Sửa luật để người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), người dân và DN đã phần nào được bảo vệ các quyền lợi cơ bản. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế số, tình trạng vi phạm quyền lợi NTD diễn ra ngày càng phức tạp do luật chưa sát với thực tế. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

"Ngại tố cáo" vì chưa tin tưởng

Bà Nguyễn Thị Hằng (trú tại số 28 ngõ Hòa Bình 1, phố Minh Khai) phản ánh, mới đây khi mua điện thoại iPhone, cửa hàng cam kết cho đổi trả trong vòng 10 ngày nếu sản phẩm có lỗi. Nhưng chưa tới 10 ngày, khi sử dụng bà Hằng phát hiện một vài ký tự trên màn hình iPhone bấm không được.
 Đội Quản lý thị trường số 13 và Công an Kinh tế Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên.  Ảnh:  Trần Việt
Khi đem máy đến cửa hàng kiểm tra thì được nhân viên kỹ thuật xác định lỗi “liệt cảm ứng” và yêu cầu bà phải thanh toán tiền thay màn hình lên đến 1,8 triệu đồng. Bức xúc, bà Hằng dọa sẽ đem sự việc đi khiếu nại thì cửa hàng xuống nước nhưng cũng bắt đóng thêm 1 triệu đồng.
Do cần điện thoại để sử dụng và không có thời gian theo đuổi vụ việc nên bà Hằng đành chấp nhận nhưng vẫn ấm ức do mất tiền oan. Khi được hỏi tại sao không khiếu kiện lên cơ quan chức năng như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD hoặc Hội Bảo vệ NTD, bà Hằng cho biết: Ngại gõ cửa cơ quan công quyền bởi thiệt hại không nhiều về tài chính nên chờ đến cơ quan chức năng giải quyết xong chắc tốn thêm nhiều thời gian, tiền bạc.

Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương), năm 2020 đơn vị tiếp nhận hơn 1.400 phản ánh, khiếu nại, yêu cầu tư vấn từ NTD trên nhiều lĩnh vực (tăng gấp 3 lần so với những năm trước) nhưng lại có đến 44% số người từng bị xâm phạm quyền lợi chọn phương án im lặng hoặc bỏ qua vụ việc.
Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD Việt Nam Vũ Văn Trung: NTD, trong đó phần lớn là ở nông thôn, miền núi… thường có tâm lý e ngại kiện cáo, nhất là khi giá trị hàng hóa, dịch vụ không lớn. Bên cạnh đó, nhận thức của NTD về khiếu nại tố cáo cũng chưa đầy đủ và hệ thống hội bảo vệ quyền lợi NTD ở địa phương vừa mỏng, vừa thiếu chuyên nghiệp cũng là trở ngại lớn...
Ngoài ra việc giải quyết các khiếu nại không thành công là do NTD không đủ chứng cứ chứng minh quyền lợi bị xâm hại hoặc đưa ra đòi hỏi đền bù quá mức. “Chính bản thân những người thực thi pháp luật chưa thực sự sát sao vào cuộc hoặc vào cuộc quá chậm trễ… khiến NTD thiếu niềm tin vào cơ quan, chính quyền” - ông Hùng nêu rõ.

Cần sửa luật phù hợp thực tế

Năm 2011, Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, qua đó quyền lợi NTD cũng được quan tâm hơn, bình đẳng hơn, sự công khai minh bạch trong mua bán cũng được cải thiện. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thương mại điện tử đã xuất hiện nhiều hành vi xâm hại quyền lợi NTD nhưng các quy định của luật không theo kịp thực tế.
Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, toàn bộ các quy định bảo vệ quyền lợi NTD hiện chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh “truyền thống”. Bên cạnh đó, chưa “định vị” được vị trí của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD trong quan hệ với các luật chuyên ngành cũng như quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức khác trong việc phối hợp thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.
“Nhà nước trong quá trình sửa đổi luật cần bổ sung một số khái niệm mới như: Bên thứ ba tham gia việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, thông tin (cá nhân) của NTD, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tranh chấp xuyên biên giới… Hoàn thiện quy định về hàng hóa có khuyết tật; Bổ sung một số hành vi cấm kinh doanh, qua đó tạo cơ sở xử lý hình sự đối với một số nhóm hành vi vi phạm quyền lợi NTD” - ông Tân kiến nghị.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Hội bảo vệ NTD Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần làm rõ nguyên tắc khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD, nhưng chỉ có các tổ chức xã hội được thành lập hợp pháp theo luật mới được thực hiện các hoạt động có tính “đặc thù”.
“Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của NTD trong việc chống lại các hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến số đông NTD” - ông Hùng chia sẻ. Bàn thêm về giải pháp bảo vệ quyền lợi NTD, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thái Dũng nêu ý kiến: Trong lần sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ quyền lợi NTD nên ghi rõ các tổ chức, cá nhân bán hàng qua các sàn giao dịch điện tử cần thực hiện nghiêm pháp luật Nhà nước về kinh doanh thương mại điện tử, chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi NTD.
Để giải quyết những bất cập này, tiếp thu và bắt kịp các thông lệ quốc tế để quyền lợi NTD được bảo đảm. Hiện Bộ Công Thương đã kiến nghị sửa các quy định của luật liên quan tới các tranh chấp tiêu dùng có yếu tố nước ngoài hoặc xuyên biên giới; bổ sung điều khoản bảo vệ NTD trong thương mại điện tử...
Đặc biệt, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi luật để tạo cơ sở pháp lý xử lý hình sự đối với một số nhóm hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Bộ cũng đề xuất tạo cổng thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để mọi người có thể chia sẻ, khai thác thông tin. Cùng với đó, từng bước xây dựng nền tảng, tạo cơ sở để hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia và Cổng Thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi NTD.

"Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Cụ thể sửa đổi, bổ sung Điều 1 và Điều 2 để điều chỉnh các quan hệ tiêu dùng, các tranh chấp tiêu dùng có yếu tố nước ngoài hoặc xuyên biên giới. Dự luật cũng sửa đổi một số điều khoản để bảo đảm việc cung cấp thông tin cho NTD, đặc biệt trong bối cảnh phát triển thương mại điện tử. Bên cạnh đó cơ chế hòa giải tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh đang được thiết kế khá lửng lơ, vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất cần bổ sung cả Luật và Nghị định." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh


"Có thể xem xét bổ sung một số quy định hoàn toàn mới trong luật hoặc xây dựng một số cơ chế chính sách để tạo cơ sở thực thi tốt hơn các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD trong thời gian tới. Tạo cơ sở để hình thành hệ thống cơ quan chuyên trách về bảo vệ quyền lợi NTD. Đưa bảo vệ quyền lợi NTD thành một lĩnh vực nghề nghiệp." - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD Trịnh Anh Tuấn


"Hiện, cơ chế yêu cầu và giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi NTD đang quy định lửng lơ, không tạo ra cơ chế nhất quán. Vì vậy, cần có quy định làm rõ sự khác biệt giữa giải quyết yêu cầu và giải quyết khiếu nại, trách nhiệm khiếu nại, cần bổ sung với tất cả các cấp hành chính để NTD ở mọi địa phương có thể tìm đến các cơ quan hành chính đề nghị hỗ trợ giải quyết tranh chấp." - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD Việt Nam Vũ Văn Trung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần