70 năm giải phóng Thủ đô

Sữa học đường mang lại nhiều giá trị cho sự phát triển của trẻ

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chương trình Sữa học đường (SHĐ) đem lại nhiều sức khỏe cho trẻ em và đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, SHĐ đã được triển khai nhiều năm ở các nước như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan…

Thời gian qua, việc triển khai chương trình SHĐ tại Hà Nội cũng như các tỉnh/TP trên cả nước đã đạt được những con số "ấn tượng". Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình SHĐ theo Thông tư của Bộ Y tế mới ban hành là rất cần thiết.
Xoay quanh nội dung này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.
SHĐ mang lại nhiều giá trị cho sự phát triển của trẻ.

Thưa TS, tại sao Thủ tướng Chính phủ lại quyết định sử dụng sữa tươi cho Chương trình SHĐ mà không phải các loại sữa dạng lỏng khác?
Trước tiên, tôi phải nhấn mạnh, Chương trình SHĐ đem lại nhiều sức khỏe cho trẻ em và đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, SHĐ đã được triển khai nhiều năm ở các nước như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan…
Tại các nước theo từng thời gian ở mỗi giai đoạn có những giai đoạn, họ dùng sữa công thức, có những giai đoạn họ tự dùng sữa nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sử dụng sữa nước là tốt nhất. Bởi yếu tố này liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của các trẻ. Sữa đưa vào cơ thể không chỉ để béo mà đây còn là một thức ăn đem lại sự hấp thụ tốt cho trẻ. Đặc biệt, sữa được bổ sung các vi chất liên quan đến phát triển chiều cao của trẻ.
Có thể thấy, cân nặng của con người sẽ thay đổi trong cả cuộc đời. Nhưng riêng chiều cao thường tập trung nhiều vào giai đoạn trước 20 tuổi. Có những giai đoạn phát triển chiều cao rất quan trọng, đơn cử như 1.000 ngày đầu đời. Còn giai đoạn thứ hai chính là giai đoạn học đường. Hết giai đoạn học đường (sau 20 tuổi), dẫu chúng ta có làm mọi giải pháp để phát triển chiều cao nhưng hầu như không hiệu quả.
Qua đó, có thể thấy, chiều cao liên quan đến lứa tuổi và loại sữa sử dụng. Các nước trên thế giới hiện nay sử dụng sữa tươi. Bởi sữa tươi cung cấp năng lượng nhưng nó không có hàm lượng, năng lượng quá lớn. Chính vì vậy, sữa tươi có thể áp dụng được cho đại trà các học sinh, đảm bảo tình trạng phát triển tốt, cung cấp dinh dưỡng tốt cho trẻ em, không gây ra những vấn đề liên quan đến thừa cân béo phì.
Tiêu chuẩn chung cho SHĐ vừa được công bố sau nhiều năm nghiên cứu. Trong đó, SHĐ phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng. Vậy TS đánh giá như thế nào về điều này?
Đây là chủ đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Vừa qua, trên các mạng xã hội cũng như các phương tiện thông tin truyền thông có một số trao đổi, thảo luận về vấn đề này.
Đầu tiên, phải khẳng định, cơ thể chúng ta hàng ngày cần rất nhiều các loại vitamin và khoáng chất cho sự phát triển. Thứ hai, trong thực phẩm cũng có rất nhiều loại vi chất. Đơn cử như trong sữa tươi khi chưa bổ sung đã có mặt rất nhiều loại vi chất (9 loại khoáng chất và hơn 20 loại vitamin).
Tuy nhiên, thời gian qua có sự trao đổi là 3 vi chất hay 21 vi chất. Thời điểm đưa ra 3 vi chất được nhấn mạnh trong chương trình SHĐ chỉ là 3 vi chất quan trọng nhất hướng tới mục tiêu tăng trưởng chiều cao, phòng chống thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em. Nhưng để hiệu quả thì phải cần nhiều hơn thế.
Theo WHO, hiện nay yếu tố phát triển chiều cao của trẻ gồm 3 khoáng chất (sắt, kẽm, canxi) và 3 vitamins (A,D,K2). Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác. Đó là các chất tham gia vào quá trình hấp thu và chuyển hóa của 6 chất quan trọng đó. Như vậy, danh mục vi chất sẽ có nhiều hơn. Một số vi chất được coi là quan trọng, trong khuyến nghị của Bộ Y tế đã đưa ra đề nghị bổ sung thêm làm hàm lượng tăng lên chứ không phải là không có trong sữa bò.
Một số quan điểm cho rằng vi chất là tốt, bổ sung càng nhiều vi chất càng tốt, từ góc độ một nhà khoa học, TS có nhận xét gì về điều này?
Vi chất rất quan trọng, rất tốt bởi nó liên quan đến sự tăng trưởng của trẻ. Thiếu vi chất được gọi “nạn đói tiềm ẩn”. Vì vậy, bổ sung vi chất là một giải pháp tốt.
Thực tế, trong nhiều năm nay, Việt Nam đã bổ sung vitamin A cho trẻ em theo lứa tuổi (theo khuyến nghị của WHO, từ 6 - 60 tháng tuổi. Còn ở Việt Nam, tại các vùng miền núi khó khăn, vitamin A sẽ được bổ sung theo phác đồ của WHO; tại các tỉnh/TP, áp dụng từ 6 - 36 tháng tuổi). Hay đó còn là các chương trình bổ sung sắt, những khuyến nghị của WHO về bổ sung kẽm cho trẻ bị tiêu chảy…
 TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải bổ sung vi chất càng nhiều càng tốt, quan trọng nhất là đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay, theo các nghiên cứu, tỷ lệ trẻ em Việt Nam thiếu vi chất khá nhiều. Đó là do khối lượng thức ăn, chất lượng bữa ăn của trẻ chưa đầy đủ. Chính vì vậy, chúng ta cần bổ sung vi chất cho trẻ, nhưng chuyên gia khuyến nghị bổ sung đủ theo nhu cầu hàng ngày của trẻ.
Bộ Y tế cũng cho rằng, trong tất cả các loại vi chất đưa hàm lượng ra sao đều được tính toán theo nhu cầu hàng ngày của trẻ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bản thân trẻ đã đủ chất, liệu bổ sung vi chất có thừa không? Thực ra, việc đủ chất nằm trong một giới hạn rất rộng. Ví dụ, các chất đưa ra chỉ chiếm bao nhiêu tỷ lệ phần trăm. Nên khi kết hợp cùng bữa ăn, các chất hoàn toàn nằm trong giới hạn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Xung quanh câu chuyện sản phẩm sữa tươi dùng cho Chương trình SHĐ, nhiều phụ huynh đang rất quan tâm đến vấn đề bổ sung vi chất. Vậy xin TS cho biết việc bổ sung vi chất vào thực phẩm nói chung, sữa tươi cho chương trình SHĐ nói riêng phải tuân thủ quy trình/nguyên tắc nào?
Đầu tiên, các vi chất cần phải được xác định là có lợi cho sức khỏe. Danh mục của 21 vi chất cũng đã được đưa ra và đó là những vi chất có lợi cho sức khỏe của trẻ em.
Thứ hai, liên quan đến hàm lượng, thực tế, hàm lượng cùng với bữa ăn đáp ứng đủ nhu cầu, nằm trong giới hạn an toàn (giới hạn an toàn rất rộng).
Ví dụ, vitamin C là một vitamin quan trọng. Nhu cầu đặt ra là 80mg/ngày thì thông thường trong một hộp sữa, vitamin C được đặt ở mức rất thấp (chỉ 6,4mg/1 hộp 100ml). Tuy nhiên khi cộng cùng bữa ăn, lượng vitamin C dần dần đạt được ngưỡng 80mg/ngày.
Phụ huynh cũng không nên lo vượt ngưỡng 80mg/ngày ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vitamin C là một vitamin tan trong nước, nếu thừa thì loại vitamin này được đào thải qua nước tiểu (cho đến nay, người ta cũng không đặt ra liều độc của nó).
Thông thường, chúng ta vẫn uống một viên C sủi với hàm lượng 500mg, cao gấp 7 lần của ngưỡng nhu cầu tăng hàng ngày. Chuyên gia chỉ khuyến cáo, nếu dùng cao quá, trong quá trình lâu dài, có thể gây ra những vấn đề không tốt cho sức khỏe (như sỏi thận).
Trong khi đó, một hộp SHĐ cung cấp chỉ có khoảng 6mg vitamin C, chiếm 10 - 15% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Như vậy, phải uống tới 10 hộp sữa mới đủ lượng vitamin C trong một ngày. 80 hộp mới bằng 1 viên C sủi. Với hàm lượng như vậy trong hộp SHĐ sẽ không bao giờ có chuyện gây hại cho sức khỏe các em, mà chỉ tham gia vào hỗ trợ hấp thu sắt.
Danh sách các loại vitamin, khoáng chất do Bộ Y tế quy định với hàm lượng cụ thể.

Thực tế cho thấy, hiện nay, một số trường các bữa ăn mang năng lượng quá cao dẫn đến tỷ lệ học sinh béo phì, trong khi, cũng có không ít tỷ lệ học sinh thấp còi, suy dinh dưỡng. Vậy theo TS, ngoài sữa nên bổ sung những thực phẩm nào để nâng cao thể chất của trẻ em Việt Nam?
Theo tôi, ngoài sữa nên bổ sung một số vi chất quan trọng canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D và K2. Ngoài ra, còn rất nhiều vitamin khác tham gia vào quá trình đó.
Đơn cử như, sắt có vai trò chính trong cải thiện tình trạng thiếu máu. Tuy nhiên, nếu muốn cơ thể tăng cường hấp thu sắt tại ruột non và huy động sử dụng sắt dự trữ từ gan cần có vitamin A, vitamin B2, vitamin C. Quá trình tổng hợp hồng cầu ngoài sắt cũng cần axit folic, vitamin B12...
Ngoài ra, muốn thành mạch tốt, giảm mất máu cần vitamin E, vitamin C. Như vậy, để giải quyết tình trạng thiếu máu, cơ thể không chỉ cần có sắt mà cần nhiều vitamin và khoáng chất cùng tham gia vào quá trình này.
Tương tự, để tăng mật độ xương cho trẻ em, canxi đóng vai trò quan trọng nhất. Để hấp thu canxi, cơ thể phải có vitamin D. Khi vào máu, để đưa canxi đến xương, cơ thể cũng cần vitamin K2.
Như vậy, danh mục 21 vi chất Bộ Y tế đưa ra hoàn toàn phù hợp đối với nhu cầu của trẻ không chỉ trong ly sữa mà nó còn quan trọng trong cả các loại thực phẩm khác.
Xin trân trọng cảm ơn TS!