"Sữa này được bổ sung thêm một số vi chất theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia để tăng chiều cao và phát triển thể lực cho trẻ, lượng bổ sung phù hợp với từng lứa tuổi trong học đường" - ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Phạm Xuân Tiến cho biết thêm, việc khuyến khích các gia đình cho con uống sữa trong chương trình Sữa học đường là hoàn toàn tự nguyện. Bởi có những trẻ cơ địa dị ứng sữa sẽ không thể tham gia. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm lại truyền đạt lại cho học sinh là bắt buộc khiến phụ huynh bức xúc. "Vấn đề phải tuyên truyền cho phụ huynh hiểu ý nghĩa của chương trình và nhà nước đã phải đầu tư như thế nào cho việc này" – ông Phạm Xuân Tiến nói.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, việc các gia đình đã chủ động bổ sung sữa nhập ngoại cho con em, ông Phạm Xuân Tiến lý giải, chưa chắc sữa nhập ngoại đã có đủ các thành phần còn thiếu theo khuyến nghị của chương trình sữa học đường tại Việt Nam. "Hiện chúng tôi mới phát hành hồ sơ thầu, 1/10 mới đóng thầu nhưng chúng tôi khẳng định phải hãng sữa lớn mới đáp ứng nhu cầu. Mà đã là hãng sữa lớn phải đảm bảo về ATTP. Bởi chỉ 90% học sinh tham gia thì đã có tới 1 triệu hộp sữa tiêu thụ một ngày nên nếu để xảy ra vấn đề gì thì hãng sữa này sẽ phá sản. Do vậy phụ huynh hãy hoàn toàn yên tâm. Theo chương trình này, học sinh phải uống sữa tại trường, mang về nhà sẽ không biết trẻ có uống hay không. Sau khi uống trẻ có thể mang vỏ hộp sữa về cho bố mẹ kiểm tra thành phần, hạn sử dụng. Tôi khẳng định sẽ không thể xảy tình trạng sữa hết hạn. Các trường lớn, hãng sữa phải cung cấp hàng ngày, các trường nhỏ phải đảm bảo yêu cầu kho bảo quản" - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định.