Đảm bảo phân cấp, phân quyền có trọng tâm, trọng điểm
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô, dự thảo Luật quy định phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho UBND TP Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho Hà Nội trong quản lý, thực hiện quy hoạch.
Về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô, dự thảo Luật đã bổ sung 3 lĩnh vực mà HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, còn quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính chưa được pháp luật hiện hành quy định là ngừng cung cấp dịch vụ tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có 26 nội dung về phân cấp, phân quyền đang được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này và tinh thần là “những gì phân cấp được thì quy định rõ ràng ngay trong Luật”. Bộ Tư pháp sẽ rà soát thêm để củng cố quan điểm “đã phân quyền, phân cấp thì đồng thời đi kèm với kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm”.
Phân quyền thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời, để tạo sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn tại Thủ đô, dự thảo Luật cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
“Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.
Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND thành phố Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch HĐND thành phố là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị. Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc đề xuất trong dự thảo Luật các cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hà Nội.
Phân cấp, phần quyền đi liền với kiểm soát quyền lực
Từ thực tiễn phát triển của Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc phân cấp, phân quyền phải toàn diện trên các lĩnh vực, không chỉ là về kinh tế mà còn ở các lĩnh vực khác theo hướng "vừa bảo đảm tính toàn diện, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm, phải tạo ra đột phá, chứ không phải rải mành mành".
Trong dự thảo Luật lần này cần tập trung phân cấp, phân quyền đến cấp Thủ đô, tức là cấp tỉnh. Gợi mở vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát và nên chăng bổ sung nội dung phân cấp cho chính quyền cấp dưới; và nếu không quy định phân cấp cụ thể cho chính quyền cấp dưới, thì nên tính toán để bổ sung điều khoản giao cho Thủ đô thẩm quyền phân cấp cho chính quyền cấp dưới, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cấp dưới thực hiện.
“Theo đó, những quy định về thẩm quyền nào thấy cần thiết phải quy định ngay trong Luật đối với cấp quận, huyện, sở, ngành, nội dung nào thành phố tiếp tục phân quyền cho cấp dưới. Trong Báo cáo thẩm tra nói chủ yếu là cấp thành phố, nhưng phân cấp, phân quyền bao gồm rất nhiều cấp” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cùng với việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và trao cho Thủ đô những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thì cơ chế kiểm soát quyền lực cũng là vấn đề được quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, phân cấp mạnh phải đi cùng với kiểm soát quyền lực. Giải quyết vấn đề này trong thực tế không phải dễ, nhưng cũng cần có giới hạn nhất định, tránh dẫn đến tình trạng cơ chế “xin ý kiến” nhiều quá; "Thành phố mà cái gì cũng xin ý kiến các bộ, ngành”.
Cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực thực chất là vấn đề trình tự, thủ tục để thực hiện các quyền này. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội phân tích: "Ai ban hành mới là quan trọng; có trình tự, thủ tục sẽ tự khắc phải làm theo - đó là cơ sở để chúng ta giám sát. Cùng đó, phải tiếp tục rà soát, nội dung nào Chính phủ quy định, nội dung nào thành phố có thẩm quyền”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị cần phân cấp thêm cho HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố để giải quyết những vấn đề quan trọng của Hà Nội.
Đối với lĩnh vực đầu tư, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, không nên quy định tối đa thành phố được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. Theo quy định thì dự án trên 10.000 nghìn tỷ đồng là dự án quan trọng quốc gia, phải báo cáo Quốc hội, mất nhiều thời gian và thủ tục.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị cần nương theo quy hoạch rồi giao cho thành phố thực hiện các dự án. Nhấn mạnh công tác phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, rút kinh nghiệm từ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thành phố đã quyết liệt thực hiện các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn nhưng những thủ tục đi theo vẫn còn đang nằm ở các bộ, ngành.
Về phân cấp, phân quyền, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, vấn đề phân cấp, phân quyền nào đã rõ ràng thì đề nghị được quy định rõ luôn trong dự thảo luật. Thành phố sẽ rà soát thêm và khẳng định, đã phân quyền, phân cấp phải đi đôi với kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp tiếp thu ý kiến, bám sát cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).