Sửa Luật Thủ đô:Đẩy mạnh phân quyền, phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh

Hồng Thái - Trần Long - Ảnh: Khánh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau 10 năm Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, việc thực thi các cơ chế đặc thù được luật quy định đã mang lại những kết quả tích cực trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học, vẫn còn những vướng mắc, chỉ riêng Hà Nội không thể giải quyết được.

Sáng 1/8, tại Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất về các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo đột phá cho Thủ đô phát triển.

Phân quyền, nghiên cứu thành lập “thành phố thuộc thành phố”

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách. Cùng đó, Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm) và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ.

Thành phố thuộc thành phố sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Bởi lẽ đó, tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển.

TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố
TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố

“Ngoài ra, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (Transit Oriented Development) mà Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cũng là điểm đột phá. Song, cũng cần phải có sự phân biệt về khoảng cách với đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác như lý thuyết khuếch tán được áp dụng ở các thành phố lớn trên thế giới nhằm giải tỏa áp lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ và các hoạt động khác; xử lý tốt mối quan hệ “trục dọc, trục ngang” để các thành phố thuộc thành phố Hà Nội không rơi vào tình trạng đô thị vệ tinh là sự mở rộng của đô thị trung tâm như trường hợp của thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh)” - TS Chu Mạnh Hùng nêu quan điểm.

PGS-TS Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đề xuất, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải bổ sung các điều khoản có tính pháp lý, tạo nền tảng, tính đặc thù vượt trội cho giai đoạn sau, thu hút tinh thần và lực lượng của toàn xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân, thành phố sáng tạo, hòa bình của thế giới, đặc biệt là hỗ trợ cho việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

PGS-TS Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đề xuất, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định phân quyền cho UBND TP Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài tạo thành một mạng lưới đô thị
PGS-TS Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đề xuất, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định phân quyền cho UBND TP Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài tạo thành một mạng lưới đô thị

Ngoài ra, quy định phân quyền cho UBND TP Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài tạo thành một mạng lưới đô thị. Trong đó, mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế, thông qua kết nối quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai và tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải xuyên biên giới. Qua đó, kết nối không chỉ các đô thị trong vùng Thủ đô mà còn với các đô thị đặc biệt tại Việt Nam, thủ đô của các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Á và thế giới.

Hướng tới xây dựng “Thủ đô xanh”

PGS.TS Phạm Trọng Thuật - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá, dự thảo Luật lần này cụ thể hơn về vấn đề xây dựng, quy hoạch, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, để xây dựng, quy hoạch thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững cần bổ sung thêm các quy định nhằm nâng cao vai trò của cộng đồng tham gia góp ý kiến, giám sát thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; quan tâm cải tạo, nâng cấp các khu tập thể cũ mà không làm tăng mật độ dân số.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Liên quan quản lý đất đai, dẫn chứng Khoản 1 Điều 29 quy định: Nhà nước, người dân, nhà đầu tư trong các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao được chia sẻ lâu dài nguồn thu từ các dự án, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Lâm nghiệp) Nguyễn Bá Long cho hay, đây là quan điểm rất mạnh dạn, đột phá về bảo vệ sinh kế bền vững cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần làm rõ người dân là chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi hay liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, góp đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

Nêu kinh nghiệm quy hoạch Thủ đô các nước như: Paris (Pháp), New York (Mỹ), Singapore… đều có những công viên trung tâm rộng lớn, rừng cây trong thành phố, tạo không gian xanh tự nhiên, đa dạng sinh học trên quan điểm sinh thái cảnh quan, ông Nguyễn Bá Long đề xuất, Hà Nội cần nghiên cứu mô hình "đô thị nén" ở khu vực đô thị trung tâm với định hướng “Trong thành phố có rừng”, dành tỷ lệ cho cây xanh, “vành đai xanh”, “không gian xanh”, hướng tới xây dựng “Thủ đô xanh”.

Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Lâm nghiệp) Nguyễn Bá Long đề xuất, thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ không gian xanh
Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Lâm nghiệp) Nguyễn Bá Long đề xuất, thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ không gian xanh

Nếu triển khai, rừng Hà Nội sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo môi trường cảnh quan, là vành đai, là “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô. Rừng Hà Nội cũng gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa quan trọng cần được ưu tiên bảo vệ và là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

“Ngoài ra, cần nghiêm cấm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Thay vào đó, thành phố có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ không gian xanh” - Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn nêu quan điểm.

 

Sáng 1/8, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” diễn ra tại trường Đại học Luật Hà Nội. Hội thảo do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Sở Tư pháp Hà Nội và trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức.

Dự hội thảo có Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban soạn thảo.

Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô. Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn TP Hà Nội.