Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa Luật Đất đai: Quan tâm quyền lợi người dân trong thu hồi đất

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/2, Liên hiệp Các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”.

Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 29/11/2013 (tại Kỳ họp thứ 6) và có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2014. Sau hơn 8 năm tổ chức triển khai, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây nhiều cản trở, vướng mắc trên thực tế.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Dự thảo Luật Đất đai 2013 sau nhiều lần được tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu, sửa đổi và gần đây nhất là Dự thảo ngày 5/1/2023 (tiếp thu sau Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV tháng 11/2022. Đến thời điểm hiện nay, đây được coi là bản dự thảo tiếp thu một cách đầy đủ, toàn diện nhất các ý kiến góp ý từ các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và giới nghiên cứu. Có nhiều ý kiến đã được tiếp thu và chỉnh sửa thể hiện những quan điểm mới, những sửa đổi bám sát với yêu cầu của thực tiễn hơn, giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng trên thực tế.

Ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban han hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tiếp tục tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quan tâm chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, các đại biểu đề xuất, cần quan tâm quyền lợi người dân trong thu hồi đất. TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đây là tồn tại cần quan tâm và giải quyết để thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật. Trong Dự thảo Luật về thu hồi đất đã xác định trong chương VI với 11 điều. Về cơ bản đã có nhiều đổi mới bám sát định hướng đã xác định.

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

“Tuy nhiên, còn một số nội dung cần lưu ý. Đối với thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng: Đã cụ thể hóa song với nhà công vụ, nhà khách nên tuân theo quy định về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở. Đối với thu hồi đất và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia (Điều 78 Dự thảo) cần quy định rõ với dự án khu đô thị với khái niệm bao gồm cả xây dựng nhà ở thương mại, chỉnh trang…” - TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất.

Đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất

Theo luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội, liên quan thu hồi đất, trưng dụng đất, Dự thảo đã quy định cụ thể, chi tiết những trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất. Căn cứ, thẩm quyển thu hồi đất và quy trình thu hồi đất và trình tự thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên còn một số quy định chưa rõ ràng, khó thực hiện.

Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến góp ý tại hội thảo
Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến góp ý tại hội thảo

Về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Dự thảo đã quy định hợp lý, sát thực tiễn, xử lý nhiều bất cập, vướng mắc của Luật Đất đai hiện hành về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

“Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần cụ thể hóa tiêu chí “Điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” quy định tại khoản 2 Điều 89 để cho quy định này được thực hiện trong thực tiễn; đồng thời, bổ sung câu “đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất” vào sau cụm từ “của pháp luật” tại khoản 5 Điều 89” - luật sư Nguyễn Hồng Tuyến đề xuất.

Hạn chế các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Góp ý tại hội thảo, TS Nguyễn Quân (Hội Tự động hóa Việt Nam) cho hay, về thu hồi đất và bồi thường khi thu hồi đất, đây là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất của luật. Do đó, ngoài các dự án vì mục đích an ninh, quốc phòng, cần hạn chế các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên cơ sở làm rõ tiêu chí xác định loại dự án, chỉ nên bao gồm các dự án quy định tại khoản 1 Điều 78 có cụ thể hóa “công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh” như các công trình giao thông theo quy hoạch (đường, cầu, nhà ga, bến cảng...), trụ sở cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của nhà nước như trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu công lập..., công viên, quảng trường, công trình phúc lợi công cộng theo quy hoạch. Các dự án khác phải là loại dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng hoặc Quốc hội.

TS Nguyễn Quân (Hội Tự động hóa Việt Nam) góp ý tại hội thảo
TS Nguyễn Quân (Hội Tự động hóa Việt Nam) góp ý tại hội thảo

Như vậy, nhà nước sẽ chỉ chịu trách nhiệm thu hồi đất và bồi thường đối với số lượng hạn chế các dự án thực sự quan trọng và vì lợi ích quốc gia, công cộng, khi đó mức bồi thường sẽ được áp dụng mức giá đất theo quy định của bảng giá đất do UBND địa phương ban hành hàng năm.

“Ngoài các dự án này, Nhà nước không đứng ra thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án như trước đây, Nhà nước chỉ phê duyệt chủ trương thực hiện dự án và hướng dẫn chủ đầu tư về quy trình, thủ tục bồi thường và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các chủ đầu tư sẽ phải tự thỏa thuận mức bồi thường với người sử dụng đất khi triển khai thực hiện dự án…” - TS Nguyễn Quân đề xuất.

Phát biểu kết luận, TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến đều tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng. Đồng thời, mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục hoàn thiện, tổng hợp ý kiến để gửi lên cấp trên.