KTĐT - Thật may cho Cộng hòa Fiji hay bất kỳ quốc gia nào là thuộc địa của Anh xưa kia nay bị mất tài liệu quan trọng đều có thể tìm lại một bản sao lưu đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Anh, tại thành phố Kew.
Ngày 10/10 vừa qua, ở một quốc đảo nhỏ bé trên Thái Bình Dương có một sự kiện trọng đại đối với gần 900.000 người.
Đó là ngày mà tiểu quốc Fiji với diện tích 18.274km2 kỷ niệm 40 năm độc lập. Đại lễ của một đất nước nhỏ bé, ít dân như Fiji thường chẳng để lại dấu ấn gì trong dư luận toàn cầu. Nhưng năm nay thì khác, bởi một sự thật “động trời” vừa được tiết lộ.
Độc lập – bằng chứng đâu?
Cộng hòa Fiji là một đảo quốc ở phía nam Thái Bình Dương, gồm gồm 322 hòn đảo lớn nhỏ - trong đó 2 đảo chính là Viti Levu và Vanua Levu, thủ đô là Suva. Diện tích của Fiji là 18,274 km² với dân số 837.271 người (số liệu 2007).
Đó là câu hỏi mà người thích đùa có thể “hỏi xoáy” bất kỳ công dân Fiji nào trong những ngày này. Lý do: Đài phát thanh Fiji mới đây đã xác nhận việc nước này làm mất văn kiện độc lập – tài liệu duy nhất chứng minh Fiji tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc năm 1970 do Thái tử Charles cấp.
Giám đốc cơ quan lưu trữ quốc gia Fijji, bà Salesia Ikaniwai, thừa nhận văn kiện quan trọng này đã thất lạc suốt hơn 5 năm qua. Mọi nỗ lực phối hợp tìm kiếm đều trở nên vô vọng nên chính phủ Fiji đã gửi công hàm đề nghị Anh cấp một văn bản khác thay thế.
Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 1 triệu người thăm Trung tâm lưu trữ quốc gia ở Washington DC. Hầu hết chỉ muốn tận mắt nhìn thấy vật chứng lịch sử ghi nhận nền độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ hơn 200 năm trước. Lập năm 1776, tài liệu viết trên giấy da này được bảo quản trong một tủ kính chống đạn, đặt ở căn phòng được kiểm soát nhiệt độ nhằm gìn giữ tốt nhất cho các thế hệ sau.
Với Fiji, việc làm mất thứ tài sản vô giá của cả một đất nước là điều đáng bị chỉ trích. Tuy nhiên, ngay lúc này, giới truyền thông phương Tây, đặc biệt là ở Anh, đang đặt ra câu hỏi: Không có “giấy khai sinh”, liệu nền độc lập của tiểu quốc nhỏ bé này có bị đe dọa?
Rắc rối hy hữu
Quyền độc lập tự chủ của Fiji hầu như không bị sứt mẻ gì. Đó là quan điểm của giáo sư luật quốc tế Catherine Redgwell thuộc University College London. Ông này nói: “Nếu Fiji đã được công nhận là một quốc gia và tham gia đầy đủ vào cộng đồng quốc tế thì việc mất văn kiện sẽ không ảnh hưởng đến sự tồn tại (với tư cách là một nước độc lập) của nó”.
Luật năm 1970 do Quốc hội Vương quốc Anh thông qua đã công nhận nền độc lập của quốc đảo Thái Bình Dương này. “Từ ngày 10/10/1970 trở về sau, chính phủ Anh không có trách nhiệm gì với chính phủ Fiji” – luật ghi rõ.
“Hơn nữa, văn kiện độc lập cũng chỉ là vật biểu trưng. Ví như chuyện bạn mất giấy khai sinh thì cũng không có nghĩa là bạn biến mất khỏi cuộc đời, nên cũng không ai dám xâm phạm bạn cả”, Roda Mushkat - một vị giáo sư luật học khác đồng tình.
Và thật may cho Cộng hòa Fiji hay bất kỳ quốc gia nào là thuộc địa của Anh xưa kia nay bị mất tài liệu quan trọng đều có thể tìm lại một bản sao lưu đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Anh, tại thành phố Kew. Cũng tại bảo tàng này, văn kiện độc lập của một tiểu quốc khác là Cộng hòa Haiti đã được tìm thấy, khẳng định nền độc lập của quốc gia này đã có từ hơn 200 năm trước.