Sự thật “lỗ - lãi” của taxi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện yêu cầu của liên Bộ Tài chính, GTVT về việc giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu, các DN taxi đã tiến hành điều chỉnh giá cước từ 12.500 đồng/km xuống còn 11.000 đồng/km.

Tuy nhiên, dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu mức giá trên đã phù hợp với điều kiện thực tế? Và ai là người hưởng lợi, ai là người chịu thiệt trong việc giảm giá cước của các DN taxi.

Bài 1: Gánh nặng trên vai ai?

Theo thống kê của Hiệp hội Taxi Hà Nội (HATAS), đến thời điểm này, 97% DN taxi trên địa bàn TP đã điều chỉnh giảm giá cước, 3% DN chưa giảm nhưng hoạt động cầm chừng chờ giải thể. Cũng theo đại diện HATAS, với mức giảm như trên, các DN taxi đang phải chịu thiệt cho hành khách. 

Doanh nghiệp kêu lỗ

Theo ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch HATAS, từ thời điểm ngày 22/4/2014 (giá xăng 24.900 đồng/lít) cho đến thời điểm 20/1/2015 (giá xăng 15.670 đồng/lít), giá xăng đã giảm 9.230 đồng/lít. Tương ứng với mức giảm giá xăng, các DN taxi Hà Nội đã giảm giá cước 3 lần từ 12.500 đồng/km xuống 11.000 đồng/km, tổng mức giảm 1.500 đồng/km. Việc giảm giá cước này hoàn toàn đem lại lợi ích cho khách hàng, còn các công ty taxi đang phải chịu thiệt 6.000 đồng cho 100km lưu hành. 
Người dân đón taxi  trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm.     Ảnh: Chiến Công
Người dân đón taxi trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Chiến Công
Để minh chứng điều này Chủ tịch HATAS cho biết: Khi chạy 100km, xe taxi sử dụng 7,5 lít xăng và đạt hiệu quả 50km có khách. Nếu giảm mỗi ki lô mét có khách 1.500 đồng, doanh thu sẽ giảm 75.000 đồng. Do đó, khi giá xăng giảm 9.230 đồng/lít, taxi chạy 100km sẽ giảm được chi phí 69.000 đồng (9.230 đồng/lít  x  7,5 lít xăng). Nếu so sánh giữa doanh thu giảm và chi phí nhiên liệu giảm do giá xăng khi xe chạy 100km, lợi nhuận của DN taxi giảm 6.000 đồng. Như vậy, khách hàng chính là đối tượng được hưởng lợi về việc giảm giá cước taxi khi xăng giảm giá.

Lý giải về việc chậm giảm giá cước của các DN taxi, ông Bình cho biết, để giảm giá cước, các DN phải gửi hồ sơ đăng ký giảm giá với các cơ quan chức năng, nếu được chấp thuận sẽ cho xe tạm dừng, cài đặt đồng hồ, kiểm định đồng hồ, in lại bảng giá, thông báo với khách hàng (chi phí khoảng 500.000 đồng/xe/lần cài đặt). Đối với một đơn vị có 200 đầu xe, chi phí cho 3 lần điều chỉnh giá cước sẽ mất khoảng 300 triệu đồng, đây là một khoản chi phí phát sinh quá lớn mà DN taxi phải chịu.

Muôn kiểu... lách luật

Khi trao đổi với các chuyên gia, hầu hết đều cho biết, nếu chỉ nhìn qua cách tính toán, lập luận của Chủ tịch HATAS, nhiều người có thể lầm tưởng, hành khách đang là người được hưởng lợi từ việc giảm giá cước taxi. Nhưng thực tế, cách tính vo nêu trên là chưa chính xác. Đơn cử như hãng taxi Group, với loại xe 5 chỗ có giá mở cửa cho 0,3km đầu tiên là 12.000 đồng, từ mốc đó đến hết ki lô mét thứ 32 là 13.900 đồng, từ ki lô mét 33 là 11.000 đồng. Với cách tính này, chỉ 50km vận hành đã có giá 598.900 đồng, mà nếu theo cách tính của ông Bình thì chỉ có 11.000 đồng x 50km = 550.000 đồng. Sự chênh lệch giữa thực tế và bài toán mang nhiều tính chủ quan của vị Chủ tịch HATAS cho thấy, dù cách này hay cách khác, hành khách khó mà biết được DN taxi lỗ hay lãi? 

Hơn nữa, khoản tiền bù giá nhiên liệu 6.000 đồng mà ông Bình nêu ra, thực tế do ai gánh chịu, DN, hành khách hay lái xe? Chuyện đó còn phải tính đến một yếu tố rất quan trọng khác là mối quan hệ kinh tế ngặt nghèo mà các DN taxi áp đặt qua cách quản lý, hạch toán kinh doanh của mình trên các lái xe - lực lượng lao động trực tiếp kiếm tiền cho DN.

Tiếp đó, trở lại thời điểm tháng 8/2012 khi giá xăng RON 95 là 23.500 đồng/lít, xăng RON 92 là 23.000 đồng/lít, các DN đã điều chỉnh giá cước lên 11.000/km, bằng với thời điểm hiện nay (khi giá xăng là 15.670đồng/lít). Lý giải về điều này, ông Bình cho biết, khi ban hành mức độ giảm giá cước, ngoài việc thực hiện theo giá xăng, dầu, mức giảm còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng xe, chất lượng phục vụ, điều kiện kinh tế - xã hội… để đảm bảo cuộc sống của người lái xe. Cách giải thích mơ hồ đó chưa thể làm rõ các vấn đề: Liệu DN có thực sự lỗ? Nếu lỗ tại sao vẫn kinh doanh?

Việc điều chỉnh giá cước vận tải nói riêng và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh là một trong những biện pháp mà Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Điều chỉnh ở đây là để phù hợp thực tế, đảm bảo lợi ích cho cả DN lẫn hành khách, người lao động, không phải chỉ chăm chăm bảo hộ quyền lợi cho riêng ai. Vẫn biết, ngoài chi phí nhiên liệu, xe taxi còn một số chi phí khác cần trang trải như khấu hao cơ bản, mạng lưới liên lạc, lương, thuế, sửa chữa… 

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ làm rõ các yếu tố này trong bài sau để minh chứng chuyện "lỗ - lãi" thực chất là gánh nặng trên vai ai?

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần