Sự thật phũ phàng

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc xảy ra cách đây đã 3 tuần nhưng dư âm xem ra vẫn dai dẳng và có thể ám ảnh dài lâu EU, đồng thời phơi bày thực trạng chẳng hay ho gì về bình đẳng giới trong nội bộ EU.

Vụ việc lại trở nên thời sự khi chính người trong cuộc là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khơi dậy nó. Đấy là chuyện bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu phải ngồi ở sofa khi gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Bà Ursula Gertrud von der Leyen coi việc chính mình bị đối xử lễ tân như thế là biểu hiện thời sự nhất và xác thực nhất về tình trạng bình đẳng giới tồi tệ trong EU. Bà Chủ tịch Ủy ban EU không trách cứ phía Thổ Nhĩ Kỳ mà ám chỉ việc Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel đã để mình phải ngồi ở sofa chứ không ngang bằng với ông Michel và ông Erdogan.

Ở đây, bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu dùng cảm nhận của cá nhân để thể hiện sự thật cay đắng và phũ phàng trong EU về bình đẳng giới. Không cay đắng và phũ phàng sao được đối với phụ nữ trong EU khi người đứng đầu Ủy ban châu Âu với uy danh và quyền hành như thế còn bị phân biệt đối xử hoặc thậm chí coi thường thì những người phụ nữ không có chức sắc và chỉ bình thường thôi sẽ ra sao.
Không bi hài sao được khi EU trong mọi phát ngôn chính thức đều đề cao bình đẳng giới như một trong những giá trị cơ bản và luôn thúc ép các đối tác phải thực hiện bình đẳng giới thực sự. Nhưng rồi trên thực tế, bản thân EU lại không được như vậy hoặc không thực hiện. Vụ việc kia cho dù được cả phía ông Michel lẫn phía Thổ Nhĩ Kỳ biện giải như thế nào đi chăng nữa, sự thật này vẫn đều làm cho uy danh và thể diện của EU bị tổn hại nghiêm trọng trên thế giới.

EU như thế tự vạch áo cho người xem lưng nhưng EU cũng còn như thể nhận được sự cảnh tỉnh cần thiết để tự thay đổi và khắc phục những bất cập hay sai sót trên phương diện thực hiện bình đẳng giới thật sự. Chuyện lễ tân ngoại giao này bây giờ chính thức trở thành chuyện chính trị nội bộ nhạy cảm và phức tạp đối với EU.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần