Sự ra đời nhiều kỳ thi độc lập có làm khó thí sinh?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việc ra đời các kỳ thi độc lập trong xét tuyển đại học nhận được phản ứng tích cực của xã hội; tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thí sinh đang bị làm khó và bị tạo áp lực chính bởi sự gia tăng nhanh của các kỳ thi riêng.

Mỗi kỳ thi một định hướng khác nhau

Nền tảng cốt lõi của các kỳ thi đều là kiến thức trong chương trình THPT, tập trung chủ yếu là kiến thức lớp 12 nhưng cách thức ra đề, cấu trúc đề của mỗi kỳ thi độc lập lại rất khác nhau mà theo nhiều giáo viên và thí sinh đánh giá là kỳ thi riêng khó hơn nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh tham dự kỳ đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022
Thí sinh tham dự kỳ đánh giá năng lực ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022 (Ảnh: HNUE)

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội thi trong thời gian 195 phút. Đề thi năm 2023 gồm 3 phần (Tư duy định lượng, Tư duy định tính, Khoa học) với 150 câu hỏi trắc nghiệm khách quan và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học, Văn học – Ngôn ngữ và Khoa học tự nhiên. 

Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội có tổng thời gian làm bài là 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức hoàn toàn trắc nghiệm.

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội có đề thi kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo; đề thi không có câu hỏi mức độ nhận biết.

Kỳ thi đánh giá tuyển sinh (khối ngành Công an) có dạng đề trắc nghiệm kết hợp tự luận. Phần thi trắc nghiệm đánh giá kiến thức của thí sinh ở cả 3 lĩnh vực: Khoa học tự nhiên 25 câu; Khoa học xã hội 25 câu; Ngôn ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc) 20 câu. Ở phần tự luận, thí sinh được lựa chọn một trong hai lĩnh vực là Toán học hoặc Ngữ văn theo nguyện vọng đăng ký khi sơ tuyển.

Trường hợp thí sinh ngoài việc xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT/xét tuyển kết hợp còn đăng ký tham dự một hoặc một vài kỳ thi riêng là không hiếm gặp, điều này dễ dàng dẫn đến hiện tượng học sinh xao nhãng, lơ là bài học trên lớp theo chương trình sách giáo khoa và để tâm nhiều hơn vào việc tìm hiểu, luyện đề tham khảo của các kỳ thi riêng.

Các giáo viên cho rằng, kỳ thi riêng khó nhưng muốn đạt kết quả tốt nghiệp THPT tốt thì vẫn phải học kỹ càng, chỉn chu các bài học, kiến thức trên lớp. Không chỉ vậy, kết quả học tập trên lớp còn ảnh hưởng học bạ của học sinh. Việc bước vào giai đoạn nước rút mà thí sinh không tập trung vào học, luyện tập bài trên lớp mà chú tâm nhiều vào ôn thi các kỳ thi độc lập là lợi bất cập hại.

Không nên “tham” nhiều kỳ thi riêng

Nguyễn Hải Long, học sinh lớp 12 tại quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, mình sẽ tham dự cả kỳ Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. “Đằng nào cũng mất công ôn tập nên em muốn thử sức luôn với 2 kỳ thi. Cách thức đề thi khác nhau nhưng em tin tưởng vào năng lực của mình. Nếu đạt điểm tốt ở cả 3 kỳ thi (bao gồm cả thi tốt nghiệp), em sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp hơn. Với mỗi phương thức em sẽ chọn 1 trường phù hợp nhất”.

Thí sinh cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT
Thí sinh cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT

Mặc dù vậy, Hải Long cũng thừa nhận, ý tưởng và tinh thần thì rất hăng hái nhưng bắt tay vào ôn tập, nhất là khi còn ít thời gian nữa là đến kỳ thi chính thức, em thấy có chút hoang mang, áp lực vì bể kiến thức mênh mông, dạng đề mỗi kỳ thi lại khác biệt. “Nếu quá sức thì em có thể sẽ dừng lại ở một kỳ thi để dành sức ôn và thi tốt nghiệp”- Hải Long nói.

Tương tự là trường hợp của Nguyễn Mai Anh, học sinh lớp 12 tại quận Thanh Xuân. Mai Anh mong muốn tham dự hai kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội và đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Em có nguyện vọng học Sư phạm Toán nhưng cũng muốn tham dự cả kỳ đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia để thử sức và dự phòng.

Theo các chuyên gia, thí sinh cần xác định mục tiêu chính của mình là trường gì, ngành gì; đồng thời có thể loại bỏ tâm lý thi thử sức và không cần thiết tham gia nhiều kỳ thi riêng vì thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển.

Bày tỏ về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết: Việc thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi độc lập sẽ làm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác. Tuy nhiên, do mục đích và yêu cầu của mỗi kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi và cách thức tổ chức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau.

“Thí sinh cần xem xét đề án tuyển sinh của các trường (xét tuyển theo phương thức gì) để có kế hoạch và cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân; tránh việc chọn tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ lãng phí thời gian, công sức, gây áp lực và gánh nặng về thi cử mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, thí sinh cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng…”- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

 

Lo ngại khi có nhiều kỳ thi riêng

Việc các trường ĐH tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng phản ánh sự thiếu tin tưởng của các trường vào kết quả giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT và cách nhìn nhận chưa đầy đủ dưới góc độ hệ thống về việc tuyển sinh; đồng thời gây bối rối cho giáo viên khi phải đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục phổ thông trong khi học sinh còn bị phân tâm vào việc chuẩn bị cho kỳ thi ĐH. Các trường cần một chiến lược để thu hút được nhiều ứng viên phù hợp với đặc thù, mục tiêu đào tạo và mục tiêu phát triển của trường….- TS Nguyễn Văn Cường, chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập.

Trường nào quyết tâm trong việc tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cần có đề án chứng minh mình đủ khả năng tổ chức. Bộ GD&ĐT không nên bỏ vai trò quản lý của mình, tức Bộ phải tổ chức các hội đồng chuyên môn để đánh giá về năng lực của những trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi riêng….- TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần