Sự nhạy bén của Tích Giang

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối tháng 4, Nhân dân xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ vô cùng phấn khởi đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Vậy là sau một chặng đường nỗ lực, với sự đoàn kết và nhạy bén trong triển khai, hoạch định hướng phát triển kinh tế, Tích Giang đã về đích thành công.

Chủ động ứng dụng công nghệ cao

Là địa phương nằm trong quy hoạch vành đai xanh của Thủ đô, ngay từ đầu, bài toán phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, hàng hóa được lãnh đạo xã Tích Giang quan tâm. Vốn là vùng đất có nghề trồng cây cảnh, cung cấp cây bóng mát, cây lâu năm của huyện Phúc Thọ, chương trình xây dựng NTM càng tạo thời cơ thuận lợi cho Tích Giang tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Là một trong 3 xã đầu tiên của huyện Phúc Thọ chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đến nay trên địa bàn xã Tích Giang đã bắt đầu hình thành những mô hình trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn kiểu mẫu mang hơi thở của nền sản xuất hiện đại.
Mô hình trồng hoa trong nhà lưới tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ.
Mô hình trồng hoa trong nhà lưới tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ.
Một trong những mô hình tiên phong ứng dụng nhà màng, nhà lưới vào sản xuất hoa ở Tích Giang là vườn hoa của gia đình ông Kiều Bình Huấn tại khu đồng Vông. Nằm ngay bên trục đường bê tông, khu nhà màng, nhà lưới với khung thép vững chãi của anh Huấn lúc nào cũng là tâm điểm của cánh đồng với đủ thứ hoa cúc, loa kèn, hoa ly. Anh chia sẻ, nhận thấy nhu cầu hoa cao cấp và hoa trái vụ của thị trường Hà Nội lớn, được sự hỗ trợ của UBND huyện, gia đình đã đầu tư 400 triệu đồng làm nhà màng, nhà lưới với đầy đủ hệ thống cách nhiệt và dẫn nước tự động để trồng hoa. Nhờ hệ thống hiện đại đó, cây hoa có thể sinh trưởng, phát triển tốt ngay cả trong điều kiện trái vụ, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Riêng năm đầu tiên, mô hình cho thu lãi gần 200 triệu đồng.

Ngoài anh Huấn, ở Tích Giang còn một số mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao như mô hình ươm cây giống của gia đình anh Hà Văn Chu ở xứ đồng Đòi Noi, mô hình sản xuất hoa của gia đình anh Khuất Văn Hồng ở khu đồng Sò… Đặc biệt, Tích Giang còn được coi là “thủ phủ” của cây phát lộc cung cấp cho thị trường Hà Nội, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về với rất nhiều vườn cây cảnh có giá trị cao. Sự chủ động, nhạy bén áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã và đang giúp cho Tích Giang hình thành những mô hình kinh tế đầy triển vọng.

Hỗ trợ tối đa cho người dân

Với địa bàn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, việc tìm giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân là không hề đơn giản. Thống nhất với định hướng chung của toàn huyện Phúc Thọ, xã Tích Giang đã chọn con đường đẩy mạnh phát triển sản xuất là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất. Theo đó, cùng với chú trọng nhân rộng các mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao, Tích Giang còn triển khai tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, sinh thái, bền vững.

Theo thống kê của UBND xã Tích Giang, toàn xã có 350ha đất nông nghiệp, phân ra 2 vùng rõ rệt là trong đê và ngoài đê sông Tích. Trong những năm 2013 – 2014, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, Tích Giang đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Ông Kiều Bình Thanh – Chủ tịch UBND xã Tích Giang cho biết, xã tập trung hỗ trợ giống, vốn, khoa học kỹ thuật cho Nhân dân sản xuất gắn với chế biến và hướng tới thị trường. Trong đó, sản xuất lúa chất lượng cao được ưu tiên để mang lại giá trị cao hơn. Đến nay, toàn xã đã quy hoạch được 279ha vùng lúa hàng hóa chất lượng cao. Diện tích lúa áp dụng kỹ thuật mạ khay, cấy máy đạt 20ha/vụ. Đặc biệt, xã còn tích cực chỉ đạo đưa các giống mới có chất lượng cao vào sản xuất như nếp vàng 1, Bắc thơm số 7, Hương thơm…

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả canh tác, xã Tích Giang đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ đất sản xuất nông nghiệp sang trồng hoa, cây cảnh với diện tích 7,68ha, mô hình VAC 7,89ha. Ngoài ra, trong đề án xây dựng NTM, xã cũng quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường trong khu dân cư với diện tích 20ha… Đáng chú ý, để đồng hành và hỗ trợ tối đa cho nông dân trong quá trình sản xuất, HTX Nông nghiệp Tích Giang đã tổ chức lại theo Luật HTX 2012 với nhiều dịch vụ sát với nhu cầu thực tiễn. Đến nay, HTX đang triển khai 5 dịch vụ nông nghiệp là thủy lợi, bảo vệ đồng ruộng, cày bừa, giống và bảo vệ thực vật. Ngoài ra, HTX còn đảm nhiệm dịch vụ điện và kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt, Tích Giang là một trong những địa phương có Quỹ Tín dụng Nhân dân sở hữu nguồn vốn “khủng” - trên 70 tỷ đồng và hoạt động có hiệu quả, đảm bảo cho nông dân vay vốn thường xuyên.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Tích Giang còn đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại để đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong vòng hơn 2 năm qua, xã đã phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề mở được 13 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp tại địa phương theo Quyết định 1956 của Chính phủ. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã tính đến hết năm 2015 đã đạt 29,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,1%, đáp ứng yêu cầu của tiêu chí NTM.

Tạo sự đồng thuận

Ngày 26/4 vừa qua, Tích Giang đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập xã. Đây vừa là thành tích đáng tự hào, niềm vui nhân đôi, vừa là động lực giúp cho chính quyền và Nhân dân địa phương tiếp tục ra sức phấn đấu giành nhiều kết quả thắng lợi trong giai đoạn mới. Là một trong 7 xã về đích NTM  của huyện Phúc Thọ, Tích Giang chưa hẳn đã là một xã nổi bật thực sự, nhưng cách làm sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với thực tiễn của địa phương này rất đáng được ghi nhận.

Ông Kiều Huấn - Bí thư Chi bộ cụm dân cư số 1 chia sẻ, đề án xây dựng NTM của xã được phổ biến công khai đến từng người dân. Trong quá trình triển khai, xã, thôn đều tổ chức họp, rút kinh nghiệm để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra nên Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Chẳng nói đâu xa, ngay chuyện dồn điền đổi thửa, một công việc vô cùng khó khăn đến nay vẫn chưa hoàn thành ở nhiều địa phương thì Tích Giang đã thực hiện xong từ rất sớm do có sự ủng hộ của người dân. Nhờ được vận động về hiệu quả và lợi ích lâu dài của dồn điền đổi thửa, mỗi hộ dân ở Tích Giang đã tự nguyện tham gia đóng góp 20m2/sào để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Thống kê của UBND xã cho thấy, trong vòng 2 năm 2012 – 2013, Nhân dân địa phương đã tham gia hiến hơn 170.000m2 đất nông nghiệp phục vụ quy hoạch công trình phúc lợi và hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Ngoài ra, tại các hội nghị Nhân dân trên toàn xã, bà con còn nhất trí đóng góp thêm 10kg thóc để hỗ trợ kinh phí cứng hóa kênh mương nội đồng.

Rõ ràng, sự chung tay góp sức của người dân là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong hành trình về đích NTM của Tích Giang. Nói như bà Kiều Thị Tuyết – Bí thư Đảng ủy xã, việc hoàn thành xây dựng NTM là kết quả nỗ lực của tập thể cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân địa phương đã đoàn kết, chung tay góp sức. Bà Tuyết cho biết thêm, xây dựng NTM là công việc hết sức phức tạp và khó khăn. Do đó đòi hỏi mỗi cá nhân, tập thể cần phải kiên trì trong quá trình tổ chức thực hiện, không nóng vội mà phải lấy quyền lợi chung, quy hoạch tổng thể và hiệu quả kinh tế làm tiêu chí cơ bản. Đồng thời giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực trong Nhân dân.

Dù đã đạt chuẩn NTM, song xã Tích Giang vẫn đặt mục tiêu quan trọng là giữ gìn và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Riêng trong năm 2016, xã đặt mục tiêu chuyển đổi 20ha đất trồng lúa sang mô hình chăn nuôi tập trung và chuyển 23,28ha sang mô hình trang trại VAC, trồng hoa, cây cảnh… để tăng giá trị canh tác và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần