Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến

Sửa đổi chính sách để hỗ trợ sản xuất cho 4 triệu nông dân Thủ đô

Trọng Tùng - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/3, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2023. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU chủ trì hội nghị.

Huy động gần 43.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, năm 2022 và quý I/2023, cơ quan thường trực Chương trình số 04 của Thành uỷ Hà Nội đã tập trung công tác thẩm định huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Theo đó, đến nay Hà Nội có thêm 63 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 38 xã so với kế hoạch TP giao), 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu (đạt kế hoạch TP giao).

2 huyện Ứng Hoà và Ba Vì đã đủ điều kiện nên Sở đang tham mưu UBND TP Hà Nội tổ chức họp Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia bỏ phiếu để trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Huyện Mỹ Đức đã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ trình Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội để thẩm tra trong tháng 3/2023.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới đến quý I/2023 tại hội nghị.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới đến quý I/2023 tại hội nghị.

Bên cạnh kết quả xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân nông thôn cũng không ngừng được cải thiện. Trong năm 2022 và quý I/2023, TP tập trung giải quyết việc làm cho gần 28.000 lao động. Thu nhập bình quân của người nông dân đạt hơn 56,3 triệu đồng/người/năm. Đến đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,17%; trong đó, 5 huyện không còn hộ nghèo gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì. Đa số hộ dân có nhà ở kiên cố, khang trang…

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình số 04 từ năm 2021 đến quý I/2023 là 42.903 tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước lên tới 2.598 tỷ đồng (chiếm 6,1% tổng nguồn vốn huy động). Trong đó, nguồn vốn do Nhân dân đóng góp  gần 655 tỷ đồng. Một số huyện có nguồn lực huy động ngoài ngân sách lớn như: Hoài Đức 141,5 tỷ đồng, Ba Vì 85 tỷ đồng, Sóc Sơn 84 tỷ đồng, Mỹ Đức 84 tỷ đồng…

Nhiều vấn đề nóng cần giải quyết

Tại hội nghị, đại biểu một số địa phương đã cho ý kiến xung quanh nhiều nội dung cũng như đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành uỷ Hà Nội để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu năm 2023.  Theo Bí thư Huyện uỷ Ba Vì Dương Cao Thanh, vấn đề môi trường trong chăn nuôi hiện nay đang rất cấp thiết. Thời gian qua, TP đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này.

Cụ thể huyện Ba Vì, việc xử lý môi trường trong chăn nuôi bò sữa vẫn rất khó khăn. “Lãnh đạo địa phương đã đi thăm quan mô hình ở TH True Milk, Vinamilk… nhưng vẫn chưa có được giải pháp phù hợp để xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Do đó, chúng tôi kiến nghị TP cần có nghị quyết với cơ chế hỗ trợ đặc thù cho nội dung này…” – ông Dương Cao Thanh nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đi thăm mô hình thực tế tại huyện Đông Anh.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đi thăm mô hình thực tế tại huyện Đông Anh.
 

“Cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hiện nay cần thay đổi, phải hướng về cơ sở và phù hợp với điều kiện thực tế của người nông dân…”

Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Vũ Đức Bảo

Vấn đề số hoá nông nghiệp cũng được các đại biểu quan tâm. Bí thư Huyện uỷ Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị sản xuất, chuẩn hoá sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết nhằm nâng giá trị cho nông sản, hàng hoá. Địa phương này mong muốn TP có thêm cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển các sản phẩm số hoá, nhất là trong lĩnh vực du lịch nông thôn,  phát triển sản phẩm làng nghề… 

Nhiều đại biểu cũng đề xuất TP cần sớm có giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán nước sạch nông thôn. Thực tế tại nhiều địa phương, việc kêu gọi xã hội hoá đầu tư nước sạch ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa là rất khó khăn. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ từ TP.

Liên quan đến một số kiến nghị của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết các ý kiến đóng góp đều rất xác đáng, đặc biệt là về vấn đề môi trường nông thôn, nước sạch cho người dân và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

“Hiện nay, TP đang nghiên cứu để tập trung quy hoạch chăn nuôi lớn nhằm xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. TP cũng sẽ nghiên cứu áp dụng mức hỗ trợ cao nhất theo quy định chung của Trung ương để hỗ trợ nông dân các địa phương phát triển kinh tế…” - ông Nguyễn Mạnh Quyền thông tin thêm.

Xây dựng cơ chế, chính sách hướng đến người dân

Trong buổi sáng 17/3, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và đoàn công tác đã đi thăm một số mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại huyện Đông Anh. Theo Thường trực Thành uỷ, đây là những mô hình tốt mà 18 huyện, thị xã có thể tiếp cận, học hỏi cách làm.

Đánh giá về kết quả Chương trình số 04 trong quý I/2023, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, TP đã có nhiều cố gắng, nhưng để đáp ứng yêu cầu của Bí thư Thành uỷ và Ban Thường vụ Thành uỷ thì vẫn còn những vấn đề cần lưu tâm.

Một số vấn đề được Thường trực Thành uỷ nêu cụ thể như: Tại nhiều địa phương hiện nay chưa quan tâm đầu tư cho hạ tầng sản xuất. Vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư theo quy hoạch, vấn đề môi trường, nước sạch nông thôn cũng còn rất khó khăn.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nhìn chung còn chậm và vướng nhiều rào cản; đặc biệt,  tích tụ ruộng đất là vấn đề còn hết sức nan giải. Vai trò của kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã, dù đã cố gắng nhưng chưa rõ nét. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn xây dựng nông thôn mới còn thấp…

Đối với nhiệm vụ trong những quý tiếp theo của năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương sớm rà soát tiêu chí để hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 3 huyện: Ứng Hoà, Ba Vì, Mỹ Đức, và phấn đấu 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

“Hà Nội đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các huyện, thị xã. Dù xác định không chạy theo số lượng huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiêu mẫu, nhưng các địa phương được TP giao chỉ tiêu cần phấn đấu cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ…” - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nêu rõ.

Liên quan đến tổ chức sản xuất, Thường trực Thành uỷ đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tập trung rà soát, sớm đề xuất cơ chế, chính sách để hướng tới gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Đặc biệt là khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sát sườn cho hơn 4 triệu nông dân trên địa bàn Thủ đô.

“Căn cứu các nghị quyết của Trung ương, Hà Nội sẽ nghiên cứu, đề xuất HĐND TP Hà Nội sửa đổi Nghị quyết số 10/NQ-HĐND theo tinh thần là hướng về cơ sở, hướng về người nông dân, để cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn…” - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.  

 

Năm 2023, Hà Nội phấn đấu trình Trung ương công nhận 3 huyện còn lại (Ứng Hoà, Ba Vì, Mỹ Đức) đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thiện hồ sơ 5 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Thanh Oai) đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn TP có thêm 61 xã nông thôn mới nâng cao và 33 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng trưởng nông nghiệp từ 2,5 - 3%. Thu nhập bình quân của người dân đạt 70 triệu đồng/người/năm.