhưng nếu mọi việc đổ vỡ hết, mang nợ vào thân thì con tôi sẽ càng khổ”. Không có thời gian chăm con, cô thuê người giúp việc, không cho con bú được, cô mua cho nó những thứ sữa tốt nhất. Để yên tâm, cô huấn luyện người giúp việc các kiến thức về an toàn vệ sinh, các bước khi pha sữa, tắm bé hay cho bé ăn, cách tránh cho bé bị nôn...
Hơn nữa, dù bận rộn bao nhiêu, nhưng buổi tối chị luôn dành ra một thời gian nhất định cho con. Chị gọi đó là “thời gian vàng” để chơi với con, để tương tác với con như đọc truyện tranh, dạy con múa hát… Những khoảng "thời gian vàng” ấy khiến con chị luôn cảm nhận được tình cảm từ mẹ. Thằng bé lớn lên bụ bẫm, thông minh, ông bà cũng thấy rằng mẹ nó chưa hẳn đã sai.
Những câu chuyện ấy dù chỉ là số ít trong hàng nghìn câu chuyện của những người mẹ trẻ hiện nay. Có thể cách lựa chọn của họ sẽ bị những người lớn tuổi cho là không truyền thống, không đúng lắm với cái chuẩn làm mẹ thông thường. Nhưng gia đình hiện đại không chỉ kéo theo sự thay đổi về giá trị sống, mà những quan niệm về những vị trí trong gia đình cũng thay đổi rất nhiều. Như các chuyên gia nhận xét, gia đình “một cột” đang chuyển sang “hai cột” khi người vợ cũng tham gia công việc xã hội, là người làm ra kinh tế cho gia đình.
Bởi vậy, nên sự cân bằng giữa vai trò làm mẹ và công danh của người mẹ trẻ hiện đại cũng có nhiều điều đáng ngẫm. Khi bỏ con ở nhà cho bà nội chăm sóc, chạy theo công việc, nhiều bà mẹ trẻ liên tục nhận được những lời trách mắng từ bố mẹ kiểu như: “Chúng mày bây giờ nuôi con thờ ơ quá, cứ đi biệt tăm cả ngày. Thật là...”. Nhưng cuộc sống không ngừng vận động và họ, những người phụ nữ hiện đại lại không muốn bị tụt hậu. Họ không thường xuyên ở cạnh con, nhưng vẫn làm tròn thiên chức làm mẹ, làm “ngọn lửa” sưởi ấm gia đình theo cách riêng, phù hợp hoàn cảnh.