Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, quản lý sử dụng đất đai là một trong 9 nhóm vấn đề quan trọng được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” vừa diễn ra tại Hà Nội. Báo Kinh tế & Đô thị trích ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học gửi tới hội thảo.
PGS.TS Lê Đức Tình (Trường Đại học Mỏ - Địa chất):
Phân quyền cho Hà Nội trong việc chuyển mục đích sử dụng đất
Qua 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn một số hạn chế trong các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư.
Nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác giải phóng mặt bằng vô cùng khó khăn là do mức đền bù thấp hơn quá nhiều so với giá thị trường. Việc duy trì quá lâu cơ chế hai giá trong tính toán bồi thường giải phóng mặt bằng và hạch toán chi phí đất đai đầu vào cho các doanh nghiệp thuê đất, công tác bồi thường thu hồi đất giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, mâu thuẫn.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Nội, cần quy định một số nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nhằm tạo cơ chế linh hoạt cũng như bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, người dân.
Vì thế, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tính đến việc phân quyền cho HĐND, UBND TP Hà Nội trong việc chuyển mục đích sử dụng đất nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động, linh hoạt cho TP Hà Nội. Ngoài ra, cho phép Thủ đô được thành lập mới doanh nghiệp do Thủ đô nắm giữ 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện trách nhiệm quản lý, khai thác quỹ đất của Thủ đô.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga (Trường Đại học Luật Hà Nội):
Có cơ chế đặc thù về chuyển mục đích sử dụng đất
Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại cho các mục đích khác tại Hà Nội được phân quyền cho chính quyền thành phố trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Thủ đô năm 2012.
Tuy nhiên, việc thực thi Luật Thủ đô năm 2012 về hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại sang mục đích khác trên thực tế còn tồn tại nhiều bất cập và cần tiếp tục được sửa đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý đất đai nói chung và bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng các loại nói riêng trong bối cảnh diện tích các quỹ đất này đang bị thu hẹp, chuyển sang mục đích khác không tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị.
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về phân quyền cho TP Hà Nội trong hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại sang mục đích khác thì cần làm rõ các nội dung pháp luật liên quan. Đó là thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất; thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; cần có cơ chế đặc thù về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác.
Việc bảo vệ quỹ đất trồng lúa, đất rừng các loại hiện nay là cần thiết nhằm bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên. Việc sửa đổi và có những quy định cụ thể như trên trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là quan trọng, bởi đây không chỉ tạo được cơ chế pháp lý chặt chẽ trong quá trình chấp thuận và quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại sang mục đích khác của chính quyền Hà Nội mà quan trọng hơn là vấn đề bảo đảm được tính hiệu quả trong quá trình sử dụng đất của người dân.
Vì thế, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có cơ chế đặc thù để chính quyền thành phố chủ động trong việc khảo sát, đánh giá tính hiệu quả của việc giữ diện tích đất trồng lúa tại từng vị trí cụ thể; qua đó chính quyền cũng sẽ chủ động trong chuyển đổi chỉ tiêu, cơ cấu sử dụng đất lúa sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao.
PGS.TS Nguyễn Bá Long - Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và phát triển nông thôn (Trường Đại học Lâm nghiệp):
Lấy ý kiến cộng đồng trong quy hoạch sử dụng đất
Lấy ý kiến cộng đồng là yêu cầu tất yếu trong công tác quản lý nhà nước nói chung và trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai nói riêng. Mục đích tham vấn để tăng cường dân chủ và minh bạch trong quản lý nhà nước.
Việc tham vấn cộng đồng trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được đề cập ở một số nội dung liên quan tới việc lập quy hoạch, thẩm định quy hoạch phân khu đô thị do nhà đầu tư đề xuất. Việc tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng dân cư cần được xem xét, lồng ghép cả trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật nói chung, trong đó có Luật Thủ đô (sửa đổi).
Liên quan quản lý đất đai, Khoản 1 Điều 29 quy định: Nhà nước, người dân, nhà đầu tư trong các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao được chia sẻ lâu dài nguồn thu từ các dự án. Đây là quan điểm rất mạnh dạn, đột phá về bảo vệ sinh kế bền vững cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần làm rõ người dân là chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi hay liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, góp đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội:
Đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Đất đai
Liên quan quy định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thủ đô… (Khoản 2 Điều 29), chúng ta chưa thấy được rõ ràng cơ chế đặc thù mà Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dành cho Hà Nội trong quản lý và sử dụng đất. Dường như nội dung Điều 29 về quản lý và sử dụng đất của dự thảo Luật chưa thể chế hóa và làm nổi bật cơ chế đặc thù được thể hiện trong Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất của khoản 2 Điều 29 dự thảo Luật có nội hàm hẹp hơn quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Điều 61, Điều 62; từ Điều 74 - Điều 94 Luật Đất đai năm 2013. Các điều luật này của Luật Đất đai năm 2013 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng.
Như vậy, Luật Đất đai năm 2013 quy định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không chỉ trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn đối với trường hợp thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh. Hơn nữa, theo pháp luật đất đai hiện hành, người bị thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không chỉ được bồi thường mà còn được hỗ trợ, tái định cư.
Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Luật Đất đai năm 2013 và đảm bảo sự tương thích trong nội dung quy định của khoản 2 Điều 29 thì vế đầu tiên của khoản này nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thủ đô phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây...”.